Các cầu thủ thi đấu ở Giải bóng đá khiếm thị TP.HCM 2017. Ảnh: N.K |
Giải có 4 đội tham dự, đá sân 5 người. Ngoài Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, 3 đội còn lại đến từ CLB bóng đá người khuyết tật Sài Gòn. Có bạn vẫn còn đi học, có bạn đã đi làm massage, phục vụ nhà hàng, bán vé số... Có người còn nhìn được mờ mờ, nhưng cũng có người thì trước mắt hoàn toàn là một khoảng tối đen. Khác nhau như thế nhưng tình yêu bóng đá mãnh liệt lại là điểm chung giữa các bạn cầu thủ khiếm thị này. “Tụi em có thể chơi bóng suốt mà không biết chán” - các cầu thủ khiếm thị cho biết.
Do thị lực còn lại của mỗi người khác nhau, nên để công bằng, ban tổ chức đã bịt mắt tất cả lại trước khi bước vào thi đấu. Không thấy đường, nên khi lỡ làm bạn đau lúc tranh chấp bóng, cầu thủ hai đội lại cùng đứng lại, mò mẫm hỏi thăm nhau xem có bị sao không. Ở sân chơi này, bàn thắng dường như không phải là đích đến cuối cùng. Thậm chí, trọng tài và cầu thủ khiếm thị cũng vui vẻ với nhau qua việc trọng tài ngồi xuống cột dây giày cho cầu thủ khi lỡ tuột dây giày.
Trọng tài giúp cầu thủ khiếm thị cột lại dây giày. Ảnh: N.K |
Ngay sau Giải bóng đá khiếm thị TP.HCM 2017, các cầu thủ khiếm thị sẽ có thêm một sân chơi nữa lần đầu tiên tổ chức. Đó là Giải bóng đá khiếm thị toàn quốc tổ chức tại TP.HCM vào tháng 6, qua đó chọn các cầu thủ tốt nhất tham dự Para Games 2017. Anh Lý Đại Nghĩa - trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi nỗ lực xây dựng sân chơi này cho các em từ năm 2004 và đến năm 2010 thì được Sở VH-TT đưa vào hệ thống thi đấu giải thể thao khuyết tật hằng năm cho đến nay. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng cho đối tượng thiểu năng (Down) nữa nhằm giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận