09/04/2017 14:32 GMT+7

Tình nguyện hiến cả chục ngàn m2 đất xây cầu

THANH BA
THANH BA

TTO -Tình nguyện hiến cả chục ngàn mét vuông đất canh tác, nhiều nông dân thôn Phước Mỹ (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đang hiện thực hóa giấc mơ về một cây cầu kiên cố, thỏa nỗi khắc khoải của bà con trong vùng.

Từ diện tích đất hàng chục nông dân tình nguyện hiến, cây cầu mơ ước nối đôi bờ Bà Rén sắp thành hiện thực - Ảnh: THANH BA
Từ diện tích đất hàng chục nông dân tình nguyện hiến, cây cầu mơ ước nối đôi bờ Bà Rén sắp thành hiện thực - Ảnh: THANH BA

​Tháng 4 này, dải đất men theo triền nhánh sông Bà Rén bao đời chia cắt thôn Phước Mỹ với phần còn lại của thị trấn Nam Phước không còn mầm xanh cây lá của những bầu, bí, khổ qua, đu đủ... Ấy là ngày hàng chục nông dân nghĩa khí chính thức bàn giao khu đất của họ cho việc làm cầu.

“Hành động hiến đất xây cầu của các hộ dân quả thật rất đáng được biểu dương. Chính nhờ tinh thần tự nguyện hiến đất của hàng chục gia đình là tiền đề thúc đẩy quá trình xây dựng cây cầu bằng bêtông cốt thép sớm được triển khai. Dự kiến cầu có tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng, dài 160m (bao gồm cả đường dẫn) sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay

Ông Nguyễn Văn Hưng (phó chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước)

Không nhận một xu đền bù

Nhắc đến câu chuyện các hộ dân trong thôn đồng loạt hiến những “tấc đất tấc vàng” cho việc làm cầu, ông Nguyễn Thinh (trưởng thôn Phước Mỹ) không khỏi xúc động.

“Cuối năm 2012, trước thông tin huyện đã xin kinh phí đầu tư xây dựng cầu bêtông cho thôn Phước Mỹ, tôi mừng rơn đến chảy nước mắt. Tuy nhiên, mấy hôm sau mới hay rằng muốn thực thi dự án này phải giải tỏa diện tích đất nông nghiệp không nhỏ liên quan trực tiếp tới 16 hộ dân.

Suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định cất công thử gõ cửa từng nhà, vận động từng hộ dân. Kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng”, ông Thinh kể.

Và điều khiến người đàn ông 20 năm đảm nhiệm chức trưởng thôn này không thể tưởng tượng nổi chính là sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân. Không đợi ông cất câu nói thứ hai, chỉ cần nghe có cầu kiên cố nối liền dải đất bên lở bên bồi, họ đã gật đầu cái rụp.

Một hộ, hai hộ... đến hộ thứ 16 thuộc diện “phục vụ đất xây cầu” tình nguyện ký vào biên bản hiến đất chỉ trong vài ngày. Hộ ít thì chừng trăm mét vuông, hộ nhiều lên tới dăm ba sào.

Chỉ tính riêng hai trường hợp ông Lê Dũng và Lê Văn Chín, tổng diện tích đất hiến - tuyệt nhiên không đòi hỏi bồi thường - đã chạm ngưỡng xấp xỉ 4.000m2.

Hôm bà con đồng loạt ra quân thu hoạch vụ đậu phộng cuối cùng trên thửa đất bao năm trời gắn bó, ông Chín chính là người tỏ ra sốt sắng nhất.

Đảo mắt một vòng nhìn quanh mảnh đất từ nay không còn cày sâu cuốc bẫm của gia đình, ông Chín chia sẻ: “Toàn bộ đất đai ở đây đều do ông bà tổ tiên khai hoang. Con sông đã bồi đắp cho đất thêm phần tơi xốp. Nhờ vậy từ đời này qua đời khác, người dân có cái ăn cái mặc.

Giờ Nhà nước giúp dân xây cầu, chúng tôi chẳng có lý do gì mà không góp đất, dù sau này miếng ăn có bị bó hẹp lại...”.

Cây cầu nối nhịp bờ vui

Từ tấm lòng thơm thảo của hàng chục nông dân quanh năm lam lũ, viễn cảnh một ngày Phước Mỹ có cây cầu nối nhịp bờ vui đã không còn xa vời nữa. Cả trăm tấn cát, ximăng, gạch đá đang được vận chuyển tới đây để khởi công cây cầu mơ ước kéo dài hàng thế kỷ.

Rồi đây con trẻ thôn Phước Mỹ hay một số học trò xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) sẽ không còn thấp thỏm vượt sông đến trường trên cây cầu phao yếu ớt. Bà con nông dân cũng chấm dứt cảnh vất vả vận chuyển nông sản trên những chuyến đò tròng trành.

Trong hồi ức của người dân, họ không quên những cái chết thương tâm cùng các vụ tai nạn trên khúc sông chia cắt đôi bờ Phước Mỹ. Hết cảnh qua sông lụy đò, bà con phải dựng cầu tre rồi đến thời kỳ cầu phao, tất cả đều mong manh trước sóng nước.

Nhẩm tính đã có ba người chết vì tai nạn trên cầu phao. Bọn trẻ đạp xe đi học trượt té xuống sông như cơm bữa, nhưng may mắn được các ngư dân ứng cứu. Lũ cuối năm vừa qua đã cuốn trôi cầu phao.

Bây giờ, cây cầu bêtông cốt thép mà người dân khắc khoải mong chờ đang trong quá trình thi công. Mọi người ở đây ai nấy đều cảm kích trước nghĩa cử hiến đất của 16 hộ dân trong thôn. Mai sau, đời sống bà con được nâng lên khi có cầu mới cũng nhờ công rất lớn của họ.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên