18/11/2020 09:25 GMT+7

Tình hình Biển Đông khó 'hạ nhiệt' trong năm 2021

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tình hình Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2021 và đòi hỏi sự hợp tác, thiện chí cũng như tăng cường chia sẻ thông tin của các bên.

Tình hình Biển Đông khó hạ nhiệt trong năm 2021 - Ảnh 1.

Một phiên thảo luận trong ngày 17-11, ngày thứ hai của hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 tổ chức trực tuyến tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Sau những căng thẳng pháp lý của "cuộc chiến công hàm" và vấn đề quân sự hóa các đảo, những biến động ở Biển Đông ghi nhận một khả năng leo thang mới: Trung Quốc công bố việc thăm dò dư luận cho dự thảo luật sửa đổi luật cảnh sát biển mới vào đầu tháng này.

Theo dự thảo, Bắc Kinh cân nhắc cho phép cảnh sát biển dùng vũ khí cầm tay, thậm chí vũ khí trên tàu hoặc trên không, đối với các "vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng". Đây được xem là vấn đề gây lo ngại cho các nước xung quanh vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, có thể xem là một kết quả tất yếu, và bản thân nó ngược lại cũng giải thích lý do nhiều nước đã bắt đầu có bước đi pháp lý ngăn Trung Quốc "làm luật" trên biển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling khẳng định dự thảo luật sửa đổi của Trung Quốc chỉ làm gia tăng căng thẳng và khả năng bạo lực.

"Tuy nhiên, còn phải xem cách thức luật này được thực thi trong ngắn hạn. Như toàn bộ luật hàng hải của Trung Quốc được viết một cách mơ hồ, áp dụng với "những vùng biển trong quyền tài phán" mà vốn dĩ là thuật ngữ chẳng có ý nghĩa gì về mặt pháp lý", ông Poling phân tích.

Theo ông Poling, người tham dự tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội, những hành động của Trung Quốc trong năm 2020 đã càng khiến giới chính trị ở Mỹ tin rằng Bắc Kinh sẽ không trỗi dậy một cách hòa bình, và đây là thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Và tương tự, các nước khác cũng cảm nhận được điều này.

"Điều tương tự cũng đúng với các nhà chiến lược ở Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu. Tất cả được thể hiện rõ ràng khi các nước này quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông trong năm nay, và các quyết định của họ liên quan tới vấn đề pháp lý được đưa ra theo cách chưa từng có trước đây. Do đó, năm 2020 đã chứng kiến căng thẳng leo thang, và điều này sẽ tiếp tục vào năm 2021", ông Poling phân tích với Tuổi Trẻ ngày 17-11, ngày thứ hai của hội thảo trên.

Trong ngày thứ hai của hội thảo, vấn đề an toàn cho ngư dân và giải pháp cho các vụ đụng độ tiềm năng cũng được các diễn giả thảo luận.

GS Carl Thayer - nhà nghiên cứu Biển Đông - cho rằng các thành viên ASEAN nên công nhận và gia nhập cam kết đối với các khuôn khổ điều chỉnh hành vi trên biển như Bộ quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG) 1972, Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) 1974 hay Công ước về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hành trình hàng hải (SUA) 1988.

Theo ông Thayer, các quy tắc, chuẩn mực quốc tế này nên được xem xét mở rộng phạm vi ảnh hưởng đối với tàu dân sự.

Có phải "chuyện nội bộ" của Trung Quốc?

Trong hội thảo, nhiều thành viên cử tọa đã nêu lên sự lo ngại trước việc Trung Quốc chuẩn bị ban hành dự luật về hải cảnh. Học giả Junwu Pan từ Trung Quốc khi trả lời đã khẳng định việc ban hành luật này là việc nội bộ của Trung Quốc, không liên quan đến quốc tế. Tuy nhiên, cựu phó đô đốc của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã khẳng định rằng tuy dự luật hải cảnh là luật nội bộ của Trung Quốc nhưng nó không được vi phạm tới luật quốc tế liên quan.

Học giả Lei Xiao Lu của Trung Quốc cũng khẳng định dự luật hải cảnh của Trung Quốc chỉ nhằm vào các đối tượng vi phạm vùng biển nội địa của Trung Quốc nên các quốc gia láng giềng không phải lo ngại.

Nhưng vấn đề, như một thành viên dự hội thảo có nêu lên, là việc Trung Quốc tự ý tuyên bố các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông theo quy định của Công ước luật biển là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và như vậy hải cảnh Trung Quốc sẽ có thể sử dụng các "biện pháp" của họ đối với các tàu thuyền và ngư dân của các quốc gia khác.

Điều này cũng có thể áp dụng đối với vùng biển Hoa Đông, vốn là nơi tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã lo ngại khả năng căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc thông qua dự luật này.

Học giả Leixiao Lu có đưa ra những hi vọng về tất cả các quốc gia khu vực Biển Đông cùng tham gia và hợp tác trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên biển ở đây. Tuy nhiên, trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định việc bồi lấp và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông "đã phá hủy vĩnh viễn và làm tổn hại không thể khắc phục đối với các hệ sinh thái san hô nơi đây".

Vì thế, liệu có thể hợp tác được khi môi trường biển của Biển Đông đã bị chính Trung Quốc tàn phá nghiêm trọng như vậy?

ThS Hoàng Việt (nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM)

Căng thẳng Biển Đông thời COVID-19 Căng thẳng Biển Đông thời COVID-19

TTO - Tác động đến kinh tế phản ánh thực tế rằng COVID-19 không chỉ đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên cao, mà còn phô bày những khó khăn cho các thảo luận về phương án xử lý trong tương lai.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên