Phóng to |
Cơm trắng và nồi mít kho của bà Nguyễn Thị Mươi (xã Hải Trạch,Bố Trạch, Quảng Bình) là thức ăn chung của nhiều dân nghèo sau cơn bão - Ảnh: Tấn Vũ |
Sau bão ba ngày nhưng căn nhà của bà Nguyễn Thị Mươi vẫn còn sũng nước mưa. Áo quần chất chồng, tủ, giường, xoong chảo dồn thành từng đống nơi góc nhà. Công việc buôn bán rau ở chợ Lý Hòa của bà Mươi thường nhật cũng bỏ giữa chừng. Tấm tôn lợp vội trước hiên nhà bà là chỗ nằm, chỗ ăn, cũng là bếp núc của hơn 10 người trong xóm.
Nồi mít ngày bão
Khi cơn bão quét qua xóm nghèo này, tất cả các mái tôn bị cuốn phăng theo gió. Nhà bà Mươi lợp ngói nên chỉ bị lột hai phần ba. Cái hiên phía trước sân may mắn còn được bộ khung chưa sập. Một phần ba căn nhà dù ướt nhẹp, đầy nước mưa, nhưng hơn bốn ngày qua đã thành nơi cưu mang những gia đình bà con lối xóm trú ngụ trong thời gian chờ sửa chữa nhà cửa.
Ngồi đun nồi mít kho sùng sục trước hiên nhà, bà Mươi cười hiền: “Kệ. Có mít kho mắm muối ăn cơm lúc này là quý lắm rồi. Cả mấy ngày nay chòm xóm tôi hết ăn mít kho đến đu đủ kho. Chia nhau miếng ăn lúc này mới thấy tình chòm xóm...”.
Đã bốn ngày nay, ba mẹ con chị Hồ Thị Lan dọn hẳn qua nhà bà Mươi trú ngụ. Trần nhà chị Lan bị lột sạch, bàn thờ chồng và bố mẹ chồng với ba di ảnh nhòe vì nước. Căn bếp ướt nhẹp, trống trơn, thằng cu út 4 tuổi đang ngồi nhai cơm nguội với một ít muối ớt trộn mỡ heo.
Thấy người lạ, cu cậu vội vã giấu bát cơm vào góc bếp. Chị Lan nói trong nước mắt: “Đã mấy đêm nay ba mẹ con sang nhà cô Mươi ngủ nhờ. Thấy nghèo mấy cô chú cho ăn luôn. Thằng út xấu hổ ăn ít, đói nên hay về nhà tìm cơm nguội mà nuốt. Dặn nó rồi cơm thiu đừng ăn mà nó cũng lén lút...”.
Chồng chị Lan mất năm 2008 vì ung thư máu, từ đó chị một tay nuôi bốn đứa trẻ nheo nhóc. Ngày chồng mất không có tiền mua quan tài, cũng chính bà Mươi cho mượn 7 triệu đồng. “Năm ngoái Nhà nước thấy tội cho căn nhà tình nghĩa. Xây xong mới ở mấy tháng thì bão đánh sập mất rồi...” - chị Lan không giấu được nỗi lo.
Băng lũ cứu người
Cũng như nhà bà Mươi, căn nhà kiên cố của trưởng thôn Tân Lý (xã Hải Trạch, Quảng Trạch) Lê Duy Lập cũng thành nơi trú ngụ của những người nghèo trong xóm. Sau bão, ban ngày hàng xóm của ông kéo về nhà dọn dẹp, đêm đến họ quay sang nhà ông dùng bữa rồi ngủ nhờ đến sáng.
Ngồi bệt trước hiên nhà, chưa hết bàng hoàng vì sợ hãi, chị Nguyễn Thị Phương bên xóm Lòi tâm sự: “Không có bác trưởng thôn bốn mẹ con tôi chết mất xác rồi. Ông ấy bất chấp tính mạng lao ra dòng lũ dữ cứu mạng tôi và ba cháu nhỏ”. Nhà chị Phương bên con kênh cách khu làng chính hơn 5m. Sau bão, lũ về như thác. Ba mẹ con kêu cứu trong căn nhà ướt sũng, mái trơ trọi. Nước về ngày một dữ tợn, cuộn chảy rất nhanh. Tuổi gần 60 nhưng ông Lập lại băng mình qua dòng nước hung hãn cõng lần lượt bốn mẹ con chị Phương đến làng an toàn. Ông Lập cười hiền: “Chẳng lẽ đứng nhìn bốn mẹ con nó chết? Ai như tôi cũng lao ra đó thôi”.
Cô Phan Thị Hoa Thu, em dâu ông Lập, mang cả nồi cơm vừa nấu và xoong cá khô kho nóng hổi đến ngồi ăn cùng bà con lối xóm. Cũng như ông Lập, cô Hoa chia phần thức ăn còn lại của gia đình mình cho những người nghèo trong xóm.
Dẫn chúng tôi về chợ Lý Hòa, ông Lập đưa tới quầy gạo của bà Phạm Thị Cúc. Chỉ tay vào cái quầy trống trơn, ông Lập bảo: “Hỏi chị ấy mà viết. Chị ấy sạch vốn, chắc chiều nay hay sáng mai đóng cửa hàng gạo luôn”. Bà Cúc bẽn lẽn không cho chụp ảnh, không nói, nhưng chòm xóm của bà cho hay từ ngày bão dữ qua làng, bà con hết gạo, cái kho gạo nuôi sống gia đình bà Cúc trở thành kho gạo tình thương cho bà con nghèo Lý Hòa sống tạm. Bà Cúc mở cửa cho dân làng đến lấy và “ký sổ” để đó.
“Biết làm sao bây giờ. Mở cửa thấy mặt nhau chẳng lẽ mình nhìn bà con chòm xóm nhịn đói. Cứ cho họ mua nợ, mai mốt bình yên họ làm trả lại cho mình. Mình có gạo để kho, nhìn bà con thiếu thốn sao đành lòng” - bà Cúc tâm sự. Không những gạo, mắm, dầu, bột ngọt, bột giặt và cả dầu lửa trong cửa hàng bà Cúc cũng lần lượt trống trơn.
Ông Nguyễn Duy Hùng, bí thư xã Hải Trạch, tự hào: “Từ trong chiến tranh đến ngày hòa bình, xóm làng ở đây cũng thương nhau như vậy. Hoạn nạn cùng sẻ chia, đói nghèo cùng nhau gánh lấy. Có qua hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau, vì thế cho dù khốn khó mấy xóm nghèo này cũng sẽ vượt qua”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận