06/12/2024 11:58 GMT+7

Tinh gọn bộ máy: Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị

Hôm qua (5-12), Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18, đã ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 1.

Người dân đến làm các thủ tục tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh minh họa: TRƯỜNG TRUNG

Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trung ương yêu cầu các bộ ngành có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng kết và gửi về trước ngày 31-12-2024.

Từ việc Trung ương làm gương, giờ đây ở các địa phương, đặc biệt các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, đang đẩy nhanh việc sắp xếp tinh gon bộ máy theo tinh thần "không thể chậm trễ hơn nữa" của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tôi cũng nghĩ rằng hy sinh không chỉ là mất đi một vị trí hay chức danh, mà là sự chuyển đổi để tạo nên một giá trị mới lớn hơn cho xã hội. Khi mỗi cán bộ đều hiểu, cảm nhận được điều này, sự hy sinh sẽ trở thành một hành động tự nguyện và đầy ý nghĩa, góp phần tạo nên một hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và hiệu quả.

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Tiếng nói của "người trong cuộc"

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 2.

Tôi không có tâm tư hay lo lắng nào lớn khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáp nhập với Ủy ban Xã hội để thành lập ủy ban mới. 

Trái lại, đây là một cơ hội quan trọng để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội và phát triển văn hóa. 

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần hợp tác cao, ủy ban mới sẽ phát huy được thế mạnh của cả hai đơn vị, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tuy nhiên cần có một số lưu ý để quá trình sáp nhập này đạt được mục tiêu đề ra. Trước hết việc sắp xếp lại tổ chức cần được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo sự hài hòa giữa các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đồng thời không làm gián đoạn các nhiệm vụ đang triển khai. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ cấu, chức năng và quyền hạn của ủy ban mới.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các bộ phận và cá nhân cần được chú trọng ngay từ đầu. Các thành viên đến từ hai ủy ban có thể có những cách tiếp cận và phong cách làm việc khác nhau, do đó cần xây dựng sự thống nhất về mục tiêu và phương pháp làm việc để tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Cùng với đó cần chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên trong ủy ban mới, đặc biệt ở những lĩnh vực mới hoặc có tính giao thoa giữa hai ủy ban để đảm bảo ủy ban mới không chỉ duy trì mà còn nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn.

Một trong những định hướng đưa ra với Quốc hội là sẽ không bố trí các chức danh ủy viên thường trực, ủy ban chuyên trách của các ủy ban. Là người trong cuộc, tôi không cảm thấy lo lắng trước định hướng này bởi tôi tin rằng việc thay đổi tổ chức là để phục vụ cho mục tiêu lớn hơn.

Cụ thể là xây dựng một Quốc hội tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tôi thấy đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân, mỗi cán bộ tự đánh giá lại vai trò và giá trị của mình trong việc đóng góp cho sự nghiệp chung. 

Tuy vậy cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và hợp lý để giúp các cán bộ chịu tác động có thể tái định hướng công việc, nâng cao năng lực. Sự đồng cảm, chia sẻ và ghi nhận những đóng góp của họ cũng là điều không thể thiếu.

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Ông NGUYỄN ĐÔNG TÙNG (chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM):

Giải bài toán ít người, nhiều việc

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 4.

Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì khối lượng công việc sẽ tăng lên nhưng người ít đi nên buộc phải cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh. 

Thủ tục hành chính không gọn lại thì không có bộ máy nào làm việc hiệu quả được. Tinh gọn, sắp xếp phải đi đôi với hiệu quả.

Trong đó, phải ứng dụng công nghệ thông tin nhưng quan trọng là phải có nguồn lực. Nếu đầu tư công nghệ thông tin như hiện nay chưa tương xứng, chưa có sự đồng bộ giữa sở, ngành, quận, huyện với TP sẽ không hiệu quả và dần tạo ra sự lãnh phí. 

Theo yêu cầu, các quận trước tháng 1-2025 phải công bố phương án sắp xếp, chúng tôi mong muốn sớm có phương án hướng dẫn cụ thể, cần có chỉ đạo sớm để tính toán nguồn cán bộ, làm công tác tư tưởng cho anh em.

PGS.TS LÊ QUỐC LÝ (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Tên bộ mới nên ngắn gọn, không quá dài dòng

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 5.

Theo thông tin công bố trên báo chí, dự kiến sẽ hợp nhất 10 bộ, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Hạ tầng và Đô thị...

Tôi cho rằng những tên sau hợp nhất được đề xuất này cơ bản phù hợp. Tuy nhiên tên mới nên ngắn gọn và dù có kế thừa nhưng cố gắng không nên đưa nguyên tên cũ hay tất cả công việc của các bộ hợp vào khiến cho tên quá dài dòng. 

Nên chọn một tên khái quát nhất chức năng, nhiệm vụ của bộ để đưa vào hoặc đưa ra những tên mới nhằm thể hiện cho định hướng phát triển mới.

Cùng với tên gọi, việc quan trọng khi hợp nhất như chính kết luận của Trung ương và Tổng Bí thư đã nêu là phải tinh gọn, giảm các đầu mối bên trong, loại bỏ các tổng cục không cần thiết. Bởi các tổng cục như "bộ con trong bộ", làm tăng cấp trung gian quản lý. Đồng thời phải đơn giản hóa các cục, vụ chuyên môn bằng cách tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương.

Chẳng hạn với Cục Quản lý đường bộ ở bộ khi hợp nhất chỉ nên đưa ra cơ chế chính sách, còn việc quản lý với đường qua địa phương nào thì giao cho địa phương đó quản lý. Thêm vào đó dứt khoát phải bỏ được song trùng bộ máy khi hợp nhất và phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, đơn vị.

Với địa phương cũng vậy, khi Trung ương tiến hành hợp nhất, kết thúc hoạt động các cơ quan, bộ, ngành thì phải thực hiện tương tự như vậy. Thêm vào đó, nên nghiên cứu tiếp tục xem có thể tinh gọn hơn được nữa không. Dứt khoát tránh câu chuyện lại "đẻ" thêm ra đơn vị này đơn vị kia hay xin cơ chế đặc thù để giữ đơn vị này giữ đơn vị kia, làm cho việc tinh gọn chưa đạt được hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) NGUYỄN VĂN HỒNG:

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 2.

Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ

Quan trọng nhất trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy là phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ.

Thời điểm này các cấp cũng chuẩn bị cho công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp vào năm sau. Vì vậy làm tốt khâu này cũng sẽ giúp ổn định tâm tư, tình cảm cán bộ.

Vũng Tàu: Dừng thi tuyển với cơ quan dự kiến sáp nhập

Tại kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) vào ngày 5-12, ông Lưu Tài Đoàn, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo tạm ngưng việc thi tuyển, tuyển dụng công chức, xem xét đề đạt và bổ nhiệm đối với các cơ quan dự kiến sáp nhập.

Cùng ngày, Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh cũng ra thông báo dừng thi tuyển công chức đợt 1-2025. Ở khối các ban, cơ quan thuộc Tỉnh ủy cũng dừng tuyển dụng nhân sự. Số người dự kiến tuyển dụng công chức của cả tỉnh trong đợt 1-2025 là gần 150 người.

Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết Ban Chỉ đạo nghị quyết 18 của tỉnh đã họp và dự kiến cuối tuần sau sẽ công bố phương án sáp nhập, tinh gọn bộ máy.

Đà Nẵng: Sáp nhập nhiều hội

Phương án sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Đà Nẵng dự kiến hợp nhất 10 sở và chấm dứt hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài việc giải thể và hợp nhất một số ban, Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng đề xuất vận động sáp nhập nhiều hội.

Một cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đã nghỉ hưu nhìn nhận việc đưa ra phương án sắp xếp, sáp nhập từ 32 hội thu gọn còn 13 hội đều có tính tương đồng, liên quan mật thiết để phù hợp tập hợp các thành phần tham gia, có sự giao thoa về tôn chỉ mục đích nhằm thuận lợi trong việc tập trung nguồn lực với các đối tượng cần giúp đỡ.

Các hội sẽ do đơn vị nào chủ trì quản lý lĩnh vực hoạt động phải tương đồng với các sở dự kiến sẽ sắp xếp, sáp nhập.

Cơ hội rà soát toàn bộ nền hành chính, hệ thống tổ chức

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại TP.HCM - Ảnh minh họa: HỮU HẠNH

TS Thái Thị Tuyết Dung, phó trưởng ban phụ trách Ban thanh tra - pháp chế Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng tình với chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy cả trung ương lẫn địa phương bởi thực tiễn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Tuy vậy, theo bà: "Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong bối cảnh hiện nay là phương trình khó, quá nhiều nghiệm cần giải một cách khéo léo. Khi làm quyết liệt, đội ngũ dôi dư sẽ nhiều, nên cần nghiên cứu chính sách, dành khoản ngân sách hợp lý để hỗ trợ tương xứng cho người dôi dư nhằm đảm bảo ổn định đời sống, có thời gian chuyển đổi công việc".

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 8.

TS Thái Thị Tuyết Dung

* Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy là hướng đến tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thật sự xứng đáng, và không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Bà đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Tôi rất đồng tình quan điểm này. Công chức ở nước ta có đặc thù không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà còn tổ chức chính trị, chính trị xã hội. Bản thân họ chưa hẳn yếu kém nhưng do đặc thù chức năng nhiệm vụ của nhiều đơn vị chồng lấn, trùng lắp, mức lương không cao, cũng như những hạn chế từ mô hình công vụ (chức nghiệp) nên đội ngũ công chức đông nhưng không tinh, thậm chí có những người chưa đạt yêu cầu công việc.

Hơn nữa hiện tại chưa có cơ chế để phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, viên chức nên sức ỳ rất lớn.

* Vậy cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã và đang làm có giải quyết được hạn chế nêu trên không, thưa bà?

- Chủ trương sắp xếp, sáp nhập và tinh gọn toàn hệ thống chính trị không chỉ trung ương mà còn ở địa phương là cần thiết. Đây là cơ hội chúng ta rà soát toàn bộ nền hành chính, và hệ thống các tổ chức khác. Các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức mà chồng lấn thì phải hợp nhất.

Khi đó, đội ngũ nhân sự và chi phí hành chính sẽ giảm, từ đó sẽ có ngân sách để tăng lương và như vậy mới tuyển được người phù hợp hơn. Khi thực hiện việc thay đổi, tinh gọn và tối ưu hóa bộ máy sẽ là bước tiền đề quan trọng tạo sự thay đổi mô hình tổ chức trong hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên bản chất của nền hành chính là ổn định, khi thay đổi cũng nên từ từ, cuốn chiếu. Cần có kế hoạch chi tiết để chuẩn bị, cũng như ổn định tâm lý của đội ngũ công chức đang thi hành công vụ. Nếu thay đổi ồ ạt thì nền công vụ bị xáo trộn, công chức chưa thích ứng được các nhiệm vụ ngay nên có khả năng nhiều sai sót trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.

TUỔI TRẺ

Dứt khoát tránh 'đẻ' ra thêm đơn vị - Ảnh 9.Tinh gọn bộ máy: Cần bắt đầu từ cải tiến cơ chế làm việc

Bộ máy cơ quan nhà nước cần "tinh, gọn, mạnh" để đảm bảo mang lại "hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" là một tất yếu lịch sử. Nhiều quốc gia đã và đang tiến hành, nên nước ta cũng không ngoại lệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên