Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Có nhiều bệnh nhân nặng nhưng họ chịu hiểu và xử sự dễ thương lắm. Nay mình bị ngộp mệt quá nên không cười nổi như mọi hôm hay động viên hết người này đến người kia, mắt kính mờ hết và mồ hôi đọng lại hiển thị rõ qua lớp kính và tấm chắn, hơi thở gắt nhanh.
Mình nghĩ nhiều người nhìn thấy là có thể nhận ra ngay.
Nôn mau hết dịch
Sau khi mình đút cháo cho các bệnh nhân nặng khó khăn trong việc cử động hoặc đang thở máy, người còn nói được thì thều thào "cảm ơn con", có cô mệt nói không nổi thì khều tôi, phải lần thứ hai sau khi mình hỏi cô "Cô cần gì?" thì mới nhìn rõ được là cô làm hành động bắn tim.
Thiệt, lúc đó mệt lắm mà tự nhiên thấy vậy là bật cười ngay: "Dạ cảm ơn cô, cô ráng khỏe lại nha". Cô cũng cười, mà biểu hiện của cô cũng dần tốt hơn lúc mới chuyển vào viện.
Làm cực lắm nhưng đôi khi cái cử chỉ nho nhỏ vậy mà vui. Với lại tôi cũng hay pha trò để dụ mấy cô, mấy bác, mấy cụ ở đây ráng ăn cho đủ bữa, vì lúc thuốc vào người sẽ ổn hơn mà còn là cách lấy lại sức khỏe tốt nhất.
Nhiều cô chú anh chị bảo: "Phải chi có cách nào mời các bác, các cô đang làm ở đây ly cà phê, chớ thấy ai cũng cực khổ chăm lo tận tình mà zui zẻ zậy...".
Tôi cười: "Đợi hết dịch khỏe lại, nếu còn nhớ tụi con thì mời sau dịch nha cô", lại cười buồn vì thiết nghĩ "Bao giờ mới hết dịch? Con cũng nôn mau hết dịch lắm".
Chuyện cô bầu
Có một cô bầu vào sinh ra tử 2-3 quận trong phòng cấp cứu, hồi sức rồi lại cấp cứu. Ấy vậy mà chịu đấu tranh với bệnh lắm, sau 1 tháng được ra phòng cho người nhẹ hơn nhưng vẫn còn khó khăn vận động lắm.
Thói tôi hay bà tám, hay hỏi han nên nhiều người thích sự có mặt của tôi lắm, tôi không phải bác sĩ mà cái gì cũng kiếm tôi hỏi hoặc nhờ hỏi bác sĩ giùm.
Mỗi ngày chịu hoạt động từng chút, tôi không ép ai hết ngay cả việc đút ăn, chỉ có năn nỉ hoặc đổi cách thức cho chọn giữa ăn cháo và uống sữa, miễn dung nạp chút ít vào người là được, mỗi bữa một chút, ví dụ hôm nay ăn được 5 muỗng cháo thì ngày mai năn nỉ ăn thêm 3 muỗng nữa.
Thấy khỏe hơn thì đỡ họ ngồi dậy ăn, tiếp theo là tự ăn, rồi đổi cháo thành cơm, vật lý trị liệu cho hoạt động tốt hơn có thể đi toilet thay vì đi ra tả...
Sau hơn 2 tháng gái bầu được xuất viện, gái cũng vui mừng lắm, lúc nào cũng cảm ơn, đã vậy trước khi về đã nhờ chồng ship lên 1 thùng trái cây to đùng và xịn xò mời các bác và mọi người trong khoa.
À, kể thêm một tay thanh niên mập gần 200kg luôn làm tôi "khốn đốn". Vì thú thật chăm một thanh niên đó bằng chăm 10 người khác, cực trần ai.
Đã vậy ban đầu vào viện thanh niên bất hợp tác hay càm ràm than vãn, thanh niên lười vận động nên mỗi lần vệ sinh cá nhân cho tay này xong tôi tụt hết oxy. Nản lắm nhưng vẫn phải cố gắng làm cho xong việc người ta cần.
Mà vào tuần cuối hắn hay chờ đợi lúc tôi cho ăn là alô với bố khen "Mấy cô trong này nhiệt tình với bệnh nhân lắm ba", lúc thì "Có mình chị đút tôi ăn đúng giờ mà chịu khó chứ có vài lần người ta quên đút bữa sáng cho tôi luôn".
Nghe vậy cũng vui mà cũng thấy thương thương, rồi mấy ngày sau hắn được ra viện. Thôi cũng mừng cho hắn!
Cố gắng cùng vượt qua đại dịch!
Tôi chỉ nêu đại diện một vài trong số các bệnh nhân đã được xuất viện để thấy được sự cố gắng vượt qua bệnh tật của họ tốt như thế nào.
Nói chung, hiện nay mọi nơi đều "căng" như nhau: tình hình dịch căng do tăng nhanh, bệnh nhân căng do lo sợ, nhân viên y tế thì căng mình và cật lực chống dịch, các cán bộ khác cũng căng cơ chế áp dụng và thực thi lệnh giãn cách, người dân căng thẳng lo nghĩ về gia đình và lương thực do không được rời khỏi nhà...
Hay là chúng ta mỗi người cố gắng một chút. Cố gắng thực hiện đúng chỉ thị 16 đừng ra khỏi nhà cho đến khi tình hình ổn hơn (nếu không quá cấp thiết). Tại vì con virus nó không có chân, nhưng có thể mượn chân của ai đó để vào nhà nếu như người đó (chủ quan) vô tình nhận được sau chuyến đi đâu đó (chính đáng hay không chính đáng).
Cố gắng cùng vượt qua đại dịch!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận