02/08/2012 02:51 GMT+7

Tình tiêu sáo

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Không danh vọng, suốt đời ông chỉ mê tiêu và sáo. Người làng Chuông (Hà Tây cũ) nhưng hồn sớm phiêu với giai âm của núi, nhịp phách của rừng, ông biến mình thành một thứ "đặc sản" giữa các món văn nghệ quần chúng.

vTE3V0cJ.jpgPhóng to
Ông Lê Thái Sơn (bìa trái) và các học trò thổi bài Cây trúc xinh - Ảnh: TRẦN ANH

Chẳng lạ khi ông bố trí một không gian cho mình và học trò: bộ bàn ghế, tranh ảnh, nhạc cụ đều dính dáng đến tre, trúc. Nếu có một bình hoa lys căn phòng mới phai hẳn mùi đặc trưng quanh năm. Nếu ông vắng nhà vài ngày, hàng xóm sẽ nhớ, tiêu và sáo buồn tênh như một loài chim không được hót vang mỗi sáng.

Mùi tre trúc

Phố đêm, Hà Nội mưa rả rích, Lê Thái Sơn - ông cán bộ văn hóa quần chúng đã nghỉ hưu - ngồi lặng mình với cây sáo. Nhớ quãng năm năm cắm bản ở đất Sơn La với những chuyến vào rừng để tìm tre, trúc về phục chế nhạc cụ dân tộc. Nhớ những mùa rạo rực xuân tình, bội thu mùa màng, bản làng vang xa tiếng sáo, trầm ấm tiếng tiêu. Nhớ mà thấm ngọt mấy bài dân ca của người Mèo, người Mông. Một quãng tuổi trẻ ăn cơm bản, uống nước suối để như chính ông thú nhận: "Ðôi tai nhạy hơn với tiếng sáo, tiếng tiêu".

Thông gia mê tít thông gia

Những ca khúc nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam, của một số nước châu Âu đã được thầy Sơn đưa vào giáo trình tự biên soạn để học trò tiếp cận. Mới nhập môn, học trò thường than khó và thổi không ra hơi ở những trường đoạn đòi hỏi kỹ thuật, ông động viên bằng một cử chỉ: rót thêm trà thơm vào chén cho trò. Cứ thế, cả ngày ông xuôi chèo mát mái với tiêu, sáo và những người trẻ. Không hề chán!

Chàng rể người Mỹ gọi điện thoại về cho bố vợ (là ông) có lời mời: “Ông ngoại qua đây thổi sáo cho cháu nghe”. Sang thật chứ chẳng đùa, thông gia bên đó khi nghe ông Sơn thổi sáo đều khoái chí. “Thông gia mê tít thông gia”, ông Sơn gõ vào cây sáo để chỉ một lý do là đây.

Ðừng xa tiêu, sáo khi về già - ông Sơn tự nhủ. Nhờ mối thâm giao, ông vào tận Ðà Nẵng mua hẳn một chiếc máy hỗ trợ chế tác để về làm sáo. Nâng cấp từ sáo sáu lỗ lên chín hoặc mười lỗ, ông khẳng định: "Khi đôi tay người chơi đặt được trên mười lỗ của cây sáo thì cũng là lúc một bản nhạc được kiểm soát liên tục và đẹp mắt". Bụi tre trúc bám vào mái đầu, có lần ông khoe với vợ: "Tôi chưa qua cơn mê sáo đâu nhé!".

P’rông là một "người tình" của riêng ông. Kết hợp nguyên lý chơi nhạc trên đàn piano và hình dáng mái nhà rông Tây nguyên, chất liệu là trúc, ông tự tay sáng chế P’rông. Ðứng chơi P’rông, ông lắc lư thân hình như thỏa thú phiêu bồng với tre trúc tự bao giờ. P’rông được đón nhận ở Liên hoan các nhạc cụ dân tộc, được các anh lính ở Bộ Quốc phòng thích thú, được các chính khách ngạc nhiên khi lắng nghe thanh âm cao vút, trong trẻo thoát ra từ nó.

Không chỉ miệt mài làm các nhạc cụ từ tre và trúc, ông Sơn còn chí thú với việc soạn giáo án để truyền dạy cho học trò tứ xứ đến theo học. Khi cầm sáo trên tay, nghĩa là các học trò của ông phải biết vị trí các âm thanh ghi trên khuôn nhạc, ký hiệu ghi trường độ, ký hiệu sắc thái, dấu chấm đôi, các dấu lặng, nối, luyến, thăng và giáng...

Truyền dạy bí quyết

Lê Thái Sơn trân quý tình thầy trò. Ông nâng niu những bức ảnh của người đã truyền dạy cho mình từ ngày chưa biết gì về nhạc lý. Ông hãnh diện khi có một vài học trò xuất sắc, thành danh ở bộ môn sáo, hiện đang tại vị ở một số trường đại học. Họ đã qua lớp "gọt" của thầy Sơn từ thời tiểu học.

Vô tư truyền dạy các bí quyết làm sáo và thổi sáo, miễn phí đối với mọi người theo học tại nhà, ông bảo: "Có gì đâu, mình là người làm văn hóa quần chúng".

Thợ cắt tóc, người đi làm công sở, võ sư, đông nhất là sinh viên, học sinh đã dành thời gian với lớp học này. Nguyễn Vũ Quốc, sinh viên Trường Mỏ - địa chất, tếu táo: "Em đi học thổi sáo cho ngon lành để về... cưa gái!". Còn Nguyễn Ðình Dương, học sinh Trường Nguyễn Tất Thành, thì: "Em muốn thổi cho ba mẹ nghe một bài yêu thích". Nhiều nữ sinh cũng mê thổi sáo như ai đó mê tụ tập "chém gió" ở quán vỉa hè Hà Nội vào cuối tuần. Ðã có không ít kiến trúc sư mải miết học sáo, vô tình tái khám phá năng lượng để sáng tạo mỗi khi đối diện với cuộc thiết kế công trình. Ðã có người kế nghề làm sáo sau khi đã theo học thầy Sơn. Cao Trí Minh thành thật: "Tôi đang sống bằng thu nhập làm sáo và dạy sáo sau khi theo học thầy Sơn".

Không ít người trẻ từ miền Nam ra Hà Nội tìm thầy Sơn để học thêm sáo vùng Tây Bắc. Cao Lê Tấn Phát, sinh viên năm 2 khoa nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM, cho biết: "Dịp hè này, tôi ra thầy Sơn học thổi cho thành thạo hai bài: Mùa xuân biên phòng, Tiếng sáo và người yêu". Còn hai anh em ruột Nguyễn Thế Bách và Nguyễn Thế Tùng, khăn gói từ Phú Yên ra Hà Nội thuê nhà để nghỉ hè, hằng ngày đến lớp học này để thổi cho đặng bài Ðội kèn tí hon, Chú ếch con, Ðêm qua em mơ gặp Bác Hồ.

Có điều gì đó da diết khi nghe ông thổi bài Về quê (của nhạc sĩ Phó Ðức Phương), luyến láy mà từ tốn trong Giận mà thương (của nhạc sĩ Trần Hoàn), Buồn vương trên cây thùy dương (ca khúc của âm nhạc Nga)... Một nhà sư chọn bài Về quê để vỡ lòng tiếng sáo, vẳng sang tai hàng xóm, họ thắc mắc: "đã đi tu sao lại còn... theo em, anh thì về"? Lời phúc đáp từ nhà sư kia là: "Em là một phút tạ từ trước quê cha đất tổ". Cái tình phút chốc được hóa giải nhẹ như gió thoảng mây trôi.

Phía sau tiếng tiêu, sáo của mỗi người theo học là tâm trạng, cách nghĩ của họ về cuộc sống. Vui hay buồn, gửi gắm hay thoái chí, tất bật hay thảnh thơi có ở cái tạng từng người. Ông biết hết nhưng im lặng, chỉ truyền dạy kỹ thuật vào niềm đam mê. Dạy xong, ông lại leo cầu thang lên tầng thượng chăm sóc mấy chậu cây cảnh, nghe tiếng chuông gió, đợi vợ đi làm về...

TRẦN ANH

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên