Thiếu tá - bác sĩ chuyên khoa II Đào Huy Hiếu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thăm khám cho một bệnh nhi - Ảnh: NVCC
Đi dân nhớ, ở dân thương
Ngày 23-8, bà Cao Thị Tiệp cảm thấy khó thở, vội gọi đến số điện thoại trạm y tế P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. 10 phút sau cuộc gọi bác sĩ Lê Bá Thành - trưởng trạm y tế lưu động số 2, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng - cùng 2 nhân viên y tế đã đến trước cửa nhà. Bác sĩ động viên, trấn an cả nhà, hướng dẫn cách tập thở, dinh dưỡng, cách đo chỉ số oxy.
"Tôi rất biết ơn bác sĩ Thành đã giúp đỡ 2 mẹ con trong lúc khó khăn nhất cho đến khi khỏi bệnh", bà Tiệp bộc bạch.
Trung tá Lê Thị Ngọc Nga - Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng - làm nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động số 21, P.Bình Chiểu (TP Thủ Đức) được người dân nhớ vì sự chu đáo trong công việc. Thấy nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, chị đã đứng ra kêu gọi mọi người chia sẻ với gánh nặng người bệnh.
Đã gần 2 tháng rưỡi kể từ khi bình phục, anh Nguyễn Văn Thắng (48 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) vẫn còn nhớ rõ chiến sĩ quân y đã chăm lo cho cả gia đình 4 người cùng nhiễm bệnh.
Anh kể về chàng trai Vũ Văn Truyền (22 tuổi, sinh viên Học viện Quân y) và đồng đội đã cùng theo dõi và chăm sóc gia đình anh và rất nhiều F0 tại TP.HCM. Truyền cùng với hàng ngàn sinh viên quân y đến các phường, xã để tham gia các hoạt động xét nghiệm, chăm sóc, điều trị F0... trong mấy tháng liền.
Niềm vui nhân đôi
Thiếu tá - bác sĩ chuyên khoa II Đào Huy Hiếu, khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương quân đội 108, vẫn còn nhớ mãi về thời gian hỗ trợ người dân TP.HCM. Trở về Hà Nội, bác sĩ Hiếu vẫn cùng bạn bè trong khối bác sĩ quân y thành lập nhóm "Bác sĩ quân y tư vấn tại nhà", hỗ trợ điều trị F0 để giúp đỡ người dân khắp các địa phương trên cả nước qua điện thoại.
"Tôi thường ngủ chập chờn vì thao thức, trăn trở sợ có bệnh nhân gọi mình không nghe, không hỗ trợ kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Không ai ép tôi phải vậy nhưng thật sự tôi thấy thương, thấy có trách nhiệm với đồng bào, mình may mắn là bác sĩ có đủ kiến thức y khoa còn họ thì không. Do đó bất cứ cuộc gọi nào tôi cũng sẽ bắt máy", bác sĩ Hiếu trải lòng.
Là bác sĩ phẫu thuật tim nhưng vì bối cảnh dịch bệnh căng thẳng nên cũng như nhiều nhân viên ngành y khác, bác sĩ Hiếu xách balô lên đường chi viện. Niềm vui của người bác sĩ được nhân đôi khi có nhiều người khỏi bệnh gọi hỏi thăm, dặn dò anh giữ sức khỏe để làm tốt công tác.
"Vào chi viện 2 - 3 tuần thì tôi bị nhiễm COVID-19 đã được anh em đùm bọc, người dân giúp đỡ rất nhiều. Người TP.HCM đã giúp tôi rất nhiều khi lạ nước lạ cái. Tình quân dân đó làm sao kể hết!".
Người dân TP.HCM sẽ mãi nhớ về một màu xanh áo lính đẫm mồ hôi trong những ngày thành phố khó khăn giữa dịch bệnh, những y bác sĩ đêm ngày lo cứu người.
"Con ruột" của dân
Anh tên Khúc Thanh Lẹ, một trong những chiến sĩ từ Sư đoàn bộ binh 5 (Quân khu 7) chi viện cho TP.HCM chống dịch từ ngày 23-8-2021.
Cái tuổi 40 không còn trẻ nhưng anh thượng úy này vẫn xung phong nhận những việc khó. Trực chốt ban đêm, trao túi an sinh, tặng quà cho F0 rồi đến việc bàn giao tro cốt anh cũng "đi đầu". Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt của anh lăn dài khi đến thăm hai trẻ em mồ côi mẹ vì dịch bệnh. Anh nghẹn ngào tâm sự: "Tôi cũng có hai con nhưng may mắn hơn khi còn có bà xã là "hậu phương" vững chắc".
Anh là một trong hơn 10.000 người lính, nhân viên y tế, tình nguyện viên từ khắp mọi miền đất nước tạm gác lại chuyện riêng tư, tạm quên cả những quyền lợi cá nhân để làm nhiệm vụ chống dịch tại TP.HCM. Đi chợ giúp dân, mang vác lương thực, trao nhu yếu phẩm tận nhà... vốn không hề có trong các bài huấn luyện ở thao trường. Chỉ có tấm lòng và trách nhiệm giúp các anh hoàn thành sứ mệnh đặc biệt.
Cụ ông L.C.H., 80 tuổi, sống neo đơn ở KP2, P.Phước Long B, TP Thủ Đức , anh Lẹ cùng cán bộ địa phương lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho cụ H.. Lúc tạm biệt anh sau gần hai tháng đậm đà tình quân dân, cụ H. rưng rưng: "Chú Lẹ chính là con ruột của tôi từ đây!". Người dân TP.HCM sẽ mãi không quên những người lính bình dị giữa những ngày dịch bệnh khó khăn.
THANH BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận