Phóng to |
Tình nguyện viên Chữ thập đỏ chăm sóc cậu bé bơ vơ sau bão - Ảnh: Quốc Việt |
Ở một khách sạn may mắn chưa bị sụp đổ bên bãi biển Tacloban, nơi Tổ chức Chữ thập đỏ Philippines dựng văn phòng tạm để hỗ trợ nạn nhân thiên tai, chúng tôi thấy nhiều trẻ em tìm đến đây. Một chú bé thất lạc người thân 11 tuổi nhưng cơ thể chỉ như đứa trẻ lên 7. Em đang chịu cơn đau đớn hành hạ với một vết thương đứt sâu ở cổ và một vết ở bụng. Sự đói khát càng hành hạ em thêm khiến gương mặt gầy gò, xanh xao gần như lả đi vì kiệt sức.
"Người nhà tôi đã rời thành phố nhưng tôi chọn ở lại. Tôi muốn giúp mọi người và tìm xem những người bạn của mình còn sống hay không" Franz Oleg Villarente |
Thất lạc cha mẹ, em sống lang thang một mình ở Tacloban. Trước trận bão, em đã được đưa vào trại trẻ mồ côi. Khi cuồng phong quét qua, em bị gió bão hất văng ra ngoài. Em may mắn thoát chết nhưng không còn người lớn để chăm sóc nữa. Chính các nhân viên cứu trợ đã phát hiện và đưa em về đây.
Suốt cả buổi sáng, các nhân viên cứu trợ quây quần bên em. Người đưa hộp sữa hiếm hoi còn lại cho em uống, người lau rửa, băng bó các vết thương đã có dấu hiệu nhiễm trùng. Các cô gái nhân viên Chữ thập đỏ ngồi xoa bóp tay chân và thủ thỉ nói chuyện với em. Họ lo em bị chấn thương tâm lý. Đối diện với sự hủy diệt kinh hoàng như vừa qua, người lớn còn khủng hoảng nặng nề, nói chi đến những tâm hồn trẻ thơ!
Những đứa trẻ như em rất cần những bàn tay chìa ra. Franz Oleg Villarente là một người như thế. Cậu sinh viên ngành công nghệ thông tin này đã tình nguyện làm việc cho Hội Chữ thập đỏ ngay sau ngày bão Haiyan ập vào. Dõi mắt nhìn những đứa trẻ đang rất cần được trợ giúp, Franz tâm sự: “Người nhà tôi đã rời thành phố nhưng tôi chọn ở lại. Tôi muốn giúp mọi người và tìm xem những người bạn của mình còn sống hay không”. Franz còn trẻ khỏe, có thể rời thành phố chết chóc ngay nhưng đã chọn ở lại sẻ chia cùng những phận người khốn khổ.
Người ta nói rằng trong hoạn nạn sẽ thấy rõ hai mặt đối lập của con người. Nhưng thực tế chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn tình người ấm áp. Buổi chiều, chúng tôi gặp một bà cụ ở gần tòa nhà thị chính. Bà đang trên đường về nhà với một miếng thịt nhỏ hiếm hoi vừa được ai đó cho. Nói chuyện với chúng tôi, mấy lần bà đưa gói thịt của mình ra tặng. Bà chân chất nghĩ chúng tôi cũng đang chịu đói khi vào thành phố đổ nát, không thể tìm được ít thức ăn tươi như thế này. Xin từ chối và cảm ơn bà mà chúng tôi cay xè nước mắt. Một miếng sẻ chia của chính người đang đói khổ có ý nghĩa biết bao!
Mà hình như những hình ảnh ấy không hiếm trên con đường chúng tôi tác nghiệp ở Tacloban. Người lớn bao bọc các trẻ mồ côi hoặc thất lạc cha mẹ vì bão. Mọi người sẻ chia nhau từng lít nước, nhúm gạo, tấm bánh... Những thứ rất bình thường nhưng đem đến cơ hội sinh tồn cho những người đang khốn khổ lúc này.
Vào vùng đất chết, chúng tôi đã được cảnh báo rất nhiều và cũng không ít lần chứng kiến hình ảnh dao súng căng thẳng. Nhưng có lẽ đó chỉ là hành động của một số kẻ xấu. Hầu hết người dân chúng tôi gặp đều hết lòng giúp đỡ nhiệt tình dù chính bản thân họ cũng chẳng còn gì.
Từ sân bay Tacloban vào trung tâm thành phố, chúng tôi được ông Bong, một người vừa trắng tay vì bão, cho đi nhờ xe dù ông đang rất tiết kiệm lượng xăng hiếm hoi còn lại để đi tìm kiếm lương thực cho gia đình. Chở chúng tôi qua các con đường ngổn ngang đến tận nơi có thể nghỉ đêm, ông dặn dò: “Nếu cần gì hãy tìm tôi nhé. Tôi sẽ giúp các bạn”. Rồi ông chỉ vào ngôi nhà của mình đã không còn hình dạng sau trận bão.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận