Đây được xem là dịp để các bạn trẻ chia sẻ góc nhìn về vai trò, trách nhiệm của mình trước những nhiệm vụ, vấn đề phát sinh của đất nước.
Đặc biệt, tọa đàm là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ suy nghĩ về chủ đề được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" được đăng trên Tạp chí Cộng Sản số 11-1973 với bút danh Người Xây Dựng.
Đây là một trong các bài viết được trích từ cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật phát hành gần đây.
Dự tọa đàm, về Ban Nội chính trung ương có ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban, ông Trần Hoàng Kiếm - quyền Vụ trưởng Vụ địa phương 3. Đại diện TP.HCM có ông Trần Quốc Trung - phó trưởng ban Nội chính Thành ủy, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin truyền thông, ông Trương Minh Tước Nguyên - phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM cùng bác sĩ Lê Anh Tuấn - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Về phía đơn vị tổ chức có bà Nguyễn Hoài Anh - phó giám đốc, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.
Trong số khách mời có ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, và ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm.
Khách mời dự tọa đàm chia sẻ các góc nhìn khác nhau về câu chuyện trách nhiệm, vai trò cá nhân, đơn vị gắn với chủ đề Người trẻ có sợ trách nhiệm?.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ nhận định, từng bài viết trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Đây có thể coi là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh, phòng chống tham những ở nước ta. Cuốn sách đã cung cấp nhiều thông tin giúp người đọc hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đấu tranh với “giặc nội xâm”, quyết tâm ngăn chặn, đầy lùi và xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo điều kiện cho cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến xây dựng đất nước, trở thành công bộc đúng nghĩa của dân.
“Nhưng để làm được như thế, việc nghiêm túc nhìn nhận rõ trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ, có ý nghĩa rất quan trọng. Chính tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn dắt mỗi bạn trẻ tùy từng vị trí công việc, học tập, dám xung phong, dấn thân để nhận về mình những công việc mới, phần việc khó”, ông Lê Thế Chữ nói.
Dấy lên tinh thần "dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm
Anh Trương Minh Tước Nguyên - phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM - cho rằng chủ đề, cách đặt vấn đề của tọa đàm lần này rất thời sự, rất đúng với những định hướng mà lãnh đạo thành phố đã nhiều lần trao đổi, nhắc nhở.
Mục tiêu tọa đàm là dấy lên tinh thần “dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm” trong đội ngũ đoàn viên, cán bộ đoàn trẻ, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức trẻ của thành phố, từ đó góp phần xây dựng TP.HCM ngày càng phát triển vượt bậc.
Anh cho biết Thành Đoàn TP.HCM đã thực hiện nội dung “trách nhiệm của người trẻ” từ rất lâu. Năm 2002, Thành Đoàn triển khai phong trào “3 trách nhiệm” trên tinh thần, nội dung chính gồm: trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với bản thân. Phong trào nay cũng đã được Trung ương Đoàn nhân rộng trên toàn quốc với ba nội dung: trách nhiệm với nhân dân, công việc và cộng đồng.
Theo anh Trương Minh Tước Nguyên, cần phải nói thẳng, nói thật và không chỉ nói về những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi tuy có nhiều cán bộ, công viên chức trẻ tận tuỵ, trách nhiệm thì vẫn còn nhiều cá nhân còn những biểu hiện chưa tích cực.
Để nhận diện các biểu hiện này cũng được chỉ ra: Một là chưa thực hiện tròn chức trách, nhiệm vụ trong tổ chức công việc của mình. Hai là một số cán bộ trẻ có suy nghĩ chọn việc nhẹ nhàng, dễ làm, thiếu sự phấn đấu trong công việc, đặc biệt là ngại phấn đấu, ngại thay đổi, đổi mới sáng tạo trong công việc. Ba là vẫn còn thiếu tính xung kích, tiên phong nhận làm những phần việc khó, chưa tích cực tham gia vào hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Cuối cùng là việc thiếu ý thức tự giác giáo dục chính trị, bản lĩnh, tư tưởng rèn luyện chính trị trong đội ngũ cán bộ trẻ.
“Ở đây có thể phân tích ở hai lý do, một là chúng tôi muốn báo cáo thêm, vì hiện nay áp lực công việc của các bạn cán bộ, công viên chức trẻ khá nhiều. Do đó các bạn cần tập trung cao độ cho công việc chuyên môn, từ đó chưa có nhiều thời gian cho hoạt động tình nguyện, công tác xã hội”, anh Tước Nguyên nói thêm.
Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Lê Anh Tuấn khẳng định, rất nhiều người trẻ có tinh thần trách nhiệm rất là cao. Từ việc bản thân từng trải qua nhiều công việc, vị trí, đơn vị khác nhau, theo ông Tuấn, thể hiện tinh thần trách nhiệm phải là quá trình đi từ kiến thức - thái độ - hành vi.
“Để thực hiện được hành vi có trách nhiệm, thứ nhất chúng ta phải có một lãnh đạo có trách nhiệm, thứ hai là một tập thể trách nhiệm và thứ ba là một tổ chức có trách nhiệm, từ đó tạo nên một môi trường có trách nhiệm. Tôi xin dùng từ mà các bạn hay nói: hệ sinh thái trách nhiệm”, ông Tuấn nói.
Toa thuốc chữa bệnh “sợ trách nhiệm”
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ, gõ tìm kiếm với từ khóa “sợ trách nhiệm”, Google đã cho ra 24 triệu kết quả, từ đó cho thấy sự phổ biến tình trạng này.
Theo ông, thực tế có những câu chuyện “sợ sai, sợ trách nhiệm”, điều quan trọng là làm sao khai thông theo hướng giải quyết vấn đề tích cực hơn.
“Trong bối cảnh trải qua hai năm đại dịch COVID-19, chúng ta nên đặt vấn đề về vắc xin nào, toa thuốc nào chữa bệnh “sợ trách nhiệm”. Sau đại dịch là hàng loạt đại án, điều đó làm cho tâm trạng xã hội cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi. Chúng ta cần đưa ra cách nào để giải quyết vấn đề trên một cách tích cực”, ông Xuân Trung nói.
Chị Châu Minh Hiền (Sở Nội vụ TP.HCM), Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM khẳng định: “Chúng ta hối tiếc về những điều đã không làm, chứ không phải hối tiếc vì thất bại.
Người trẻ chúng tôi không sợ trách nhiệm. Được tham gia viết đề án về chính quyền đô thị, tôi thấy mình có trách nhiệm cùng góp sức với lãnh đạo làm sao để thành phố đề xuất cơ chế đặc thù nhằm phát triển trở thành cánh chim đầu đàn. Thành phố phải đi trước, tiên phong, để các tỉnh thành khác cùng đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước vì lợi ích của nhân dân, với tâm thế khó đến đâu gỡ đến đó.
Khi thực hiện đề án Chính quyền đô thị, tôi là người trẻ nhất. Tôi có niềm tin, mục đích hiệu quả công việc phải đem lại lợi ích chung".
Phát biểu kết thúc toạ đàm, ông Nguyễn Thái Học - phó Ban Nội chính Trung ương - nói vốn quý của tuổi trẻ là có sức khỏe, nhiều hoài bão, ước mơ, sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
“Đâu đó vẫn có người sợ trách nhiệm, nhưng có phải là phổ biến không thì chúng ta cần suy nghĩ. Thông qua toạ đàm này, chúng ta nhận diện rõ hơn tác hại ra sao, vì đâu mà có của bệnh sợ trách nhiệm. Nếu làm trong sáng, vô tư, không vụ lợi thì không sợ”, ông Học nhắn nhủ.
Bà Nguyễn Hoài Anh - phó giám đốc, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - chia sẻ: “Trong khi khẳng định đấu tranh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ cái gốc của tham nhũng và tiêu cực là sự suy thái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận đảng viên.
Do đó để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả và đạt được hiệu quả, điều quan trọng nhất là mỗi đảng viên, cán bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí, gương mẫu đi đầu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận