Phóng to |
Ngoại Tám (Trương Thị Rô) và những đứa cháu trong xóm, cháu Mùa hè xanh từng ở nhà mình các năm qua - Ảnh: Q.Linh |
Có những “ba má” đã mười mấy mùa nuôi quân và coi chiến sĩ Mùa hè xanh như những đứa con trong nhà.
Về với má, với ngoại
77 tuổi, cụ Trương Thị Rô, nhà ở ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã không thể nhớ hết những cái tên chiến sĩ từng ở nhà mình. Cũng vì bao nhiêu năm có phong trào tình nguyện thì ngần ấy năm sinh viên tình nguyện có mặt ở nhà ngoại Tám (cách sinh viên gọi cụ Rô). Thuở con gái, cụ và cha mẹ mình đã đào hầm nuôi giấu bộ đội chống Mỹ trong nhà.
Còn bây giờ: “Nhà thì rộng, ở có một mình nên khi mấy chú bên ấp xuống nhờ cho sinh viên về ở bà nhận lời liền”. Vậy là nhà cụ trở thành điểm nuôi quân từ đó. Năm nào ít cũng bốn, năm bạn, lúc nhiều lên tới cả chục quân ở nhà ngoại Tám.
Nhà má Nguyễn Thị Năm ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng là điểm nuôi quân nổi tiếng. Bà giáo 74 tuổi ấy có thể kể vanh vách những cái tên chiến sĩ từng ở tại nhà mình. “Má nhớ nhất tụi thằng Nhân, Triển, Tiến, Sơn, Danh của ĐH Nông lâm, thằng Sơn của ĐH Văn Lang vì đó là đám sinh viên đầu tiên về đây đi chiến dịch, nhà má nhận hết mấy đứa làm con nuôi mà” - bà Năm nói. Rồi má nhắc nói thương thằng Tiến coi vậy mà cũng mất mấy năm rồi. Hồi Tiến mất vì tai nạn giao thông, má đi cùng với mấy bạn về Đồng Nai đưa tang Tiến.
Về xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), hỏi nhà cô chú Nguyễn Văn Cương (Hai Cương) - Nguyễn Thị Thẳng hầu như ai cũng rành. Từ hồi con đường trước nhà còn lầy lội đường đất, lứa sinh viên TP đầu tiên đến Bến Tre đi Mùa hè xanh đã về đây ở. Cô Hai nhớ hoài lần đưa một chiến sĩ trường luật ở một nhà khác gần nhà cô chú đi cấp cứu giữa đêm vì bạn này bị bệnh tim. Chú Hai đang ở ngoài vuông tôm, cô đánh liều đưa chiếc xe Dream mới mua để sinh viên chạy cho nhanh nhưng vì vội quá, đường mưa trơn trượt nên xe ngã mấy lần, bể bửng... Thỉnh thoảng, chàng sinh viên phải đi cấp cứu năm nào vẫn chạy về thăm cô chú, mới đây còn dẫn cả vợ con về ở chơi.
Như con cháu trong gia đình
Chú Hai Cương vẫn nhớ một nam chiến sĩ là con một, nói chuyện khá xấc xược. “Trong cả đám ở nhà tui có mình nó là khác người nên tui quyết phải trị thằng này bằng được. Tui nghĩ nhận nuôi tụi nó một tháng thì cũng như con cái trong nhà. Mình đi trước thấy cái gì chưa đúng thì phải chỉ dạy cho tụi nhỏ” - chú Hai Cương nhớ lại. Chiến thuật của chú nhẹ nhàng mà hiệu quả qua từng ngày, anh chàng ý tứ hơn trong ăn nói, sinh hoạt chung với các bạn.
Nhưng người gắn bó nhất với gia đình phải kể đến chiến sĩ Tử Anh (ĐH Luật TP.HCM). “Tui coi nó như con vậy. Hồi nó mới ra trường chưa có việc làm, tui còn gửi tiền lên cho nó sống tạm lúc tìm việc. Tui kêu ở đâu thấy khó sống quá thì về đây má nuôi” - cô Hai Thẳng khoe. Còn Tử Anh mới gọi điện hứa chắc chắn tháng 8 này đưa vợ và hai con về thăm cô chú Hai chứ ba năm rồi lu bu công việc quá, con lại còn nhỏ nên chưa về được.
“Đứa nào đi đâu thì đi nhưng đúng giờ cơm phải về ăn. Ban đêm không được đi một mình và phải báo mấy giờ về để còn biết đợi cửa” - má Nguyễn Thị Năm nói về “nội quy” nhà mình dành cho chiến sĩ. Nhiều sinh viên sợ nhưng lại rất thương má. Nhà rộng, vườn nhiều cây ăn trái, đứa nào muốn ăn gì cứ ra vườn hái thoải mái. Mỗi ngày, cứ đưa tiền chợ theo quy định rồi nói muốn ăn gì má sẽ đi chợ về nấu cho ăn, tụi bây cứ lo làm việc cho tốt là được rồi. Nói vậy chứ lúc nào má cũng phải bù tiền túi cho các con có thêm thức ăn ngon.
Nhà ngoại Tám năm nay nuôi bảy nữ chiến sĩ. Hôm chúng tôi ghé thăm, các bạn đã đi làm hết nhưng ngoại lại có người bạn khác ở cùng. Đó là anh chàng Ngô Đình Trọng (ĐH Nông lâm TP.HCM), năm trước từng đi Mùa hè xanh ở đây. “Mình không ở nhà ngoại Tám nhưng qua đây chơi hoài nên nhận làm ngoại luôn. Năm nay không đi Mùa hè xanh nên ghé thăm ngoại mấy ngày rồi về Hà Tĩnh nghỉ hè” - Trọng cho biết.
Dù trí nhớ giảm nhiều nhưng ngoại Tám nhớ hết mấy đứa giờ đang làm gì. “Bốn đứa sinh viên trường cảnh sát hồi đó ở đây giờ về tỉnh hai đứa làm hình sự, hai đứa bên chống ma túy” - cụ Rô kể. Có lần ngoại bị đau bao tử mất mấy ngày không ăn được gì. Nghe mấy bạn ở ấp gọi điện thoại, bốn bạn sinh viên cảnh sát chạy về liền. Thấy tụi nhỏ về trước cửa, đang nằm nhưng ngoại ngồi bật dậy cố tươi tỉnh vì sợ bị tụi nó bồng đi bệnh viện. Sau lần đó, mấy bạn mua cho ngoại chiếc điện thoại để tiện liên lạc với ngoại thường xuyên hơn.
Mến chân, mến tay... Nhiều chiến sĩ ra trường đi làm bận không về được thì gọi điện thoại thường xuyên, còn tranh thủ được là chạy về liền. Có bạn lập gia đình đưa cả vợ chồng, con cái về thăm má, thăm ngoại. Ngoại Tám khoe đi nhiều đám cưới của mấy đứa Mùa hè xanh lắm rồi, có lần còn ngồi xe đi tận ra Đắk Lắk dự đám cưới một chiến sĩ từng ở nhà ngoại. “Tụi nó ở cả tháng mến tay mến chân nên khi đi rồi năm nào ngoại cũng khóc mấy ngày vì nhớ, vì nhà vắng quá” - cụ Rô thì thầm. Má Năm cũng không nhớ mình đi mấy đám cưới rồi nhưng đứa nào mời cũng đi, xa mấy cũng ráng. “Tụi thằng Nhân mới gọi điện kêu má chuẩn bị đi, mấy bữa nữa con rủ thêm tụi nó về thăm má. Mà tui dặn tụi nó rồi, khi về nhớ báo trước một bữa để má mua sẵn đồ ăn, chuẩn bị thứ gì ngon ngon chứ tụi bay về bất ngờ, nhà xa chợ không có gì ăn ráng chịu” - má Năm cười móm mém nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận