05/12/2024 12:50 GMT+7

Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng làm

Ngày 4-12, phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó.

Tinh gọn bộ máy: khó mấy cũng làm - Ảnh 1.

"Nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, hành chính, dẫn tới nhiều công việc ách tắc" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ các cơ quan. Điều quan trọng nhất là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm cùng cấp ủy, các cơ quan thuộc bộ, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, bảo đảm khoa học với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả.

Trong đó việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, cá nhân lãnh đạo các cơ quan.

Gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm. "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Thủ tướng lưu ý cần vừa sắp xếp tổ chức Đảng, vừa sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, làm đồng thời theo định hướng của Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa tổng kết năm 2024, do đó phải phân công nhiệm vụ cụ thể của lãnh đạo các bộ, ngành trên tinh thần phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cá nhân.

Cùng với đó, căn cứ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ lên kế hoạch cụ thể với ngày giờ rõ ràng để các bộ, ngành thực hiện.

Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề phát sinh, báo cáo ngay các vấn đề vượt thẩm quyền. Các phó thủ tướng theo lĩnh vực phân công chủ động làm việc với các bộ, ngành để triển khai và kiểm tra công việc thường xuyên. Ban Chỉ đạo của Chính phủ họp hằng tuần để triển khai công việc, nắm bắt tình hình và xử lý các vướng mắc.

Tinh gọn bộ máy: khó mấy cũng làm - Ảnh 2.

Dự kiến các bộ hợp nhất, sắp xếp, tên gọi mới

Cũng trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, theo định hướng, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối). Dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Các bộ ngành thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (hai bộ này thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị); Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Riêng Bộ Quốc phòng, ngoài việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong, dự kiến sẽ tiếp nhận thêm Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Từ định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 15 bộ, cơ quan ngang bộ (xem đồ họa).

Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh đến việc cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp.

Việc này nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Để tránh tình trạng sáp nhập cơ học, bà Trà nêu rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tinh gọn bộ máy: khó mấy cũng làm - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cơ hội chín muồi để tinh gọn bộ máy

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - nêu rõ thời điểm hiện tại có thể xem là cơ hội chín muồi để hiện thực hóa mục tiêu tinh gọn bộ máy.

Ông chỉ rõ việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính. "Sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng không chỉ giúp khắc phục những hạn chế này mà còn tạo ra sự phối hợp hiệu quả hơn, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý", ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã thành công trong việc tinh gọn bộ máy, tập trung quản lý đa ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này và điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, ông lưu ý đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải tiếp cận với sự cẩn trọng và bài bản. Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy không nên chỉ dừng lại ở cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng - nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo và bất cập đã tồn tại nhiều năm.

Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn...

Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Có chính sách đủ mạnh cho cán bộ diện sắp xếp

Lần này Ban Chỉ đạo đã nêu rõ cùng với hợp nhất, tinh gọn sẽ giảm các đầu mối bên trong, nhất là nghiên cứu bỏ các tổng cục, cục… là rất chính xác. Bởi chính các "bộ trong bộ" đã tạo thêm tầng nấc, tốn kém chi phí.

Cùng với đó, phải xem xét, không thể nào khi hợp nhất mà lại vẫn giữ nguyên số bộ trưởng, thứ trưởng. Cần phải sắp xếp lại số này cho phù hợp và mỗi cán bộ, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo phải phát huy tinh thần nêu gương, hy sinh vì sự phát triển chung của đất nước.

Để khuyến khích cán bộ nêu gương, hy sinh bên cạnh việc tuyên truyền thì cũng cần có các chế độ chính sách phù hợp, thỏa đáng, không để những cán bộ này thiệt thòi quá nhiều về quyền lợi.

Bám sát nghị quyết 18

Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng yêu cầu bám sát nghị quyết 18, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó lưu ý mục tiêu chung là hoàn thành sớm việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan phù hợp, hiệu quả, tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn.

Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt khâu trung gian, cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ. Tên gọi các bộ, cơ quan phải ngắn gọn, bao quát chức năng - nhiệm vụ, vừa có tính lịch sử, kế thừa, nhất là các bộ hợp nhất.

Làm tốt kế hoạch sắp xếp, dân sẽ thêm tin

Tinh gọn bộ máy: khó mấy cũng làm - Ảnh 4.

Người dân đến làm các thủ tục tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh minh họa: TRƯỜNG TRUNG

Ngày 4-12, phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM được trình bày tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: "Hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được ủng hộ cao, TP tận dụng thời gian để nghiên cứu làm sao tốt hơn kế hoạch này. Tìm mọi cách để bàn làm, không bàn lùi. Làm được điều này dân càng tin Đảng".

Thông cảm với những băn khoăn của đội ngũ nhưng ông Nên chia sẻ: "Chúng ta cần vượt qua những khó khăn vướng mắc, không có chọn lựa nào khác.

Kế hoạch thông suốt, chúng ta hành động làm sao để tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu quả hơn". Theo ông Nên: "Nếu đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích TP, lợi ích nhân dân lên trên, mọi nỗi lo của bản thân sẽ nhẹ nhàng, có thể vượt qua được. Tổng Bí thư đã nói cuộc cách mạng nào cũng có hy sinh".

Người đứng đầu Thành ủy TP cho hay trách nhiệm các cấp lãnh đạo sẽ lo phần chính sách sử dụng cán bộ trong đợt sắp xếp này, cũng như chính sách để hỗ trợ cán bộ không được sử dụng.

Ông ví von chính sách lựa chọn nhân sự sắp tới như ban huấn luyện chọn các cầu thủ, đương nhiên sẽ có các đội hình 1, 2, 3; có người từ vị trí này chuyển sang vị trí khác, vị trí cao xuống vị trí thấp hơn...

"Các cầu thủ ngay từ bây giờ phải lo làm đúng và làm tốt vị trí mình đang làm. Nếu khát khao vào đội hình 1 thì cần nỗ lực, tỏa sáng lên để khi chọn sẽ được chọn vào đội hình 1. Còn nếu không thì vào đội hình 2, đội hình 3 cũng sẽ nỗ lực tiếp tục cống hiến", ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP đề nghị TP sắp tới chăm lo kiện toàn, củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

Thực hiện đồng bộ tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bố trí các chức danh chủ chốt, xây dựng vị trí việc làm công khai minh bạch. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quyết liệt thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào lĩnh vực công; xây dựng cơ chế đột phá để phát hiện, thu hút và trọng dụng người có năng lực nổi trội ngoài Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền của TP dựa trên nguyên tắc trung ương có bộ nào TP.HCM có sở tương ứng.

Dự kiến sau sáp nhập sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM. Theo đó, TP.HCM dự kiến sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông TP.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc. Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; chuyển nhiệm vụ của hai sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

TP cũng dự kiến sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở An toàn thực phẩm để chuyển nhiệm vụ về các sở liên quan. Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP.HCM gồm các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế...

Tinh gọn bộ máy: khó mấy cũng làm - Ảnh 5.Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cán bộ nghĩ đến lợi ích chung sẽ vượt qua nỗi lo tinh gọn bộ máy

Cán bộ nếu đặt lợi ích quốc gia, thành phố và người dân lên trên, mọi nỗi lo đến bản thân sẽ nhẹ nhàng, có thể vượt qua được khi tinh gọn bộ máy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên