04/12/2024 09:42 GMT+7

Tinh gọn bộ máy: Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém

"Đến nay việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa thực hiện được hiệu quả như mong muốn của nhân dân".

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 1.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên hôm 2-12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra thực trạng bất hợp lý của bộ máy nhà nước, đó là không ít người yếu kém lựa chọn cơ quan nhà nước làm việc để mong muốn biến đây thành "vùng trú an toàn", từ đó làm bộ máy yếu kém, nảy sinh tiêu cực.

Nhận xét này của Tổng Bí thư được dư luận đặc biệt quan tâm và đồng tình. Trước thực trạng này, làm cách nào để chấm dứt "vùng trú an toàn" đó trong bộ máy nhà nước.

Cản trở sự phát triển của xã hội, đất nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng vấn đề Tổng Bí thư nêu ra hoàn toàn đúng: có một bộ phận cán bộ dù chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu hay không làm, thậm chí không chịu làm, nhưng lại cứ "ỷ thế", không chịu "đứng sang một bên".

Điều này dẫn đến đội ngũ cán bộ dù đông nhưng không mạnh và gây khó, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của xã hội, đất nước.

Để không còn "vùng trú an toàn", theo ông Túc, mấu chốt nhất phải thay đổi cách tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá đối với cán bộ công chức. Trong đó phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ.

Với những cán bộ, bộ phận, đơn vị có tiếp xúc trực tiếp với người dân thì phải có tiêu chí đánh giá, nhận xét của người dân.

"Thời gian qua việc đánh giá từ người dân có làm ở một số nơi nhưng cần mở rộng hơn. Bên cạnh nhận xét và đánh giá của cấp ủy, người đứng đầu thì phải coi đánh giá của người dân là tiêu chí rất quan trọng. Khi đó chắc chắn sẽ tìm ra những ai làm tốt, những ai yếu kém để đưa ra khỏi bộ máy", ông Túc nêu.

Cùng với đó, theo ông Túc, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tinh thần một cơ quan đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng mỗi việc cần có một cơ quan giải quyết, chịu trách nhiệm đến cùng.

Do vậy cần phải thay đổi tư duy từ quản lý theo cách bổ đầu biên chế cho cơ quan đơn vị sang thực hiện chủ trương "vì việc tìm người", tức từ cơ sở công việc đề ra, thì sẽ lựa chọn cán bộ phù hợp với công việc đó để bố trí.

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 2.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp - Ảnh minh họa: ĐẶNG TUYẾT

"Đại phẫu" cắt bỏ những bộ phận dư thừa, u nhọt của cơ thể

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng cuộc "đại phẫu" này phải quyết tâm làm, nếu không làm sẽ ảnh hưởng tới một loạt vấn đề như an sinh xã hội, đời sống của cán bộ công chức viên chức, ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa thực hiện được hiệu quả như mong muốn của nhân dân.

Trong đó có nguyên nhân từ việc một số nơi vẫn ngại việc sáp nhập, tinh giản biên chế bởi điều đó đồng nghĩa với mất ghế, mất chức, đụng chạm đến lợi ích cá nhân và thậm chí là lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, từ sự nể nang theo kiểu "con ông, cháu tôi" đã dẫn đến câu chuyện không ít cán bộ công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" nhưng năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì biết tinh giản ai.

Ông Chức nhìn nhận việc sắp xếp, tinh giản biên chế này là việc khó, phức tạp, nhạy cảm và việc tìm ra ai là cán bộ yếu kém cần đưa ra khỏi bộ máy cũng không dễ dàng nếu cứ làm theo tư duy, cách quản lý cũ. Từ thực tế đó, ông Chức cho rằng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó cần thay đổi cách quản lý, đánh giá đối với cán bộ, công chức hiện nay một cách khoa học, cụ thể, tránh cào bằng. Hiện Bộ Nội vụ đang được giao xây dựng cho được vị trí việc làm của từng vị trí cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Ngoài chuyện đánh giá của cơ quan thì phải phát huy vai trò giám sát cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và người dân. Bởi không có cán bộ nào không sống ở cơ sở và dù có làm cán bộ to đến mấy cũng phải sống ở phường xã, thôn xóm. Do vậy, phải lắng nghe các ý kiến đánh giá này.

Cũng theo ông Chức, chỉ khi nào vượt qua được câu chuyện danh lợi thì khi đó mới tinh gọn được bộ máy.

Do đó cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, đề cao tinh thần của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân của mình để tự nguyện, tự giác nhường "ghế" cho đồng chí mình. Thậm chí sẵn sàng nghỉ hưu trước vài năm để tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội được phấn đấu.

Tuy nhiên để làm được việc này cần có các cơ chế, chính sách, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Đồng thời phải làm sao xây dựng đội ngũ cán bộ ở lại trong bộ máy thực sự tinh - mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 3.

Tổng hợp: T.CHUNG - Đồ họa: T.ĐẠT

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Bất thường: không làm gì vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tổng Bí thư nêu việc không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém là hoàn toàn có lý nếu nhìn chi tiết vào thực tế. Họ "ẩn náu" không làm gì nhưng vẫn hưởng lương hằng tháng từ tiền thuế của người dân.

Họ làm việc khi có lợi ích cá nhân, cố tình trì hoãn công việc, đổ lỗi cho thể chế, viện cớ sợ trách nhiệm để né tránh. Thậm chí dù "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" nhưng có người vẫn được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ sự dĩ hòa vi quý, nể nang, ngại va chạm của các cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước với những người này.

Bởi những người này có thể là "con ông nọ, cháu bà kia" hay ai đó gửi gắm, giới thiệu về cơ quan, đơn vị, tổ chức để làm nên không ai dám nhận xét là cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

Do vậy khi đã phát hiện ra thực trạng này thì chúng ta phải có biện pháp cương quyết xử lý triệt để, nhất là khi Trung ương Đảng và Tổng Bí thư đã nêu rõ quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó thời gian qua việc tinh giản biên chế dù đạt được chỉ tiêu 10% nhưng thực tế đang xảy ra tình trạng giảm cơ học, cào bằng giữa các cơ quan.

Ở bộ, ngành, đơn vị có nơi có vài trăm người, cả ngàn người thì tinh giản 10% tôi nghĩ không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ, ngành đó.

Còn đối với cấp tỉnh và cấp huyện, tinh giản chỉ 5 - 7 người đã gây khó khăn trong hoạt động, không đủ nhân lực thực thi công vụ. Do vậy tinh giản biên chế cần gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ Trung ương là cần thiết.

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 4.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai - Ảnh minh họa: A LỘC

Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM:

Giảm biên chế để giảm người sách nhiễu

Một bộ trưởng từng nói với tôi rằng bộ của họ nếu giảm 30 - 40% biên chế thì cũng không hề hấn gì. Đó là một thực tế mà chúng ta phải khơi dậy tinh thần tự giác và tinh thần phải có trách nhiệm chung để giải quyết vấn đề này.

Trong việc này, có hai cách hiểu. Đầu tiên là có một bộ phận biên chế năng lực yếu, không làm được việc, những người này có hay không trong cơ quan cũng không ảnh hưởng gì.

Chính những cán bộ không làm được việc, năng lực yếu kém sẽ gây ra tình trạng phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí còn vẽ ra những thủ tục không đáng có để nhũng nhiễu.

Nếu giảm biên chế sẽ có hai tác dụng là giảm được người sách nhiễu, đồng thời tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.

Cách hiểu thứ hai là về bộ máy tổ chức, có những đơn vị trực thuộc bộ đó chồng chéo nhiệm vụ với đơn vị khác, việc có đơn vị này cũng được mà không có thì đơn vị khác cũng có thể làm thay.

Nếu sắp xếp tinh gọn, không còn "cục này, vụ kia" như vậy thì người dân và doanh nghiệp sẽ bớt phải đến các cơ quan đó để làm thủ tục. Đó là lợi ích kép của việc tinh gọn bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Ông Trần Việt Trung (cán bộ hưu trí ở TP Thủ Đức, TP.HCM):

Hồi chuông cảnh tỉnh

Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm "không để cơ quan nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém" không chỉ đúng đắn mà còn vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Quan điểm này như một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc mỗi cán bộ phải tự nhìn lại năng lực và đóng góp của mình.

Họ cần trả lời câu hỏi: Mình đã và đang phục vụ được gì, còn thiếu sót điều gì, và liệu có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu mới hay không? Nếu không thể, việc rời vị trí để nhường chỗ cho những người đủ năng lực hơn chính là hành động tự trọng và cần thiết.

Tuy nhiên việc xác định cán bộ yếu kém cần được thực hiện công bằng, minh bạch và dựa trên năng lực thực tiễn, tránh gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt đối với những người có năng lực nhưng sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Đồng thời cần tạo điều kiện cho lớp trẻ tham gia và cống hiến, với tinh thần học hỏi và trách nhiệm cao.

Hơn nữa cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc bổ nhiệm và đánh giá cán bộ. Những hiện tượng "con ông cháu cha", "mua bằng", hoặc "trú ẩn" nhờ quan hệ cần được xử lý dứt điểm.

Bộ máy chỉ thực sự tinh gọn và hiệu quả khi mỗi cán bộ đều làm đúng nhiệm vụ, đóng góp tích cực và sẵn sàng thích ứng với xu thế mới. Đây là cách duy nhất để cơ quan nhà nước thoát khỏi lối mòn và trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước.

Quan điểm này cũng là lời cảnh tỉnh cho thế hệ cán bộ trẻ rằng cơ quan nhà nước không còn là "vùng an toàn" hay nơi để lẩn tránh trách nhiệm. Các bạn trẻ cần ý thức rõ rằng chỉ có năng lực, trách nhiệm và sự tận tụy mới là con đường lâu dài để phục vụ nhân dân và đất nước.

Tinh gọn và nâng tầm công chức ở Singapore, Nhật Bản

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 4.

Sử dụng kính thực tế ảo (VR) trong đào tạo tại Trường cao đẳng Công chức Singapore - Ảnh: Chính phủ Singapore

Singapore - một trong những quốc gia có bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới do Ngân hàng Thế giới đánh giá - đã xây dựng một hệ thống bộ máy nhà nước mạnh mẽ và hiệu quả nhờ vào những cải cách và chiến lược cụ thể, tập trung vào việc phát triển lãnh đạo, đào tạo chuyên môn và đổi mới sáng tạo.

Singapore đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng số cho công chức, giúp họ làm quen với các công nghệ mới.

Học viện Kỹ thuật số (Digital Academy) là một ví dụ điển hình khi đây là nơi công chức có thể học về khoa học dữ liệu, an ninh mạng và chuyển đổi số.

Chương trình này giúp công chức Singapore phát triển khả năng làm việc trong môi trường kỹ thuật số và cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Singapore cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước. Ứng dụng LifeSG là kết quả của việc nhiều cơ quan nhà nước phối hợp, từ Cơ quan phát triển trẻ em (ECDA), Bộ Giáo dục (MOE) đến Bộ Y tế (MOH).

LifeSG cho phép cha mẹ thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến, bao gồm cả việc xin trợ cấp sinh con và mở tài khoản tiết kiệm giáo dục cho trẻ. Ngoài khai sinh, ứng dụng còn cung cấp thông tin và dịch vụ về giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Nhật Bản đã cải cách hành chính toàn diện nhằm nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước, với điểm nhấn quan trọng là cải cách được tiến hành vào năm 2001.

Họ đã giảm số lượng bộ ngành từ 128 cục xuống còn khoảng 90, giúp loại bỏ sự chồng chéo chức năng và tăng cường hiệu quả phối hợp.

Việc giảm số lượng bộ ngành không đơn thuần là cắt giảm cơ học mà được thiết kế để nâng cao trách nhiệm chính trị và hiệu quả hoạt động.

Từ những năm 1980, Nhật Bản đã đẩy mạnh phân quyền, cho phép chính quyền địa phương tự quản lý một số nhiệm vụ từ tài chính đến cung cấp dịch vụ công. Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho trung ương mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả ở cấp địa phương.

Việc Nhật Bản áp dụng hệ thống đánh giá dựa trên thành tích trong công chức cũng là một phần quan trọng trong cải cách hành chính của nước này, đặc biệt là sau những vụ bê bối tham nhũng và thất bại trong quản lý.

Trước đây, hệ thống đánh giá chủ yếu dựa trên thâm niên, cải cách từ năm 2001 đã chuyển sang hệ thống đánh giá năng lực và thành tích để nâng cao tính minh bạch.

Các sáng kiến như quan hệ đối tác công - tư và phân quyền hành chính đã được triển khai để thúc đẩy sáng tạo và tính tự chủ ở cấp địa phương. Những cải cách này không chỉ làm gọn bộ máy mà còn nâng cao hiệu suất hoạt động và củng cố lòng tin của người dân vào chính phủ.

Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.

TUỔI TRẺ

Để không còn 'vùng trú an toàn' của cán bộ yếu kém - Ảnh 6.Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên