Đại diện Cục Thuế TP.HCM đối thoại với tài xế về việc thu thuế với tài xế Grab chiều 6-9. Ảnh: C.TRUNG * Ông BÙI VĂN PHƯỚC (57 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, tài xế GrabBike): Nghề tài xế xe công nghệ chủ động được thời gian Tôi quê gốc ở Bến Tre, thời thanh niên đã lên Sài Gòn lập nghiệp. Tôi làm thợ hồ, khi nào thất nghiệp thì chạy xe ôm. Từ ngày có xe ôm công nghệ, khách khứa xe ôm truyền thống vắng quá nên tôi làm liều sắm điện thoại, cài app chạy xe ôm Grab cũng được hơn 2 năm. Giờ mỗi ngày tôi chạy app từ 6-10h sáng, chiều chạy từ 16h đến khoảng 23h thì tắt app về. Trung bình mỗi ngày trừ đi tiền xăng, tiền chiết khấu của app thì còn chừng 300.000 đồng. Tui chưa có năm nào chạy trên 100 triệu đồng nên không phải đóng thuế, nhưng chỉ lấy làm lạ là số tiền xem là thu nhập cá nhân nhưng không được trừ đi các chi phí phát sinh như tiền xăng, tiền điện thoại, tiền nhớt và hư hao xe cộ. Nếu tính sòng phẳng thì phải trừ đi hết mấy khoản đó rồi mới coi là thu nhập, được tài xế bằng lòng. Nghề này được cái tự do, mình có thời gian nghỉ ngơi chủ động, không nặng đầu, cứ khi nào app “phát” cuốc thì mình chạy, không có thì dừng chân bên đường nghỉ ngơi. Giờ lớn tuổi rồi, tính ra chẳng có nghề gì khá hơn để kiếm tiền, trong khi cuộc sống vẫn còn bao nhiêu khoản phải trang trải từ tiền ăn, tiền trọ, đám tiệc liên miên… Vợ tôi bán buôn ở chợ Hàng Xanh, hai vợ chồng mướn căn nhà trọ mỗi tháng trả 1,2 triệu đồng. Con tôi là sinh viên, vừa mới chạy Grab được hơn một tháng sau giờ học để kiếm thêm tiền ăn. Giờ tôi còn sức khỏe thì cứ chạy, khi nào đuối thì tính sau. Nhưng chắc phải cố gắng chạy đến khi thằng út học hành đến nơi đến chốn, có được công việc ổn định thì tôi mới nhẹ lòng, mới dám bỏ nghề. * Anh T.V.C.: Chạy “cơm gạo” thì phải ráng đóng thuế Từ công việc bảo vệ lương chừng 5-6 triệu đồng/tháng, tôi chuyển sang làm tài xế xe công nghệ từ năm 2016 tới nay. Tôi đang đóng chồng hai cái thuế: thuế thu nhập hiện tại và phần truy thu thuế của năm 2018 khoảng 6 triệu đồng. Lúc đầu app trừ vào ví tiền thưởng, mỗi tháng gần 1,1 triệu đồng khiến nhiều tài xế xót của. Từ hồi bị truy thuế, nhiều tài xế hạn chế chạy lấy thưởng để đối phó vì ví tiền thưởng không đủ tiền trừ. Tôi bị trừ được khoảng 2 triệu thì không trừ được nữa vì ví tiền thưởng không còn tiền. App liền chuyển sang trừ thẳng vào ví trên (ví tín dụng, là loại ví mà tài xế cần phải duy trì một khoản tiền cố định để được cho phép nhận cuốc). Sau đó, nhiều anh em tài xế kêu ca quá thì app giãn thời gian truy thu thành 16 tuần như bây giờ, app sẽ tự động trừ 273.000 đồng vào mỗi thứ năm hằng tuần. Tôi đã đóng 3 tháng rồi, chỉ còn một tháng cuối. Những tài xế chạy “cơm gạo” như tôi thu nhập chừng 500.000 - 600.000 đồng mỗi ngày, tháng kiếm hơn 10 triệu nhưng phải cày ngày cày đêm, mỗi ngày đều phơi 10-12 tiếng ngoài đường. 6h sáng là phải lo ra đường rồi. Cũng oải lắm, nhưng mình chạy “cơm” gạo chứ phải chạy chơi đâu mà nói đánh thuế thì không chạy nữa. * N.V.TIẾN (24 tuổi): Nghề “bào” sức khỏe Chạy giờ cao điểm thì nhanh nhận “ngọc” mới đủ tiền sống chứ giá rẻ rề, chừng 3.000-4.000 đồng/km. Tôi chạy từ 6h sáng tới khoảng 19-20h, có khi đến 22h để “cày” tiền thưởng. Theo quy định, hoàn thành một cuốc thì nhận được 2 ngọc (2 điểm), giờ cao điểm thì 3-4 điểm. Tài xế sẽ có ba mức nhận thưởng: 40 điểm - 40.000 đồng, 64 điểm nhận thêm 80.000 đồng (là 120.000 đồng), 80 điểm nhận thêm 120.000 đồng (tổng cộng 240.000 đồng). Nhưng lấy công làm lời thì vẫn đầy những rủi ro. Nếu cao điểm mà chạy được ba cuốc, chừng 12 ngọc thì cũng đỡ. Nhưng nhiều buổi sáng dính kẹt xe, hết giờ cao điểm mà chỉ chạy xong một cuốc thì hôm đó chắc chắn phải cày thêm vài tiếng mới được đến mức 3. Để đạt mức 3 thì trung bình mỗi ngày tôi chạy 20 cuốc trở lên. Làm nghề này chủ yếu “bào” sức cày thưởng mới có tiền. Còn trẻ thì làm, chứ có gia đình sao làm nổi nữa, phải tìm việc khác. Có bữa chạy đến gần nửa đêm để đạt mức 3, hôm sau mệt quá phải nghỉ, chứ sức đâu chạy. Những tài xế chạy app của tôi vẫn chưa bị tính thuế vì app mới hoạt động chừng hơn năm. * Chị V.ANH (32 tuổi): Bữa nào chạy mới có tiền Xe mình, xăng mình, sức mình bỏ ra hết. Ngày nào chạy được 600.000-700.000 đồng thì chi phí xăng xe, ăn uống đã hết 150.000-200.000 đồng. Mình cũng đâu khác gì những người buôn gánh bán bưng đâu. Là phụ nữ nhưng cũng như hầu hết tài xế của app này, mình phải cày mức 3 tiền thưởng mới đủ sống. Đâu phải ngày nào cũng chạy được. Nghề này bữa nào chạy bữa đó có tiền, khoảng 500.000 đồng. Nhưng gặp ngày mưa ngập đường, tôi bỏ tiền thưởng tắt app về thì chỉ được 200.000 đồng, bữa nào đau bệnh nghỉ cũng đâu được tính lương như những người làm công ty. Nghỉ tết, nghỉ lễ cũng đâu có thưởng lương tháng 13, đâu được trả tiền cả ngày nghỉ như người làm công ty. Thế nên Nhà nước chỉ nên tính thuế cho những người làm công ty, doanh nghiệp, có hợp đồng, bảo hiểm, lương thưởng. Nhiều tài xế khoe họ chạy được cả triệu đồng một ngày, nhưng những người đạt con số đó rất ít. Người nào ở thành phố, có nhà cửa, ăn ở với gia đình thì còn dư, chứ tài xế làm nghề này hầu hết ở tỉnh lên, thuê trọ để chạy xe thì chỉ đủ nuôi con. Yêu cầu tài xế đóng cũng được, nhưng nên xét đến gia cảnh từng người. Tôi có hai con, đứa vào lớp 1, đứa học mẫu giáo nhưng đều để cả ở Đồng Tháp cho bà nội, hằng tháng gửi tiền về, nhờ vậy mà hai vợ chồng mới có thời gian chạy xe 9-10 tiếng mỗi ngày và số tiền chạy xe mới không tiêu hết vào chi phí ăn học cho các con nếu chúng học ở thành phố. * Tài xế N.T.C. (27 tuổi): Không dễ có thưởng Nếu phải đóng thuế thì cũng đóng thôi nếu app vẫn duy trì cuốc đều, thu nhập ổn định, chứ nếu app cũng làm khó tài xế thì chắc phải nghỉ. Tôi mới chuyển qua app khác chạy vì quá ức chế với app cũ. Đang nổ cuốc liên tục thì đột nhiên app treo mình 2 tiếng, ngồi chờ mòn mỏi. Vài lần như vậy khiến tôi có cảm giác mình bị treo khi gần đạt mốc điểm thưởng. App cũ của tôi có 5 mốc thưởng, nhưng chạy ngày 9-10 tiếng thì chỉ ở mức 2-3. Có người chạy 12-13 tiếng mỗi ngày, ngày 800.000-900.000 đồng nên phải đóng thuế 60.000 đồng/ngày. Nhưng cái cảm giác chưa ra đường, chưa làm được gì hết mà biết bị trừ 60.000 đồng là đã thấy khó khăn rồi. Mình đâu thể chạy bào sức mãi. Ngày nào cũng 10-12 tiếng ngoài đường chắc chẳng trụ được bao lâu. Bên app mới chạy dễ lấy thưởng hơn nhưng thu nhập ít hơn. Nếu đóng thuế chắc sẽ chạy bớt lại, không đủ 100 triệu đồng một năm thì khỏi đóng. * Anh X.T. (21 tuổi): Nhảy app để né thuế thu nhập Tôi không làm cố định, mà “nhảy” từ app nọ qua app kia. Làm không đủ một năm thì họ đâu có trừ thuế mình được. Hiện tôi chưa nghe app mới thông báo đóng thuế, nhưng nếu phải đóng thì hết 6 tháng tôi lại thanh lý hợp đồng để chuyển app khác. Còn trẻ còn bào sức, chứ cũng đâu chạy mãi được. Nếu có gia đình chắc chắn là không cày nổi. Giờ ráng chạy kiếm tiền, đi học thêm nghề nào đó rồi đổi nghề.■ Tags: Thuế thu nhậpXe công nghệGarbChi phí phát sinhNhảy app
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.