06/01/2023 13:30 GMT+7

Tinh thần Mậu Thân sống mãi qua các câu chuyện kể

Từng câu hát hào hùng của Bản hùng ca 68 vang vọng khắp không gian hội trường Thống Nhất (TP.HCM), nhắc nhớ về tinh thần Mậu Thân sống mãi qua các câu chuyện kể, các trang sử vàng son dân tộc.

Tinh thần Mậu Thân sống mãi qua các câu chuyện kể - Ảnh 1.

Cán bộ lão thành cách mạng cùng nhau xem lại các bức ảnh về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sảnh Dinh Độc Lập sáng 6-1 nhộn nhịp hơn thường ngày, bởi hôm nay nơi đây đón tiếp một đoàn “khách tham quan” đặc biệt. Những chiến sĩ cách mạng lão thành trong trang phục màu xanh áo lính, người mắt đã đục, người da đồi mồi, người đi phải sử dụng ghế đẩy, nhưng tất cả đều tươi cười chào nhau, hào hứng tham dự “hành trình” trở về Tết Mậu Thân 1968.

Hôm nay, TP.HCM tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, với biết bao mùa xuân thanh bình, nhưng dư âm của mùa xuân đó vẫn còn vang vọng mãi…

Là một trong các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tham gia cuộc chiến Mậu Thân, ông Phan Văn Hôn bồi hồi nhớ lại, chỉ cách vài bước chân, nơi này ngày trước đã diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động. 

Và 9 trong số 15 người đã nằm lại, đồng đội mãi mãi không được chứng kiến đất nước thống nhất, hòa bình. Nỗi đau đó chưa bao giờ dứt trong tâm trí người cựu chiến binh già mỗi dịp giao thừa Tết đến.

“Tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt, tiếng nói, nụ cười những người đồng đội tuổi 19, đôi mươi ngày ấy. Đặc biệt ghi đậm trong ký ức tôi Tết năm đó, ngày 29 Tết Mậu Thân”, ông Hôn nói.

“Ở đời, ai cũng muốn mình sống, sống lâu, được sung sướng, hưởng thụ. Chúng tôi chỉ là người dân bình thường, muốn yên ổn sinh sống nhưng hằng ngày, chứng kiến bọn địch càn quét, đánh đập bà con thân tộc, chứng kiến bom đạn kẻ thù tàn phá quê hương, từ đó căm thù mà quyết tâm vùng lên chiến đấu”.

ÔNG PHAN VĂN HÔN


Dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng người chiến sĩ lão thành vẫn khẳng khái, dõng dạc khẳng định nếu lịch sử có lặp lại, vẫn quyết đưa cao tay, quyết tâm nhận nhiệm vụ sinh tử “Đảng cần, đơn vị cần, các chú, các anh cần thì chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Trong không khí hoài niệm đầy tự hào của buổi họp mặt, mặc trên mình cũng chiếc áo xanh nhưng là màu áo Đoàn của tuổi trẻ, Phó bí thư Thường trực Thành Đoàn Ngô Minh Hải tâm tình:

“Tết Mậu Thân 1968 là một mùa xuân hào hùng, hàng vạn người con ưu tú của TP, của cả nước, trong đó có nhiều cán bộ Thành Đoàn anh dũng hy sinh. Đó là lịch sử khắc ghi trong ký ức của dân tộc Việt Nam, không bao giờ và không có gì có thể làm phai mờ”.

Tinh thần Mậu Thân sống mãi qua các câu chuyện kể - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (trái) tham dự buổi họp mặt, ông gặp gỡ thăm hỏi các chiến sĩ, nghệ sĩ cách mạng trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân - Ảnh: HỮU HẠNH

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp nước nhà”, mượn lời thơ chúc Tết của Bác Hồ vào mùa xuân Mậu Thân, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng vào thời điểm ấy, bằng tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân.

Theo ông Hiếu, thắng lợi của cuộc tiến công có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.

“Chúng ta xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, cảm phục sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ, những hy sinh đó sẽ sống mãi và trường tồn theo năm tháng cùng đất nước”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Thời gian không ngừng trôi, những trang vàng lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục trải dài, nhưng sự kiện Tết Mậu Thân 1968 vẫn mãi là dấu ấn không thể phai mờ.

Tinh thần Mậu Thân sống mãi qua các câu chuyện kể - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Dũng, cán bộ lão thành cách mạng dù tuổi cao, đi lại khó khăn vẫn đến tham dự cuộc họp mặt để được gặp gỡ đồng đội năm xưa - Ảnh: HỮU HẠNH

Đòn giáng quyết định vào chiến tranh cục bộ của Mỹ

Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, là đòn giáng quyết định vào chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Đánh giá về giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

"Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc".

Âm vang hào khí xuân Mậu Thân 1968 ở TP.HCM Âm vang hào khí xuân Mậu Thân 1968 ở TP.HCM

Triển lãm '55 năm lịch sử khắc ghi tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968' giới thiệu hơn 80 hình ảnh, đang được trưng bày tại công viên Lam Sơn, quận 1, TP.HCM từ ngày 4-1-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên