Tiếng hát Lệ Thu được ví như 'người kể chuyện tình' những cuộc tình không trọn vẹn nhưng vẫn làm đắm say bao thế hệ khán giả nghe nhạc.
Đến nỗi nhiều nhạc sĩ đã viết riêng ca khúc dành tặng cho tiếng hát của nữ danh ca: Xin còn gọi tên nhau (nhạc sĩ Trường Sa), Nước mắt mùa thu (cố nhạc sĩ Phạm Duy) hay Thu hát cho người (cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển)...
Năm 1959 cô gái Bùi Thị Oanh được sự cổ vũ của bạn bè lần đầu bước lên sân khấu của một phòng trà để hát tặng sinh nhật người bạn ca khúc Dang dở (tên khác: Tà áo xanh do Đoàn Chuẩn sáng tác). Chính lần đầu tiên này, giọng hát quý hơn vàng được ông chủ phòng trà ngỏ ý mời hợp tác.
Như cá được trở về với nước, cô nữ sinh Bùi Thị Oanh nhận lời và lén gia đình đi biểu diễn hằng đêm tại tụ điểm âm nhạc dưới cái tên Lệ Thu do chính mình chọn.
Xuất hiện trên sân khấu ca nhạc đầu những năm 1960 và cứ thế, Lệ Thu trở thành cái tên đắt giá của làng nhạc Việt bằng chất giọng nữ trung trầm ngọt lịm, trong vắt và đầy tính tự sự.
Sự nghiệp âm nhạc của Lệ Thu rất sinh động, nhiều màu sắc và gần như không "gắn" với bất kỳ một nhạc sĩ nào. Hát say sưa, hát như thể là là chính mình trải bày trong từng lời hát, giai điệu.
Nhưng Lệ Thu được yêu mến nhất với nhiều bản tình cả thấm đấm tình cảm và cả nước mắt của nhiều tác giả Phạm Duy, Trường Sa, Vũ Đức Sao Biển hay Trịnh Công Sơn...
Một trong số nhạc phẩm nổi tiếng ấy phải nhắc đến: Tình lỡ, Ngậm ngùi, Mùa thu chết, Thuyền viễn xứ, Nửa hồn thương đau, Xin còn gọi tên nhau. Hạ trắng...
Lệ Thu - nghệ danh đã gắn vào đời cô gái mê ca hát Bùi Thị Oanh như một định mệnh. Mùa thu cái mùa của màu hoang vàng, của chiều tà mang theo một chút gì đó của khắc khoải, của ngậm ngùi.
Và cứ như thế, những ca khúc mùa thu qua tiếng hát của nữ danh ca trở nên dạt dào cảm xúc, đắm say lòng người.
Lúc sinh thời vì yêu mến tiếng hát Lệ Thu, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết dành tặng bà ca khúc Nước mắt mùa thu. Qua nhiều thập kỷ, bài hát vẫn như một dấu ấn, như một vòng tròn không lối thoát giữa tên và định mệnh của người sở hữu, giữa mùa Thu và nước mắt!
Có những lúc mọi người cảm thấy những lời hát như vận vào cuộc đời thiệt thòi của chính người ca sĩ. Lệ Thu - người đàn bà hát tình ca buồn trải qua ba cuộc hôn nhân và một mối tình đẹp dang dở.
Nhưng không vì thế mà bà trở lên bi lụy. Thời gian này, Lệ Thu vẫn hát say sưa những tình khúc và giọng hát có phần bay bổng hơn bằng nỗi niềm của chính mình.
Và âm sắc trong giọng hát lại tràn đầy niềm hi vọng, tin yêu cuộc sống. Đó cũng là lúc ca khúc Thu hát cho người được thể hiện tròn đầy nhất.
Lý giải về cái tên vận vào cuộc đời và giọng hát của mình, Lệ Thu từng nói: "Có nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Nhưng đến giờ này tôi không hiểu vì sao những điều đó cứ vận vào mình.
Ở tuổi này, sự trải nghiệm, hiểu biết cho tôi nhận ra rằng, ngoài chuyện không có ai trên đời này được sinh ra hoàn hảo thì đời cũng không cho ai có mọi thứ toàn vẹn.
Tạo hóa vốn công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng nhưng phải lấy lại một cái nào đó. Và người lấy của tôi sự hạnh phúc trong cuộc sống riêng".
Lệ Thu cũng từng nhiều lần khẳng định, bà sinh ra để làm nghệ sĩ và đó là tình yêu lớn nhất cuộc đời bà. Nữ danh ca tâm sự: "Tôi rất thích một câu nói mà người Mỹ “Born to be that way” (Sinh ra để được như vậy).
Có những người sinh ra để làm hoàng hậu hưởng phú quý, quyền lực, có người sinh ra có số phận khổ sở… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu của tôi và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy".
Có lẽ vì tình yêu với âm nhạc này đã giúp tiếng hát của Lệ Thu ở tuổi ngoài 70 vẫn đầy nội lực, trẩm bổng và vang vọng và trở thành "tượng đài" của nền tân nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và mãi như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận