27/11/2024 11:21 GMT+7

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu

Kết luận của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII và phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm xác định vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 1.

Cán bộ UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Đồng thời là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Tuổi Trẻ đã trao đổi với đại biểu VŨ TRỌNG KIM, nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xung quanh nội dung này.

Trung ương gương mẫu đi đầu, từ đó địa phương tất sẽ gọn theo

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 2.

* Nhìn lại 7 năm thực hiện nghị quyết 18/2017 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về kết quả đạt được và những điều cần rút ra?

- Qua 7 năm thực hiện nghị quyết 18, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Song tôi cho rằng quyết tâm trong thực hiện chưa cao, sắp xếp bộ máy chưa có tính tổng thể, đồng bộ. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu bộ, ngành.

Thêm vào đó trên thế giới đa số các nước chỉ chi 40 - 50% tổng ngân sách cho lương và chi thường xuyên thì chúng ta hiện nay chi đến gần 70%. Con số này cao không phải do trả lương cao mà số lượng biên chế quá nhiều.

Do vậy, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu, bộ máy còn cồng kềnh, kìm hãm sự phát triển. Việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng bao biện, nhiều cơ quan cùng quản lý một việc nhưng khi có vấn đề thì không ai chịu trách nhiệm...

Chính vì thế, kết luận của Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua và tinh thần chỉ đạo cũng như những gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất quan trọng. Thời điểm hiện tại chính là thời điểm chín muồi để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tôi hiểu rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy lần này không hề chủ quan, duy y chí mà là sự nhận thức đầy đủ, khách quan theo quy luật phát triển chung của xã hội. Việc này dựa trên thành quả của 40 năm đổi mới, đồng thời, những nhân tố mới, tích cực đã nảy mầm, vươn lên và đào thải những nhân tố cũ, lạc hậu.

Đây là sự vận động trong lòng xã hội dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và trình độ quản lý, quản trị xã hội ngày càng nâng lên. Đồng thời cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thực hiện theo phương châm Trung ương gương mẫu đi đầu, từ đó địa phương tất sẽ gọn theo.

* Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu". Vậy ông có ý kiến như thế nào về việc tinh gọn các cơ quan của Đảng?

- Chúng ta phải nhấn mạnh cả hệ thống chính trị, trước hết là Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đều phải thực hiện việc tinh gọn. Tại nghị quyết 18 về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn cũng đã nhấn mạnh Đảng phải gương mẫu.

Trong đó có thể nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp, hình thành các cơ quan tham mưu tổng hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, thẩm định chủ trương, chính sách, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy Đảng tại mỗi cấp.

Cùng với đó cần tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, cụ thể hóa các tiêu chuẩn cấp ủy viên, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy viên. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, các cơ quan bảo đảm mọi quyền lực và thực thi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ...

Trung ương sắp xếp như thế nào thì địa phương sẽ thực hiện như vậy. Nhưng tinh thần địa phương phải gọn hơn Trung ương mới đáp ứng yêu cầu. Còn địa phương lại thêm ra cơ quan nào khác với Trung ương là hoàn toàn không ổn.
Ông Vũ Trọng Kim

Cần các bộ đa ngành, đa lĩnh vực

* Chính phủ hiện nay có 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Vậy việc tinh gọn sẽ thực hiện như thế nào cho phù hợp?

- Muốn có một Chính phủ hiệu quả, yêu cầu đặt ra phải tinh gọn bộ máy theo tinh thần một cơ quan làm nhiều việc hay hướng tới các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi việc cần có cơ quan thực hiện, chịu trách nhiệm đến cùng.

Trong đó phải đánh giá và phân tích chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức để xác định rõ những đơn vị nào hoạt động hiệu quả và những đơn vị nào có thể sáp nhập hoặc cắt giảm. Xem xét hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm thiểu sự chồng chéo.

Đồng thời cải cách quy trình làm việc, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, hướng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nâng cao hiệu suất làm việc cũng rất quan trọng.

Trong bản thân mỗi bộ, ngành thì cấp trung gian, tham mưu cũng phải sắp xếp để không chồng lấn lên nhau, rõ người, rõ việc. Thậm chí có những việc về mặt nghiệp vụ không cần thiết phải trình lên thứ trưởng, bộ trưởng ký ban hành mà có thể giao trách nhiệm cho chuyên viên để họ giải quyết và chịu trách nhiệm.

Khi có sự đồng bộ, thông suốt sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển, còn cái gì cũng đẩy lên cấp cao hết là không được. Khi các đầu mối trung gian trong quản lý giảm bớt, thực thi công việc sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Với hướng như vậy nên nghiên cứu để tổ chức lại còn 15 - 16 bộ. Để thực hiện được hiệu quả, sau khi tổng kết, tới đây Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể. Trên cơ sở đó các cơ quan sẽ sắp xếp, thành lập cơ quan mới bằng cái nhìn tổng quan, đầy đủ, không có vướng mắc.

Với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần nghiên cứu để tổ chức lại cho phù hợp. Đồng thời tổ chức lại các đầu mối bên trong để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo.

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 3.

TP.HCM đang từng bước phát triển các dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm bớt thời gian cho người dân khi làm các thủ tục hành chính - Ảnh: T.T.D.

* Cùng với tinh gọn bộ máy ở Trung ương, với địa phương nên thực hiện thế nào, thưa ông?

- Trung ương tiến hành sắp xếp như thế nào thì địa phương sẽ thực hiện như vậy. Nhưng tinh thần địa phương phải gọn hơn Trung ương mới đáp ứng yêu cầu. Còn địa phương lại thêm ra cơ quan nào khác với Trung ương là hoàn toàn không ổn.

Việc điều chỉnh, tổ chức lại các đơn vị hành chính tỉnh/thành là vấn đề được đặt ra trong thời gian qua. Nhưng việc này cần có chủ trương cụ thể của Trung ương sau khi có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ. Song không nên sáp nhập một cách cơ học.

Việc này cần dựa vào các tiêu chí chung về diện tích, dân số. Tôi cho rằng cần tính tới các địa phương nào thiếu nguồn lực, cần bổ sung cho nhau thì sáp nhập để hỗ trợ, bổ trợ, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bên cạnh đó trước đây do điều kiện còn khó khăn nên việc tách ra để đảm bảo dễ quản lý nhưng hiện nay công nghệ thông tin phát triển, đường sá di chuyển dễ dàng hơn. Vì vậy đây cũng là các cơ sở để nghiên cứu, xem xét giảm số lượng các tỉnh thành.

● Bà Phạm Phương Thảo (nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM):

Tránh một việc nhiều cấp cùng làm

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 3.

Chủ trương tinh gọn bộ máy rất quyết liệt, tuy nhiên việc tinh gọn bộ máy cũng cần theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền và cấp nào làm tốt thì giao cho cấp đó, tránh một việc mà nhiều cấp cùng làm, tránh chồng chéo, xung đột.

Việc tổ chức tinh gọn bộ máy, Trung ương nên làm gương, thực tế có những văn phòng còn cồng kềnh, nên làm gọn lại. Trong việc tinh gọn bộ máy, cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xem xét lại các quy trình, quy định tuyển dụng còn hình thức, gây nặng nề.

Đồng thời cần quyết liệt chống lợi ích nhóm, cục bộ. Quan trọng là lựa chọn người đứng đầu cho tốt, thực sự nêu gương. Công tác kiểm tra, giám sát cần phát hiện cho được các điểm nghẽn để tháo gỡ.

Cần đổi mới theo ba hướng quan trọng. Trong đó đổi mới phương pháp làm việc theo hướng khoa học, tạo sự chủ động trong hệ thống. Sắp xếp tổ chức bộ máy cần phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho cấp dưới làm việc tốt hơn, nhanh hơn, hạn chế tình trạng "xin - cho".

Trong sắp xếp cần quan tâm chăm lo cho cán bộ, đảm bảo cán bộ đủ các điều kiện để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công việc.

Từng sắp xếp 4 bộ vào 1 bộ

Theo ông Vũ Trọng Kim, trước đây trong cơ cấu của Chính phủ từng có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, đến nay gộp thành Bộ Công Thương.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được hình thành thông qua sự sáp nhập các bộ Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản... Điều đó có thể thấy chúng ta đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

● Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

"Phá bỏ" một số cách cũ

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 3.

Tổ chức bộ máy lần này một mặt tinh giản nhân sự, mặt khác cần gắn với công nghệ. Trong đó kỷ nguyên chuyển đổi số, công nghệ số... sẽ cần tính đến việc "phá bỏ" một số cách thức vận hành, giải quyết thủ tục hành chính truyền thống và chuyển sang những cách thức tổ chức thủ tục hành chính phi địa giới hành chính, tinh gọn thủ tục, kết nối liên thông tối đa dữ liệu và công việc giữa các cơ quan.

Ví dụ ở một số địa phương đã có những thủ tục đất đai giải quyết phi địa giới hành chính, người dân quận huyện này có thể nộp hồ sơ ở quận huyện khác.

Mặt khác, cùng với việc tinh gọn, Nhà nước cần rà soát và chuyển một số chức năng quản lý sang hướng xã hội hóa để tư nhân làm. Nhà nước chỉ tập trung quản lý và làm những việc tư nhân không làm được hoặc khó làm như an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội...

Cùng với đó cần có những cơ chế quy định để linh hoạt sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từng vị trí công việc cần có mô tả, tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như các yêu cầu cụ thể để người thấy không đủ năng lực, trình độ sẽ tự rời ghế để cho người đủ khả năng, tài năng đảm nhiệm công việc.

Một trong những giải pháp nữa là thi tuyển. Ngay kể cả quy định quy hoạch cán bộ, công chức cũng cần tính toán lại. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nên tập trung ở

các vị trí cán bộ chiến lược và cấp cao, còn trong hệ thống có những vị trí trực tiếp thực thi công việc không cần phải quy hoạch. Từ đó khuyến khích những người có điều kiện, năng lực, trình độ vào để tăng hiệu quả công việc của bộ máy.

● Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh):

Địa phương phải sắp xếp theo

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là cuộc cách mạng nhưng cũng là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

Khi Trung ương làm gương sắp xếp các cơ quan trung ương, bộ ngành thì chắc chắn ở địa phương các sở, ban, ngành, cơ quan ngành dọc sẽ phải sắp xếp theo. Ví dụ như Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sắp xếp sáp nhập thì dưới địa phương cũng phải sáp nhập theo.

Còn với việc sắp xếp các tỉnh thành về địa giới hành chính cũng cần nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới. Bởi trước đây đơn vị hành chính cấp tỉnh của chúng ta cũng gọn nhẹ và các nước xung quanh cũng không nhiều như nước ta.

Việc nói như vậy không phải phủ nhận tách ra, bởi sứ mệnh lịch sử khi tách ra để giúp các địa phương vùng sâu - vùng xa phát triển nhanh hơn. Đến nay khi các địa phương phát triển rồi, có sứ mệnh mới thì cần thực hiện tinh gọn, tiết kiệm ngân sách để tập trung đầu tư. Như Tổng Bí thư nêu chi thường xuyên cho bộ máy, con người lên đến 70% là không ổn.

Việc sắp xếp cấp tỉnh nếu thực hiện cần nghiên cứu, đánh giá rất kỹ và nên rà soát theo các tiêu chí về diện tích, dân số.

● PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam):

KPI cho lãnh đạo địa phương

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 3.

Cộng đồng doanh nghiệp, người dân quan tâm nhiều đến tính hiệu quả vận hành của bộ máy sau khi tinh gọn. Vì vậy Trung ương nên giao kế hoạch, chỉ tiêu cho địa phương. Mỗi nhiệm vụ đều có hệ thống chỉ số đo lường, lộ trình phù hợp.

Từ đó biết được bí thư tỉnh nào đang làm tốt, cho vào luồng xanh giảm kiểm soát phê duyệt; bí thư nào làm dở phải cho vào luồng vàng để tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm duyệt; và bí thư nào rơi vào luồng đỏ thì phải thay thế, chế tài.

Đặc biệt Trung ương nên có các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) cụ thể cho tỉnh, đến lượt tỉnh cũng giao cho cấp huyện. Khi có chỉ số KPI cụ thể được giao, người đứng đầu cấp dưới phải tìm kiếm mọi giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, chứ không còn dùng các khẩu hiệu chung chung như "cần thiết, tăng cường, nâng cao, đẩy mạnh...".

Kết quả thực hiện của các cấp được đánh giá hằng năm, có thể nghiên cứu các cách đánh giá các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CIPI)...

Khi có đánh giá này so sánh với chỉ tiêu cụ thể được giao sẽ làm căn cứ để cơ quan cấp trên xử lý người đứng đầu yếu kém, cũng như cân nhắc khen thưởng những lãnh đạo làm tốt. Nói cách khác cơ chế cán bộ sẽ là sự phối hợp giữa bảng KPI và quyền cách chức (bổ nhiệm), luân chuyển của Trung ương.

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 8.

Cán bộ phường giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Các phường mới của TP.HCM hoạt động từ 1-1-2025

Ngày 26-11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025. TP.HCM sắp xếp 80 phường thành 41 phường mới, giảm 39 phường. Sau sắp xếp, TP.HCM có 273 đơn vị phường, xã, thị trấn.

Từ ngày 1-1-2025, sau khi phường mới đi vào hoạt động đến đại hội đảng bộ cấp cơ sở, các đơn vị mới tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Kiểm tra, rà soát việc chuyển đổi giấy tờ cho các cá nhân, tổ chức trên nguyên tắc không thu các loại phí, lệ phí. Đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh, hoàn thành trước ngày 30-6-2025.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các địa phương khẩn trương sắp xếp, đưa các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2025, trên tinh thần nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình, quy định và hướng dẫn thực hiện của TP.

80 phường sau khi sắp xếp sẽ dôi dư 1.022 người, khoảng 1/3 nhân sự hiện có. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư phải theo lộ trình, ưu tiên bố trí cán bộ tại địa phương, đồng thời phải áp dụng các chính sách hỗ trợ cho cán bộ.

Về việc điều chỉnh các loại giấy tờ cho người dân, ông Hoan đề nghị các địa phương không thay đổi đồng loạt mà thay đổi khi người dân có nhu cầu, tránh tình trạng tất cả người dân phải đến cơ quan hành chính xếp hàng chờ thay đổi giấy tờ.

Nhật Bản và Trung Quốc tinh gọn bộ máy ra sao?

* Nhật Bản: giảm 128 cục xuống còn 90

Nhật Bản là một trong những quốc gia tinh gọn bộ máy chính phủ từ sớm, thông qua một loạt cải cách toàn diện, nhằm nâng cao hiệu suất làm việc và giảm bớt sự chồng chéo của các bộ, ban ngành có liên quan, từ đó tiết kiệm được ngân sách của chính phủ và tạo điều kiện phát triển đất nước.

Từ năm 1996, thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Ryutaro Hashimoto đã khởi xướng cải cách bộ máy chính phủ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn và chuyên môn hóa chức năng của các bộ.

Các nội dung chính của đợt cải cách này bao gồm việc sáp nhập các bộ và cơ quan chính phủ; các biện pháp hỗ trợ năng lực hoạch định chính sách và quy định về quyền hạn của các nội các; quá trình tinh gọn bộ máy hành chính. Những cải cách này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2001.

Ngoài ra nội dung cải cách cũng bao gồm quá trình cắt giảm số lượng cơ quan, phòng ban và nhân sự trong chính phủ. Số lượng các bộ và cơ quan trung ương giảm từ 128 cục xuống còn khoảng 90 vào năm 2001. Trong 10 năm đầu tiên của kế hoạch, chính quyền Nhật Bản đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 10% nhân viên chính phủ, đồng thời hướng tới tự động hóa các thủ tục hành chính.

Đến năm 2014, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Đạo đức dịch vụ công quốc gia (1999) cùng một số luật khác để thành lập Cục Quản lý nhân sự nội các, nhằm quản lý hoạt động của các quan chức cấp cao và đảm bảo tính thống nhất về mặt chính sách.

* Trung Quốc: 40 cơ quan còn 26

Trung Quốc cũng ban hành nhiều biện pháp nhằm tinh gọn bộ máy chính phủ. Tháng 3-2018, Trung Quốc công bố kế hoạch tái cơ cấu bộ máy chính phủ quy mô lớn. Đây là cuộc cải tổ lớn nhất của đất nước tỉ dân trong nhiều năm qua, theo Tân Hoa xã.

Các thay đổi chủ yếu bao gồm việc sáp nhập, tinh giản hoặc tái cấu trúc các bộ, cơ quan, cũng như các chức năng quản lý trong chính phủ. Mục tiêu của cuộc cải tổ này là giảm bớt sự chồng chéo trong các chức năng của chính phủ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý.

Trước khi thực hiện cải cách vào năm 2018, Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý một hệ thống khoảng 40 cơ quan bao gồm các bộ và ủy ban. Tuy nhiên sau cuộc cải cách 2018, Trung Quốc đã tiến hành sáp nhập và giảm số lượng các cơ quan này xuống chỉ còn 26.

Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về báo Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải hiến kế của bạn và sẽ tổng hợp gửi đến cơ quan chức năng.

TUỔI TRẺ

Tinh gọn bộ máy: Trung ương gương mẫu đi đầu - Ảnh 9.Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên