22/11/2022 10:35 GMT+7

Tình huống nào người mắc sốt xuất huyết có thể được theo dõi tại nhà?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, có người mắc cảm thấy bệnh nhẹ và chọn điều trị tại nhà, nhưng do chăm sóc không hợp lý, uống thuốc không đúng nên bệnh chuyển nặng.

Tình huống nào người mắc sốt xuất huyết có thể được theo dõi tại nhà? - Ảnh 1.

Người dân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: X.MAI

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM) - cho biết bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành quanh năm và bệnh ngày càng gặp nhiều hơn ở người lớn. Type vi rút Dengue gây bệnh nổi trội trong năm 2022 là type D2.

Một trong những yếu tố gây bệnh nặng ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là độc lực vi rút. Nếu độc lực vi rút càng mạnh thì gây bệnh càng nặng.

Đối với những người có cơ địa đặc biệt cũng làm bệnh diễn tiến nặng hơn. Ngoài ra, việc can thiệp điều trị chưa đúng cũng làm bệnh nặng hơn, góp phần gia tăng tỉ lệ tử vong.

Vậy người mắc bệnh sốt xuất huyết như thế nào sẽ được điều trị tại nhà? Bác sĩ Trường cho biết là những người mắc sốt xuất huyết thể nhẹ nhất (chưa có dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng), trên cơ địa bình thường.

Còn với những người có bệnh lý nền hoặc có cơ địa đặc biệt như mang thai, béo phì hoặc không có ai chăm sóc... thì vẫn nên nhập viện dù chưa có dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, theo dõi bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh cần tái khám theo chỉ định, không chủ quan vì thấy cơ thể không có dấu hiệu chuyển nặng. Nếu để bệnh diễn tiến nặng, nhập viện trễ thì nguy cơ tử vong cao.

Trước thắc mắc người mắc sốt xuất huyết Dengue có được dùng thuốc kháng sinh hay không, bác sĩ Trường cho hay kháng sinh có tác dụng với những trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, còn với bệnh sốt xuất huyết Dengue là do vi rút Dengue gây ra.

Do đó, kháng sinh không có tác dụng gì đối với vi rút, nghĩa là vai trò của kháng sinh đối với việc điều trị sốt xuất huyết là bằng 0. Nếu dùng kháng sinh để điều trị sốt xuất huyết thì hoàn toàn không đúng.

Nếu người dân lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết nói riêng, trước mắt sẽ gây tốn kém, thậm chí có những tác dụng phụ đối với sức khỏe không lường trước được.

Về lâu dài, nếu tiếp tục dùng kháng sinh một cách vô tội vạ, đại trà thì sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng.

Trước tình hình nhiều người mắc sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục thì cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc và người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện. Khi người bệnh hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Hà Nội một tuần ghi nhận thêm hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, 2 người tử vong Hà Nội một tuần ghi nhận thêm hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, 2 người tử vong

TTO - Trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết mới, thêm 2 ca tử vong. Các chuyên gia dự báo sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.


XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên