Tình nguyện viên dự án “Lớn lên an toàn” trong một bài học về giáo dục giới tính cho trẻ - Ảnh: LLAT
Như một thói quen, trước khi bắt đầu tiết học tôi luôn xem qua nhận xét của giáo viên dạy các tiết trước ghi trong sổ đầu bài của lớp. Học sinh lớp tôi chủ nhiệm thực hiện đúng nội quy nên thầy trò đều vui.
Nhưng tiết học hôm ấy tôi gặp bất ngờ. Em Y., một học sinh học tốt và ngoan, bị thầy giáo bộ môn ghi tên vào phần nhận xét, đánh giá tiết dạy là chưa lễ phép và không thực hiện yêu cầu của thầy. Lớp bị xếp loại tiết học chỉ đạt trung bình. Vì mới chuyển tiết nên tôi quyết định dành ít phút để tìm hiểu sự việc.
Tôi mời lớp trưởng giải thích. Em lớp trưởng cho biết do bạn Y. ngồi yên tại chỗ, không đứng lên khi thầy gọi lên bảng giải bài tập cuối tiết. Y. cũng không nói lý do dù rằng các bạn biết Y. thừa sức giải bài tập đó. Thầy giận nên ghi vào sổ đề nghị thầy chủ nhiệm xử lý. Các bạn cũng cho rằng hành vi của Y. là sai, sẽ đẩy lớp tụt hạng trong thi đua tuần.
Tôi gọi Y. để hỏi rõ hơn. Y. vẫn ngồi tại chỗ lắc đầu. Đôi mắt nhìn thầy như ngại ngùng và chút sợ hãi. Tôi rời bục giảng, bước xuống chỗ Y. ngồi. Tôi nói thầy biết em học tốt, ngoan, sao hôm nay lại có sai sót như vậy. Y cúi đầu không nói.
Tôi nhìn Y. và rồi phát hiện một điều không được bình thường. Đó là em dùng một chiếc áo gió phủ lên ngang hông, hai ống tay áo được cột chặt vào nhau. Tôi biết không nữ sinh nào lại có cách mặc áo khoác như thế. Kinh nghiệm của một người thầy từng xử lý nhiều vụ việc rắc rối từ sức khỏe học sinh cho tôi biết ngay lý do Y. không thực hiện yêu cầu của thầy bộ môn.
Tôi hỏi: Em không khỏe đúng không? Em không phải lo việc sẽ bị thầy phê bình đâu. Y. ngước nhìn tôi, gật đầu, vẻ mặt nhẹ nhõm. Nghe tôi nói thế, bạn gái ngồi kề bên đứng lên thưa cùng thầy rằng đúng như vậy. Chiếc áo mà Y. đang khoác lên người là của bạn cho mượn. Tôi quay lại bục giảng ổn định lại trật tự của lớp.
Tôi thông báo Y. không có vi phạm gì lớn, thầy sẽ trao đổi lại với thầy bộ môn về nhận xét và xếp loại tiết học của lớp. Riêng Y. đang gặp vấn đề về sức khỏe nên thầy cho xuống phòng y tế nghỉ ngơi. Bạn ngồi kề bên sẽ đưa Y. rời lớp.
Nhìn thấy những tia mắt ái ngại cho Y., tôi nghĩ phải dành thêm ít phút để trao đổi về kiến thức giới tính cho các em. Tôi nhắc cho các em nhớ lại những điều đã học từ các năm trước rằng khi các bạn gái khoảng 12 - 13 tuổi sẽ xuất hiện kinh nguyệt.
Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của nữ giới, phản ảnh sức khỏe sinh sản của giới nữ. Các em nên thông cảm cho bạn gái, không xem đây là chuyện xấu gì cả. Và vì các em còn nhỏ nên đôi khi có sự xuất hiện sớm hay muộn trong tháng. Bạn gái vì thế không xử lý kịp. Các em cần lịch sự, giúp đỡ bạn trong thời gian này. Riêng các em gái có thể thông báo cho thầy cô biết để nhận được sự quan tâm hơn, tránh hiểu lầm đáng tiếc.
Tôi vừa dứt lời thì T., một học sinh khá hiếu động trong lớp, buột miệng nói nhưng bạn như thế là gây xui cho lớp thầy ơi. Đó, tụt hạng nè, mất vệ sinh trong lớp nè! Tôi gật đầu. T. nghĩ thầy tán thành nên quay sang các bạn. Vài em nở nụ cười, các bạn gái thì nhăn mặt, không đồng ý với T..
Tôi cười và nhẹ nhàng nói: Kinh nguyệt là điều mà tất cả phụ nữ sẽ gặp trong đời khi dậy thì và sẽ kết thúc khi hết độ tuổi sinh sản. Mẹ T., chị T., các cô giáo và các bạn ở đây đều như thế, không có gì là xui, là mất vệ sinh cả. Thiếu hiểu biết, thiếu thông cảm mới là đáng trách.
Thấy T. và các bạn ngồi yên, tôi nói thêm. Em dị ứng với việc của các bạn gái thế em có chắc "giấc mơ ướt" của em và các bạn trai được hoan nghênh hay sao? Suy nghĩ xui rủi ở đây là lạc hậu lắm. Cả lớp cười ồ.
Mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và cùng các em giải quyết, tôi thấy đã ít nhiều thành công trong việc giáo dục giới tính cho học sinh.
Sau đó tôi chọn các bài báo liên quan hướng dẫn các em tìm đọc và khuyến khích sự trao đổi với thầy cô. Lớp tôi vui và không còn e ngại trước những vấn đề về giới tính vì có được tư vấn từ thầy chủ nhiệm là tôi và các thầy cô khác.
Bạn dạy con về giáo dục giới tính như thế nào? Bạn có câu chuyện nào hay, hiệu quả về giáo dục giới tính muốn lan tỏa đến các bậc phụ huynh khác. Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn cho báo Tuổi Trẻ qua email [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận