15/04/2021 08:12 GMT+7

Tỉnh mở mỏ cát, dân không vui

B.ĐẤU - C.QUỐC
B.ĐẤU - C.QUỐC

TTO - Dù mỏ cát sông Tiền được đấu giá với giá 'khủng' nhưng dư luận người dân và giới nghiên cứu lại không vui và có chung dự báo việc khai thác cát sẽ đe dọa sự an toàn của các dòng sông và cả vùng châu thổ sông Mekong.

Tỉnh mở mỏ cát, dân không vui - Ảnh 1.

Khu vực gần bến đò Kênh Ngang, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang được gắn biển cảnh báo sạt lở nhưng lại được cho đấu giá khai thác mỏ cát khiến người dân lo lắng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 14-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm tới xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang, nơi có mỏ cát sông Tiền vừa được đấu giá thành công hứa hẹn thu về cho ngân sách tỉnh hơn 2.811 tỉ đồng. Câu chuyện đấu giá mỏ cát mấy ngày qua râm ran khắp xóm.

"Hà bá" rình rập

Thấy chúng tôi hỏi thăm đường đến bến đò Kênh Ngang, bà Nguyễn Thị Trúc (56 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân) thở dài nói: "Khu vực này bây giờ là mỏ cát hàng ngàn tỉ đồng đó. Chính quyền bán được giá nhưng dân chúng tôi lo lắng, không ăn ngủ yên được vì sợ sạt lở sẽ tấn công vào nhà nữa".

Bà Trúc cho hay ngày trước khu vực này có bờ sông trải dài hơn 200m nhưng 10 năm trở lại đây "hà bá" đã tấn công ngày càng mạnh nên chính quyền vận động người dân di dời tới nơi an toàn. Khu vực từ bến phà Kênh Ngang xuôi về hạ nguồn có trên 20 hộ dân chưa nhận tiền di dời, vẫn sống dựa vào nghề câu lưới và làm mướn. 

"Trước đây, chính quyền có kêu bà con vào khu dân cư ở, hỗ trợ di dời và cất nhà 40 triệu đồng/hộ. Nhưng vào đó rồi tụi tui sống bằng nghề gì, với giá đó làm sao đủ tiền sống và xây dựng nhà. Bây giờ nghe nói nơi này chuẩn bị múc cát làm tụi tui lo lắng nhiều hơn. Hiện tại chưa khai thác mà năm nào cũng lún, sụp từ từ rồi. Nếu họ múc cát giữa sông thì chắc chắn khu vực này sẽ xảy ra sạt lở thôi" - bà Trúc nói thêm.

Còn chị P., giáo viên cấp II ở xã Bình Phước Xuân, cho hay từ khi đọc báo thấy khu vực này sẽ khai thác cát trở lại thì người dân lo lắng lắm. Bờ bên kia Đồng Tháp nơi có nhiều sà lan đậu chờ lấy cát cũng đang sạt lở. Bên đây chưa khai thác trở lại nhưng vài năm nay cũng sạt lở lai rai hoài. "Nếu Nhà nước cho khai thác cát ở khu vực này thì tôi nghĩ không bao lâu cả Cù Lao Giêng gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân sẽ bị hà bá nuốt mất thôi" - chị P. nói.

Không chỉ người dân lo ngại mà ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cũng tỏ ra băn khoăn. Ông cho biết đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình xoay quanh việc khai thác mỏ cát này. Theo ông Nhị, nếu thực hiện việc khai thác cát thì cực kỳ nguy hiểm vì bờ sông sẽ bị sạt lở nhanh hơn và về lâu dài các cù lao và 3 huyện cù lao Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu sẽ bị đe dọa mất còn. 

"Hiện tại phía thượng nguồn ở Campuchia đã bị các đập thủy điện ngăn chặn làm lượng phù sa giảm hơn 50% rồi. Nếu cứ khai thác cát thì từ từ sẽ sụp lún và sạt lở hết. Nếu khai thác mỏ cát sông Tiền thì không chỉ xã Bình Phước Xuân bị sạt lở nặng mà nguy cơ ảnh hưởng cả khu vực Cù Lao Giêng. Tôi đề nghị chủ tịch UBND tỉnh có kế hoạch làm việc với Bộ TN-MT và Chính phủ để cứu vãn dòng sông mẹ quê hương (cách ông gọi sông Mekong - PV)" - ông Nhị đề xuất.

"Có khi phải vẽ lại bản đồ"

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái, thành viên nhóm 25 chuyên gia quốc tế nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện Mekong năm 2009 - cho rằng nguyên nhân chính khiến sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra khắp nơi ở ĐBSCL là do thiếu phù sa và thiếu cát. Nguyên nhân sâu xa hơn là do cát bị chặn lại bởi các đập thủy điện trên sông Mekong và do khai thác cát ở tất cả các quốc gia dọc sông, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.

Theo ông Thiện, hạt cát từ thượng nguồn sông Mekong mỗi năm chỉ di chuyển được trong mùa lũ và mất vài chục năm mới về đến ĐBSCL. Năm nào lũ lớn nước chảy mạnh thì cát đi nhanh hơn và về nhiều hơn. Năm nào lũ thấp, nước chảy yếu thì cát di chuyển chậm hơn. Những năm lũ đặc biệt thấp như mùa lũ 2015 và 2019 thì cát gần như không trôi về ĐBSCL được. Do cát di chuyển ở đáy sông, nên khi có đập thủy điện chắn ngang sông thì cát sẽ bị chặn lại 100%. 

Hiện nay vẫn còn một lượng ít cát về ĐBSCL mỗi mùa lũ là số cát đã di chuyển xuống bên dưới trước khi có các đập thủy điện và nay tiếp tục di chuyển xuống, nhưng trong tương lai sẽ không còn cát về ĐBSCL nữa. Điều đó có nghĩa lượng cát hiện nay chúng ta có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai.

Ông Thiện cho rằng việc khai thác cát trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu tạo ra những hố sâu, dòng chảy sẽ khỏa lấp và làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy sông của dòng chính bị sâu thì sẽ rút đáy các sông nhánh ra, sông nhánh bị sâu thì rút đáy sông con ra... khiến sạt lở lan tỏa khắp nơi ở đồng bằng, kể cả những kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát.

Theo ông Thiện, nếu chỉ xem cát là vật liệu xây dựng thông thường theo Luật khoáng sản là cách nhìn hẹp. Nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng là có thật và thiết yếu, nhưng nếu tiếp tục khai thác cát thì phải đánh đổi, chấp nhận chuyện sạt lở mất đất. Cát cần được nhìn nhận thêm vai trò duy trì lãnh thổ để đưa vào bài toán cân nhắc. 

Việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần "liên kết vùng", xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả đoạn bờ biển cát ở vùng cửa sông Cửu Long. Nếu tiếp tục khai thác cát kiểu tận thu thì có thể sau này phải vẽ lại bản đồ địa lý khi hình hài ĐBSCL bị biến dạng.

"Đâu phải nạo vét gần bờ mà sạt lở"

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những đề xuất cân nhắc việc khai thác mỏ cát sông Tiền, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang - khẳng định: "Chúng tôi đã có khảo sát cụ thể, khu vực này đang bồi lắng bờ xã Bình Phước Xuân nhiều. Còn bờ bên kia thuộc tỉnh Đồng Tháp đang sạt lở.

Vì vậy phải nạo vét lấy cát và chỉnh trị lại dòng chảy để hạn chế sạt lở. Chúng tôi tính toán sẽ nạo vét cách bờ sông hiện tại 140m và tính toán cụ thể để đảm bảo không sạt lở. Đâu phải nạo vét gần bờ mà sạt lở".

Cát bớt về rồi sao còn bán mỏ? Cát bớt về rồi sao còn bán mỏ?

TTO - Kết quả quan trắc hằng năm cho thấy hàm lượng chất rắn, phù sa lơ lửng cũng đang giảm sút với tốc độ 2,5%/năm. Hệ quả là hiện tượng sạt lở, lún sụt ở Đồng bằng sông Cửu Long do tình trạng "nước đói phù sa" trong dòng chảy sông Cửu Long.

B.ĐẤU - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên