Tiết dạy tích hợp liên môn sử - địa ở Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.HG.
Quyết định tinh giản chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT là một giải pháp tình thế khi học sinh phải nghỉ học dài ngày vì COVID-19. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những ưu điểm của lần tinh giản này hoàn toàn có thể duy trì và thực hiện ở các năm tiếp theo, tạo đà để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tiệm cận dần với chương trình mới.
"Mùa dịch năm nay được xem như một khoảng lặng để giáo viên chúng tôi nhìn lại mình. Và quyết định tinh giản chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT như một cú hích để giáo viên thay đổi".
Đó là tâm sự của thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM.
Dạy theo chuyên đề, tăng năng lực tự học
Một trong những hướng thực hiện "giảm tải" được Bộ GD-ĐT đưa ra là dạy theo chuyên đề và khuyến khích học sinh tự học. Một số trường phổ thông thực hiện tốt "chương trình nhà trường" và linh hoạt triển khai dạy học theo công văn 4612 của Bộ GD-ĐT cũng đã quen với việc này. Nhưng ở hầu hết các trường, nhất là khối công lập, việc này vẫn rất mới mẻ.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du nhận xét: “Việc dạy học theo chủ đề, chuyên đề, dạy học tích hợp liên môn là xu hướng phát triển của giáo dục thế giới hiện nay. Thật ra, phương pháp dạy học này không mới, nó đã được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tập huấn cho gíao viên cách đây nhiều năm. Sau tập huấn, Sở yêu cầu mỗi đơn vị xây dựng tối thiểu 1 chủ đề/học kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, có trường thực hiện rất tốt và ngược lại".
Bên cạnh đó, việc chuyển một phần đáng kể nội dung chương trình sang phần "tự học có hướng dẫn" (THCS, THPT), "tự học có sự hỗ trợ của phụ huynh" (tiểu học) là "giải pháp tình thế của Bộ GD-DT. Nhưng nếu thực hiện tốt thì đây rõ ràng là một cơ hội tốt.
Theo phân tích của cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên vật lý của hệ thống giáo dục Học mãi (Hà Nội), thì ở môn vật lý có lớp giảm đến 40% so với phân phối chương trình hiện hành. Cụ thể như ở môn vật lý lớp 6, nội dung học kỳ 2 giảm từ 15 bài còn 9 bài. Tương tự, vật lý lớp 7 giảm 50% nội dung học kỳ 2, từ 14 bài còn 7 bài. Lớp 8 giảm 38,46%, từ 13 bài còn 8 bài và lớp 9 giảm 41,67%, từ 24 bài còn 14 bài.
Giảm sâu như vậy nhưng theo cô Mai không ảnh hưởng nhiều đến chuẩn kiến thức kỹ năng học sinh cần đạt ở môn học cũng như nền tảng kiến thức để học sinh học lên các lớp trên.
Đáng chú ý là một phần lớn nội dung điều chỉnh, giảm tải được chuyển sang phần tự học có hướng dẫn, các nội dung cho thực hành, thí nghiệm, luyện tập không dạy mà khuyến khích học sinh tự nghiên cứu tài liệu, quan sát video mô phỏng thí nghiệm.
"Để vận dụng được tối đa kiến thức đã học vào giải các bài tập và thông hiểu, học sinh cần phát huy tối đa năng lực tự học của mình, chủ động trong việc tự học, tự đọc, nghiên cứu các mô phỏng thí nghiệm" - cô Nguyễn Thị Mai cho biết.
Điều này cho thấy việc tăng cường khả năng tự học của học sinh là cần thiết và để đạt được chất lượng dạy học tốt theo hướng này, giáo viên không phải chỉ hoàn thành tốt bài dạy trên lớp (hoặc qua Internet, truyền hình) mà phải bổ sung vào "sổ tay nghiệp vụ sư phạm" của mình việc hướng dẫn học sinh tự học, kiểm soát học sinh tự học bằng nhiều hình thức.
Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện dạy theo chủ đề, dạy tích hợp liên môn đã 6 năm nay. Đầu tiên là từ sự ép buộc "phải làm" của ban giám hiệu nhà trường vì đây là tiêu chí được đưa vào để đánh giá thi đua, thu nhập. Sau đó, khi đã làm và nhận thấy những kết quả tích cực từ học sinh thì giáo viên tự thấy phải thay đổi, không cần ép buộc nữa.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
Bước qua rào cản
"Trước đây, giáo viên nào thích thì dạy học tích hợp, không thích thì thôi. Bây giờ tinh giản chương trình bắt buộc giáo viên phải dạy tích hợp mới thấy có nhiều rào cản" - một hiệu trưởng trường THCS ở TP.HCM chia sẻ.
Theo vị này, ngay cả việc dạy học theo chủ đề cũng không phải đơn giản. Cả tổ bộ môn phải thảo luận rồi thống nhất sẽ dạy theo phương pháp nào, nội dung cốt lõi là gì… Tức là toàn trường cần phải có giáo án chung cho mỗi chủ đề. Từ đó, giáo viên sẽ chọn cách chuyển tải sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp.
Dạy học theo chủ đề phải triển khai cho toàn khối, nhưng nếu các tổ bộ môn không thống nhất với nhau, cá nhân giáo viên cho rằng giáo án của mình là tốt nhất rồi thì không thể triển khai được. Dạy học tích hợp liên môn cũng vậy, giáo viên môn này không "ưa" giáo viên môn kia thì khó mà ngồi lại với nhau để xây dựng bài dạy.
Thầy Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng muốn nắm lấy cơ hội để thực hiện đổi mới dạy học, giáo viên phải bắt đầu bằng cách thức xây dựng chương trình học, cách thức phát triển chương trình nhà trường, cách thức truyền tải kiến thức bằng nhiều hình thức và kiểm tra đánh giá.
Còn nhiệm vụ của cán bộ quản lý là phải nghĩ được cách "giải phóng" cho giáo viên khỏi những ràng buộc hành chính, tạo cho họ có đủ khung pháp lý tự do sáng tạo, thay đổi cách đánh giá, trong đó chú ý đến những phản hồi từ học sinh, đồng nghiệp, nhà quản lý. Đảm bảo nhà trường là nơi để quyền tự do về học thuật, về con người được thể hiện tốt nhất so với mọi không gian khác.
Bài học lớn
Một hoạt cảnh trong tiết dạy tích hợp liên môn sử - địa ở Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.HG.
Dịch bệnh khiến các nhà trường đang phải trải qua giai đoạn khó khăn. Việc thực hiện tinh giản chương trình là giải pháp tạm thời nhưng từ đây cũng rút ra được bài học tốt để tiếp tục duy trì khi triển khai việc dạy học trong các nhà trường phổ thông.
Những yêu cầu tinh giản chương trình như xây dựng các tiết học đơn lẻ thành chủ đề, dạy học tích hợp liên môn, các yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu bài học tại nhà… đều nhằm phát triển các năng lực phẩm chất, tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đây các nhà trường chủ yếu dựa vào việc dạy học trên lớp. Những nơi có ứng dụng công nghệ thông tin cũng chủ yếu có tính chất hỗ trợ các bài học trên lớp. Đây là lần đầu tiên các nhà trường dạy học qua Internet và truyền hình để thay thế một phần dạy học trực tiếp.
Kết quả triển khai, những ưu điểm cần phát huy, những nhược điểm phải điều chỉnh dần sẽ là cơ sở thực tiễn để hoàn thiện một phương thức dạy học mới đảm bảo chất lượng, sẵn sàng ứng biến với các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Về lâu dài, việc kết hợp nhiều hình thức dạy học sẽ giúp các nhà trường, thầy cô giáo có thêm thời gian để tổ chức cho học sinh luyện tập, trải nghiệm, thực hành, thí nghiệm. Đặc biệt là giúp học sinh tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, tận dụng các hình thức khác nhau để làm việc nhóm, thảo luận, tăng tính tương tác trong dạy học.
Ông Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)
Đã có tiền lệ
Ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho biết phần lớn nội dung giảm tải ở tiểu học đã được triển khai từ trước tại nhiều nhà trường. Đặc biệt là các trường từng triển khai những mô hình, phương pháp dạy học tích cực như mô hình trường học mới (VNEN), phương pháp dạy học tích cực của Đan Mạch trong môn mỹ thuật, phương pháp bàn tay nặn bột…
Vai trò "hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu, tự làm" của giáo viên được đề cao ở các phương pháp, mô hình dạy học này. Bên cạnh đó là việc "kéo phụ huynh vào cùng giáo dục con". Cách triển khai này sẽ được áp dụng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận