Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính trao đổi với trợ lý Chủ tịch Quốc hội bên hành lang Phòng họp Diên Hồng - Ảnh: LÊ KIÊN
Sáng 25-12, Ban Tổ chức trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước, dưới sự chủ trì của trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính.
Tại đầu cầu Hà Nội (Hội trường Bộ Quốc phòng), có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình...
Phê duyệt quy hoạch 184 cán bộ cấp chiến lược
Trình bày báo cáo tổng kết, phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết trong năm 2019 đã phê duyệt quy hoạch đối với hàng chục ngàn cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý, được dư luận đánh giá tốt.
"Trong đó có 560 lượt cán bộ các chức danh thuộc diện trung ương quản lý và trình xin ý kiến trung ương để Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch chiến lược với 184 người" - ông Bình nói.
Ban cũng đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu Bộ Chính trị bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành trung ương và xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngành tổ chức cũng chú trọng thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng với quan điểm kết hợp "xây" và "chống", lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách.
Cùng với đề cao trách nhiệm nêu gương, việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong.
Báo cáo khẳng định năm 2020 tiếp tục rà soát quy hoạch cấp ủy các cấp, chủ động tham mưu, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ gắn với công tác nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 để lựa chọn cán bộ thực sự tiêu biểu, có đức, có tài tham gia cấp ủy, chính quyền.
Giảm hơn 1,5 vạn cấp trưởng, cấp phó
Trong số những kết quả nổi bật, đáng chú ý là việc các tỉnh, thành đã xây dựng đề án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản biên chế, tổ chức, đơn vị hành chính.
Báo cáo của Ban Tổ chức trung ương cho biết trước mắt sẽ giảm 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã. Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ… đã tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã và thôn, bản, ấp, tổ dân phố đạt nhiều kết quả.
Qua 2 năm thực hiện nghị quyết 18 của trung ương, toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc trung ương, 100 đầu mối thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện, hơn 2.600 phòng và tương đương, hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập…, giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó.
So với thời điểm tháng 4-2015 đã giảm 6,58% số biên chế, với số lượng cụ thể là 236.000 người.
"Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm được khoảng 10.000 tỉ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiết kiệm chi thường xuyên" - báo cáo nêu.
Một trong những nhiệm vụ được Ban Tổ chức trung ương nhấn mạnh là tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tích cực rà soát chức năng, nhiệm vụ để tránh trùng lắp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần "một việc chỉ có một cơ quan, một người làm nhưng một cơ quan, một người có thể làm nhiều việc".
Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm vào năm 2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận