Căn nhà cũ xuống cấp được tân trang lại dưới bàn tay của những “họa sĩ nghiệp dư” Ánh sáng tình nguyện. Ảnh: Volunteer Light Club
Từ các trường tiểu học miền núi, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bênh viện ung bướu, đến các cung đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nơi nào cũng lưu lại màu áo xanh đặc trưng của câu lạc bộ.
Giúp học sinh khó khăn
Mỗi năm, câu lạc bộ Ánh sáng tình nguyện đều thực hiện vài chương trình thiện nguyện tại các trường tiểu học vùng cao trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... Hành trang trên mỗi chuyến xe thiện nguyện là sách vở, áo quần, dụng cụ học tập cùng tấm lòng của những người trẻ dành cho trẻ em nơi đến.
Anh Hứa Văn Trung Hiếu, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết mới đây chương trình "Hướng về quê hương", các thành viên câu lạc bộ đã vượt qua chặng đường hơn 200 km đèo núi mang theo 10 bộ bàn ghế, 339 phần quà, 200 chăn bông và hàng chục đồ dùng phục vụ học tập, giảng dạy trao tặng cho các em học sinh tại Trường tiểu học và trung học cơ sở dân tộc nội trú Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
‘‘Không dừng ở đó, trong nhiều năm qua, màu áo xanh Ánh sáng tình nguyện đã lưu dấu khắp các vùng núi, nơi có hàng chục ngôi trường khó khăn ở tỉnh Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi và Quảng Bình. Hành trình của chúng mình không chỉ đong đầy niềm hứng khởi của con trẻ mà còn trọn vẹn tình giữa những người đến từ nhiều mảnh đất khác nhau’’.
Không chỉ hỗ trợ về cơ sở vật chất, câu lạc bộ còn tổ chức giảng dạy tin học cho các em học sinh nghèo trong chương trình "Chắp cánh ước mơ" tổ chức tại trường tiểu học Lê Văn Tám (Thăng Bình, Quảng Nam).
Nhớ lại gương mặt háo hức của các em trong lần đầu tiếp xúc với máy tính, anh Hứa Văn Trung Hiếu, chủ nhiệm câu lạc bộ nói: "Nhìn cách các em tò mò với chiếc máy tính, tôi chợt nhớ đến khi mình còn nhỏ. Giống như các em ở đây, tôi cũng xuất thân từ vùng quê nghèo, lần đầu tiếp xúc với máy tính cũng rất phấn khởi xen lẫn tò mò như thế. Sự đồng cảm đó đã tiếp thêm động lực cho tôi và cả các bạn khác hoàn thành hoạt động dạy tin học này". Cứ đều đặn thứ 7 hàng tuần, ngoài giờ làm việc, tình nguyện viên câu lạc bộ lại cùng nhau băng qua quãng đường dài mang yêu thương đến cho trẻ em nghèo. Các thành viên dạy các em cách sử dụng máy tính, cách gõ từng kí tự, cách điều khiển con chuột…
"Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi chính là nhìn thấy nụ cười rạng ngời tại những nơi câu lạc bộ đi qua. Nắm lấy bàn tay một người cần giúp đỡ, biết đâu một cuộc đời sẽ thay đổi, một ước mơ được chắp cánh. Đoàn xe sẽ tiếp tục đi, đưa màu áo xanh "Ánh sáng tình nguyện" đến muôn nơi" - Anh Trung Hiếu tâm sự.
Món quà 8/3 tuy đơn giản và nhỏ bé nhưng đủ làm ấm lòng các chị lao công trong ngày này. Ảnh: Volunteer Light Club
Tình nghĩa giữa đời
Không chỉ tổ chức chương trình thiện nguyện cho học trò vùng cao, câu lạc bộ còn có nhiều việc làm ý nghĩa sưởi ấm các mảnh đời bất hạnh, khó khăn nơi những con phố nghèo. Ấn tượng mà các bạn để lại là hình ảnh xuống con phố Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, Ông Ích Khiêm, Hùng Vương (Đà Nẵng) trao tận tay những bó hoa, găng tay và một số đồ dùng thiết yếu cho các cô lao công, bán vé số nhân ngày 8-3. Đáp lại tấm lòng của câu lạc bộ, những nụ cười đã nở trên môi các chị lao công khi cầm trên tay món quà. Cứ thế, các suất quà và lời chúc được trao đi để thu về niềm vui, niềm hạnh phúc của người được nhận.
Anh Xuân Vũ, nguyên chủ nhiệm câu lạc bộ tâm sư : ‘"Theo kế hoạch ban đầu, nhân dịp 8-3, câu lạc bộ sẽ làm một chương trình cho các cụ già neo đơn. Tuy nhiên, do một lần ngồi trong quán café, tình cờ nhìn thấy các cô lao công quét đường, chúng tôi mới nảy ra ý tưởng này. 8-3 là ngày tôn vinh người phụ nữ, thế nhưng các chị lao công vẫn phải làm việc không quản ngày đêm. Món quà tuy không lớn nhưng chúng tôi hi vọng nó sẽ là nguồn động viên tinh thần cho các chị trong ngày của mình".
Ngoài ra, màu áo xanh Ánh sáng tình nguyện còn đồng hành cùng các cụ già neo đơn trong những ngày cận tết. Nhớ lại thời điểm ấy, anh Xuân Vũ kể: "Thay vì chỉ tặng tiền, gạo hay bánh kẹo, chúng tôi muốn làm một điều thực sự hữu ích và có giá trị lâu dài. Vì vậy chúng tôi quyết định sơn sửa nhà cho các cụ già neo đơn ".
Miệng nói tay làm, đúng như kế hoạch đề ra, các thành viên câu lạc bộ đã bắt tay "thay áo" cho ngôi nhà của cụ Mẫn (trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Anh Xuân Vũ cho biết, căn nhà cụ Mẫn đang ở được xây dựng từ nhiều năm trước nên bức tường bằng vôi đã lộ nhiều vết ẩm mốc, trần nhà thấp và cánh cửa cũng đã bạc màu. Khi tìm hiểu và chọn lọc danh sách người cần hỗ trợ, nhận thấy cụ Mẫn là người già neo đơn không có con cháu, tuổi đã cao, lại ở trong căn nhà cũ kĩ, câu lạc bộ đã quyết định chọn ngôi nhà này để "thay áo mới" cho cụ kịp đón tết.
Dưới bàn tay tô vẽ của các thành viên trong câu lạc bộ, bức tường vôi ẩm mốc nay đã khoác lên mình lớp sơn màu xanh da trời, cánh cửa bạc màu vì sương gió cũng được thay bằng ánh vàng tươi mới. Đến nay, cụ Mẫn vẫn sống trong ngôi nhà với một diện mạo sáng sủa hơn, kiên cố hơn.
Gây quỹ tình nguyện
Để thực hiện các hoạt động ý nghĩa trên, các thành viên câu lạc bộ đã tiết kiệm một phần chi tiêu cá nhân để đóng góp. Cùng với đó, "Ánh sáng tình nguyện" còn nhận được sự hỗ trợ từ quỹ "FPT vì cộng đồng". Tự làm bánh trung thu, tự gói những bó hoa, "ship" hoa trong công ty nhân dịp 8-3 là những cách câu lạc bộ thường làm để gây quỹ tình nguyện. Anh Trung Hiếu cho biết, trước mỗi chương trình, câu lạc bộ đều kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè trong công ty. Có người chuyển tiền, có người ủng hộ quần áo, sách vở cũ… Mỗi người góp một ít nhưng chung một tấm lòng hướng đến các em nhỏ và các hoàn cảnh khó khăn.
DIỆU CHÂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận