TTCT - Tim Kennedy tốt nghiệp thạc sĩ báo chí và phê bình điện ảnh Đại học New York. Là một công dân thiên niên kỷ của thế hệ toàn cầu, anh đã sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Tim chia sẻ cảm nhận của mình về không khí mùa lễ hội ở thời đại đa văn hóa, trong cái Tết đầu tiên của anh ở Việt Nam. Những dịp lễ Tết, về cơ bản, mang tính đặc thù văn hóa tùy theo quốc gia. Ảnh: vyctravel.com Tôi chuyển tới TP.HCM vào tháng 2 năm ngoái, ngay sau Tết. Bầu trời trong xanh. Không khí thật dễ chịu. Mặc dù tôi là người mới mẻ hoàn toàn với đất nước này, tôi có thể cảm nhận được là mình vừa bỏ lỡ một sự kiện lớn, đỉnh điểm của một năm Việt Nam. Trong khi tôi sẽ không bắt đầu được thấy và nghe “Tết đang đến!” (tiếng Việt trong nguyên tác) cho tới một vài tháng nữa, Tết phủ cái bóng rất lớn của nó lên khắp Việt Nam, tới mức mà ngay cả với một người nước ngoài, có cảm giác rằng toàn bộ phần còn lại của một năm chỉ là để chờ đợi. Tết luôn đang đến, ngay khi nó vừa mới đi. Có cảm giác rằng toàn bộ phần còn lại của một năm chỉ là để chờ đợi. Tết luôn đang đến, ngay khi nó vừa mới đi. Những dịp lễ Tết, về cơ bản, mang đặc thù văn hóa tùy theo quốc gia: ngày tháng khác biệt, những ý nghĩa khác biệt, phong tục khác biệt. Nhưng một trong những niềm vui lớn của việc sống xa quê nhà của tôi suốt năm vừa qua là học cách thấy được sự giống nhau giữa tất cả những khác biệt đó. Năm 2018 sẽ là cái Tết đầu tiên của tôi, nhưng sẽ không phải là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự ấm áp và niềm vui mà Tết mang tới Việt Nam. Những cảm giác đó là mang tính phổ quát. Sự so sánh gần nhất với Tết ở Mỹ, quê nhà tôi, là Giáng sinh. Dù nó có nguồn gốc là một ngày lễ tôn giáo cho những người Thiên Chúa giáo ăn mừng ngày ra đời của Jesus, Giáng sinh ở Mỹ đã tiến hóa thành một hiện tượng văn hóa khổng lồ vượt qua những ranh giới đức tin. Sau này khi lớn lên và trở thành một người trưởng thành phi-tôn-giáo, tôi vẫn ăn mừng Giáng sinh, giống như nhiều người Do Thái giáo, Hồi giáo và bạn bè thế tục của tôi trong bao nhiêu năm qua. Tôi nghĩ sở dĩ như thế là vì dù bạn có tin hay không vào ý nghĩa tôn giáo của ngày lễ đó, những truyền thống văn hóa xoay quanh nó - gia đình, thức ăn, những món quà - là điều ta khó mà không thấy thích thú được. Lúc còn nhỏ, tôi công nhận rằng sự phấn khích về Giáng sinh chủ yếu mang tính vật chất. Tôi vẫn có thể nhớ rõ niềm hân hoan thức dậy sớm vào sáng Giáng sinh và háo hức mở những món quà đã xuất hiện như một phép lạ qua đêm. Tôi đã không còn tin ở ông già Noel nữa - nhân vật huyền thoại mang quà tới cho những bé trai và bé gái trên chiếc xe tuần lộc - vào năm tôi 4-5 tuổi gì đó, nhưng tôi đã không nói ra điều đó và những món quà vẫn cứ xuất hiện. Ngay khi còn nhỏ tôi đã học được cách không làm hỏng mọi chuyện nhờ việc đừng đặt quá nhiều câu hỏi. Và nhớ lại việc khi còn nhỏ tôi hạnh phúc ra sao với những món đồ chơi rẻ tiền, tôi nghĩ tôi hẳn đã rất buồn bã nếu tôi chỉ nhận được những đồng tiền mặt khô cứng, lạnh tanh như tiền lì xì. Giờ đã lớn, đi làm có tiền, hoàn toàn có thể mua cho mình những món quà và bánh kẹo bất kỳ lúc nào tôi muốn, mong đợi của tôi về Giáng sinh đã thay đổi. Câu sáo ngữ hóa ra đúng: Gia đình giá trị hơn tiền bạc. Tôi thật may mắn vì có thể về nhà cho dịp Giáng sinh mỗi tháng 12. Mẹ và anh trai tôi, cả hai đều là những đầu bếp rất giỏi, nấu những món đầy mạo hiểm cho dịp lễ, bao gồm món cơm chảo Tây Ban Nha với mực và hàu cho bữa tối Giáng sinh. Cha tôi và tôi, cả hai đều nấu ăn kém, nhận phần rửa chén đĩa và uống rượu. Sau này, chúng tôi trao đổi với nhau những món quà nhỏ, nhưng chúng quý giá vô ngần. Món quà thực sự với tôi - nhất là năm nay, khi tôi sống rất xa nhà - là được trở về nhà. Khi tôi nói chuyện với bạn bè Việt Nam về Tết, những trải nghiệm của họ cũng giống vậy. Khi ta còn nhỏ, ta phát rồ vì những món quà và sự phấn khích nói chung của Tết. Chỉ tới khi lớn lên, ta mới học được cách đón nhận đầy đủ nghi lễ trở về nhà và dành thời gian với những người thương yêu của bạn. Có lẽ đó là một phần của ý nghĩa lễ hội trên toàn thế giới, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ: học cách trưởng thành cho “đúng”. Trở về với tình yêu và sự ấm áp mà ta được trao tặng khi còn là một đứa trẻ, để đáp lại cảm tình đó cho gia đình mình, bao gồm những thế hệ trẻ hơn trong nhà, khi ta đã lớn. Đó là lý do tại sao sau nhiều năm, tôi thấy rằng dịp lễ hội ưa thích nhất của tôi chuyển từ Giáng sinh sang dịp lễ được mến chuộng thứ hai ở Mỹ, lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn, theo một nghĩa nào đó, là Giáng sinh chỉ với phần lõi của nó. Đó là một dịp lễ thế tục, không có quà tặng, truyền thống có vẻ bắt buộc duy nhất của lễ này là đồ ăn: món gà tây, những món nhồi, khoai tây và bánh bí đỏ. Trong khi mùa Giáng sinh kéo dài vài tuần liền, với những dịp mua sắm khiến nhiều người Mỹ gần như trở nên rồ dại (hãy tra thử trên Google “Black Friday crazy shoppers” (nghĩa là: những kẻ mua sắm điên khùng vào ngày thứ sáu đen), lễ Tạ ơn với hầu hết mọi người chỉ là một ngày nghỉ, dành thời gian với gia đình và tập trung vào sự biết ơn. Nhất là ở một đất nước lớn, bận rộn quanh năm, yêu mến tiền bạc như nước Mỹ, việc nghỉ ngơi một ngày, ngồi xuống và biết ơn về tất cả những gì ta có lại trở nên điều gì đấy gần như là cực đoan. Một trong những lợi ích lớn của Tết, theo nhìn nhận của tôi, là nó không chỉ là một ngày. Hầu hết người Mỹ chỉ nghỉ vài ngày là tối đa, dù là lễ Tạ ơn hay Giáng sinh (dù công bằng mà nói, hầu hết những người làm việc toàn thời gian có số ngày nghỉ cố định mỗi năm và có thể dùng bất cứ khi nào họ muốn. Trong công việc trước đó của tôi ở Mỹ, tôi được nghỉ 17 ngày mỗi năm). Tôi không biết liệu tôi có thể chịu nổi sự ấm áp và độ lượng mà tôi cảm thấy trong những dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh trong hơn một tuần hay không nếu không tập luyện trước - người Việt đi trước rất xa trong lĩnh vực này. Tôi sẽ không thể biết liệu mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tết có vui tươi và tràn ngập tình yêu như nhau không, nhưng linh cảm của tôi, dựa trên một năm sống ở đây, là người Việt là những chuyên gia trong việc duy trì bầu không khí lễ hội trong suốt nhiều ngày. Như tôi đã nói trước đó, Tết có vẻ như luôn đang đến trên đất nước này. Tôi thấy mình háo hức như một đứa trẻ thời còn ở Mỹ khi chờ đợi sáng Giáng sinh, với cái Tết đầu tiên của tôi ở đây.■ Tags: Mùa lễ hộiTinh thần lễ hội
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.