TTCT - Tinh gọn bộ máy là tất yếu nhưng phải tránh vội vàng và chủ quan. Tinh gọn bộ máy không thể vội vàng và chủ quan. Ảnh: iStockNăm 2013, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Chính phủ lúc đó, đã phát biểu: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% công chức không có cũng được". Hơn 10 năm sau, mới đây, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho biết có bộ trưởng nói với ông, bộ của ông ấy nếu giảm 30-40% biên chế thì cũng chẳng hề hấn gì. Thực trạng trên đã minh họa rất rõ tình trạng dôi dư công chức, sự cồng kềnh của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy nhà nước là yêu cầu mang tính cấp thiết.Trong kỷ nguyên khoa học công nghệ - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một bộ máy cồng kềnh, nặng tính quan liêu chắc chắn sẽ là rào cản cho sự phát triển. Thế nên, từ định hướng của nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ có kế hoạch hợp nhất nhiều bộ, cơ quan ngang bộ với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".Tính hiệu quả và trách nhiệm giải trình khi sáp nhập các sởTP.HCM cũng đã có phương án tinh gọn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM. Theo đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao; nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương... Việc tinh gọn các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM nói riêng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có từng bước đi thận trọng để tránh tình trạng vội vã, chủ quan.Trước hết, việc sáp nhập các sở cần bảo đảm nguyên tắc hiệu quả trong hoạt động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2014, TP.HCM thành lập Sở Du lịch do lúc này, quy mô hoạt động ngành du lịch của TP.HCM rất lớn, nhưng lại thiếu một bộ máy quản lý chuyên sâu. Hiệu quả hoạt động của Sở Du lịch đã được chứng minh: khách nội địa và khách quốc tế đến TP.HCM tăng hằng năm (trừ hai năm dịch Covid), tổng thu ngành du lịch năm 2023 tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 160.000 tỉ đồng), chiếm 24% cả nước. Hiện tại, Sở Du lịch đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính và 100% thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết 30-80% so với quy định (giảm gần 3.500 giờ). Kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt tỉ lệ 100%, tỉ lệ hài lòng đạt 96,53%.Với một sở đang hoạt động tích cực, việc sáp nhập vào Sở Văn hóa và Thể thao liệu có còn duy trì tốt hiệu quả công việc? Đây là câu hỏi cần được trả lời thấu đáo trước khi đi đến quyết định chính thức.Tất nhiên, "không có mợ thì chợ vẫn đông", không có Sở Du lịch thì vẫn có sở khác đảm nhận chức năng quản lý nhà nước về du lịch, nhưng việc duy trì tính ổn định và hiệu quả công việc là vấn đề cần cân nhắc.Tinh gọn bộ máy phải tính đến năng lực giải quyết công việc. Trong ảnh: nhân viên tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính tại UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: HỮU HẠNHViệc tinh gọn bộ máy phải bảo đảm đầu mối quản lý và trách nhiệm giải trình. Ngay từ năm 2017, nhận thấy những bất cập trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại đô thị đông dân nhất cả nước, TP.HCM đã thực hiện mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm. Nhiệm vụ này trước đây phân tán ở các sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mô hình này được xem là đột phá trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại TP.HCM. Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình này và cho chủ trương "cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm".Từ cơ sở chính trị này, Quốc hội ban hành nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM giao cho HĐND TP thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Sở An toàn thực phẩm (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2024). Hiện nay, Sở An toàn thực phẩm đang thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nếu theo phương án mà TP.HCM đã công bố thì Sở An toàn thực phẩm sẽ giải thể và kết thúc hoạt động, chuyển chức năng quản lý này về lại cho ba đơn vị trước đây.Về mặt lý luận, khi có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thì mới cần thành lập một cơ quan nhà nước. Với sự chuyển giao nhiệm vụ, đương nhiên quyền hạn - phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ không còn và không có lý do gì để duy trì hoạt động của một cơ quan nhà nước. Với tư duy đó, Sở An toàn thực phẩm - mô hình một đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm mà TP.HCM đã tâm huyết thực hiện hơn 7 năm qua - sẽ không còn nữa.Một điều đáng suy ngẫm là Hải Phòng cũng đã thuyết phục được Quốc hội cho phép địa phương thành lập Sở An toàn thực phẩm theo nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ có Sở An toàn thực phẩm, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương. Đây là hướng đi hợp lý nhằm bảo đảm đầu mối quản lý và trách nhiệm giải trình. Trong bối cảnh đó, quyết định giải thể Sở An toàn thực phẩm của TP.HCM tỏ ra kém thuyết phục, có thể rơi vào tình trạng "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Đó là chưa kể gánh nặng sẽ đặt lên 3 cơ quan này bởi từ năm 2017 đến nay, hầu như 3 sở trên đã không còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.Các siêu sở: có thực sự cần?Việc tinh gọn bộ máy là cần thiết nhưng sáp nhập các sở tại TP.HCM cần loại trừ tình trạng vội vã vì thiếu cơ sở pháp lý. Bài học đã có nhiều.Hơn 6 năm trước, tỉnh Lào Cai thí điểm sáp nhập Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng theo tinh thần của nghị quyết số 18-NQ/TW. Kết quả, sau khi sáp nhập, địa phương giảm được 4 lãnh đạo cấp sở, 9 lãnh đạo cấp phòng và 7 biên chế.Tháng 11-2018, Bạc Liêu quyết định sáp nhập 4 sở thành 2 sở: Sở Giáo dục và Đào tạo sáp nhập Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch…Bên cạnh kết quả tích cực về tinh gọn bộ máy, hoạt động ở những "siêu sở" này phát sinh nhiều vướng mắc. Do chưa có quy định thống nhất của trung ương về vị trí, tính chất pháp lý lẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nên các "siêu sở" này gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.Cuối năm 2022, Bạc Liêu quyết định tách 2 sở thành 4 sở như cũ. Một năm sau (năm 2023), Lào Cai cũng quyết định tách Sở Giao thông vận tải - Xây dựng thành 2 sở như trước đây.Trước đó, mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (hợp nhất ủy ban kiểm tra cấp ủy với cơ quan thanh tra nhà nước, hợp nhất ban tổ chức với phòng nội vụ...) đã được thực hiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều hạn chế vướng mắc nên Bộ Chính trị đã yêu cầu tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình nói trên. Bài học kinh nghiệm cần rút ra là nếu chưa có quy định pháp luật thống nhất từ phía trung ương, sự vội vã của địa phương rất dễ dẫn đến khiếm khuyết.Khác với bộ - cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, các sở ngành ở địa phương trực tiếp giải quyết công việc mang tính sự vụ. Do đó việc sáp nhập, hợp nhất cần phải tính toán cẩn trọng. Đã là xu thế tất yếu nên tinh gọn bộ máy nhất thiết phải được thực hiện nhanh chóng và quyết liệt. Thế nhưng, nhanh chóng không có nghĩa là vội vã, quyết liệt không đồng nghĩa với chủ quan. Việc "vừa chạy, vừa xếp hàng" chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi có một đường chạy rõ ràng và một luật chơi nhất quán. Còn lại, khi chưa sẵn sàng cho những điều kiện này, việc sáp nhập, hợp nhất rất dễ đi vào tình trạng "khắc nhập, khắc xuất". Việc sáp nhập cần phải tính đến năng lực giải quyết công việc. Ngày 1-1-2021, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ khai thông thế bế tắc về thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc. Thế nhưng, sau 3 năm đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức vẫn chật vật trong chiếc áo "đơn vị hành chính cấp huyện". Thậm chí, một đơn vị cấp huyện quản trên 1 triệu dân nên việc giải quyết hồ sơ hành chính chậm trễ ở mức độ trầm trọng tương đối. Tags: Tinh gọn bộ máyPhát triển kinh tếSáp nhậpSáp nhập các sởQuản lý nhà nước
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.