Từ trái qua: GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, Nguyễn Trung Thông và Trương Trọng Nghĩa |
* GS.TS Nguyễn Hữu Khiển (ủy viên hội đồng khoa học thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước Bộ Nội vụ):
Không đơn giản là cỗ xe đông người nên đuổi bớt
Nhiều nước cắt giảm nhân sự Đến cuối năm 2013, số nhân viên chính phủ của Hi Lạp giảm mạnh từ 913.000 của năm 2009 xuống còn khoảng 681.000 người. Đầu năm ngoái, chính phủ thông qua quyết định cắt giảm thêm 15.000 nhân viên trước cuối năm 2014. Những nhân viên vi phạm kỷ luật là mục tiêu chính của việc sa thải. Trong một số lĩnh vực như y tế, nhiều nhân viên lớn tuổi bị thay thế bởi các nhân viên trẻ hơn. Cũng trong năm 2013, thủ tướng Bồ Đào Nha công bố kế hoạch cắt giảm đến 30.000 nhân viên nhằm tiết kiệm ngân sách. Để đạt được mục tiêu cắt giảm, chính phủ thương lượng nghỉ hưu sớm cho hàng loạt nhân viên. Trong khi đó chương trình cắt giảm 14.000 công chức của Chính phủ Úc nhắm vào các vị trí nhân viên thời vụ, tạm thời. Theo đó, những nhân viên này sẽ không được ký tiếp hợp đồng hoặc bị sa thải. TRẦN PHƯƠNG |
Cần thấy tinh giản biên chế không đơn thuần là cho nghỉ việc một số lượng cán bộ, công chức nào đó. Tinh giản biên chế phải góp phần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, giải quyết chế độ đối với những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy...
Theo đó, có biên chế “trống” để tuyển dụng những người trẻ, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức, có trình độ đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác. Nghĩa là không thể làm tinh giản biên chế bằng những phản ứng chính sách nhất thời, kiểu như xe khách lẽ ra chỉ chở được 50 người nhưng hành khách lên đến 80 người nên tài xế nói “thôi các bác thông cảm xuống bớt 30 người”.
Trước hết từng cơ quan, đơn vị phải xác định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì họ cần bao nhiêu người. Tất nhiên đơn vị nào cũng muốn thêm nhiều biên chế, nhưng ở đây phải qua sự giám sát của Quốc hội, của dư luận và của ngành nội vụ. Bộ Nội vụ với chức năng của mình cần tham mưu, đề xuất Chính phủ trong vấn đề này, không để cho các bộ ngành và địa phương tăng biên chế không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước.
Lâu nay bất cứ công chức nào được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước đều có lý do chính đáng, khi mới tuyển cơ quan phải tuyên bố về mục đích và sự cần thiết. Vì vậy nay nếu muốn cho ai đó nghỉ việc sẽ gặp phản lực, họ sẽ hỏi “vì sao lại đuổi tôi ra?”. Chỉ có thể dựa trên danh mục vị trí việc làm, dựa trên phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức một cách khoa học, chính xác và minh bạch mới triển khai được việc tinh giản biên chế một cách thuyết phục, đồng thời tránh được những tiêu cực có thể phát sinh từ tình trạng nể nang, phe cánh, “con ông cháu cha” khi xác định ai trong diện phải sắp xếp giảm biên chế, ai là người sẽ giữ lại trong cơ cấu của đơn vị.
Về lâu dài, chìa khóa của tinh giản biên chế là thiết lập một bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ và có chất lượng, theo hướng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Tôi đồng ý với quan điểm của các chuyên gia khác rằng tư duy cũ về “quản lý nhà nước”, về sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cần được thay đổi và dành một vị trí xứng đáng cho sự điều tiết của cộng đồng, của các quy luật kinh tế, của thị trường. Chẳng hạn như không nên lẫn lộn chức năng quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công.
Tại sao lại có trường trong bộ, bộ không có chức năng đào tạo, bộ chỉ có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao. Vậy mà Bộ Công thương có trên dưới hàng chục trung tâm đào tạo và trường học các cấp từ trường dạy nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng đến đại học. Cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa, nhất là hai lĩnh vực giáo dục, y tế. Cái gì dân làm được thì để cho dân làm, Nhà nước chỉ làm những gì dân không làm được và không muốn làm nhưng có giá trị phục vụ xã hội...
* Ông Nguyễn Trung Thông (nguyên phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):
Lãnh đạo kém cũng phải bị tinh giản
Tôi cho rằng dự thảo tờ trình Chính phủ về nghị định chính sách tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ chưa có nhiều đột phá. Về các trường hợp tinh giản biên chế của dự thảo đưa ra tôi thấy phải bổ sung thêm đối tượng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Lãnh đạo nếu không làm được việc phải đưa vào diện tinh giản. Hiện nay dường như hình thành thói quen là chỉ tinh giản “lính” chứ không giảm thủ trưởng. Trong quá trình làm việc tôi thấy có hiện tượng: dù đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ nhưng thủ trưởng đơn vị vẫn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vẫn được cấp trên biểu dương khen thưởng. Cái gì chưa tốt thì đổ cho “lính”, cái nào ưu điểm thì lãnh đạo hưởng. Như vậy là không công bằng.
Một trong các đối tượng đưa vào tinh giản trong dự thảo là “người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”. Cái này rất trừu tượng, khó xác định vì chưa có tiêu chí để xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực. Chưa kể trong các cơ quan hiện nay vẫn còn kiểu xuê xoa, dĩ hòa vi quý. Trong đánh giá cán bộ hay gặp chữ “tuy nhiên”- nghĩa là đem các mặt tốt ra nhận xét, bên cạnh rất nhiều mặt tốt thì “tuy nhiên vẫn còn một số ít khuyết điểm”- và đó thường là những khuyết điểm kiểu ai cũng có thể mắc phải. Cuối cùng thì ai cũng “hoàn thành nhiệm vụ”- huề cả làng.
Chưa rõ Bộ Nội vụ đưa ra mục tiêu tinh giản 100.000 người là căn cứ vào đâu. Nếu chúng ta làm chặt, làm tốt tôi nghĩ có thể tinh giản được nhiều hơn. Nếu tính bình quân lấy 100.000 người chia cho 63 tỉnh thành và mấy chục bộ, ngành trung ương, tính xuống cả những đơn vị nhỏ lẻ ở từng địa phương nữa thì sơ bộ mỗi nơi cũng chỉ giảm được một số rất ít, không thấm vào đâu. Tỉ lệ hưu trí có khi còn vượt cả con số này. Chưa nói lộ trình tinh giản này kéo dài đến sáu năm thì hiệu quả và chuyển biến vẫn còn rất chậm. Để chủ trương tinh giản thật sự có hiệu quả và khả thi thì phải có chế tài nghiêm, có lực lượng thứ ba độc lập để giám sát.
* Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:
Phải đảm bảo lợi ích cho người giỏi
Một khi tinh giản biên chế thì đụng tới quyền lợi nhiều phía. Đầu tiên là người dân - đối tượng phục vụ của bộ máy công quyền - cũng có thể bị ảnh hưởng nếu các cơ quan viện cớ tinh giản khiến không đủ nhân sự phục vụ dân. Cho nên yêu cầu trước hết của tinh giản là phải đảm bảo chất lượng công việc, chất lượng phục vụ từ bằng đến cao hơn so với trước khi tinh giản.
Thứ hai phải đảm bảo tinh giản đúng người, đúng chỗ: nghĩa là sắp xếp lại nhân sự theo hướng hợp lý hơn, người nào có trình độ mà bị phân công nhiệm vụ chưa phù hợp thì phải bố trí lại công việc. Người không đủ năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Thứ ba: tinh giản phải đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân sự trong bộ máy. Thông thường chỉ những người năng lực kém mới cố gắng bám trụ bộ máy bằng mọi cách. Một khi đã tinh lọc được người có năng lực để chọn giữ lại rồi thì phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để họ chuyên tâm tiếp tục công tác. Nếu giải quyết được bài toán về lợi ích thì người giỏi, người có tâm huyết mới ở lại, còn không họ cũng ra đi.
4 năm tăng thêm hơn 56.000 người Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ năm 2007-2011 đã tinh giản biên chế được 67.449 người. Bộ Nội vụ đề xuất mục tiêu từ năm 2014-2020 tinh giản biên chế 100.000 người, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Tổng kinh phí tinh giản biên chế từ năm 2007-2011 là gần 3.200 tỉ đồng. Bộ Nội vụ đề xuất tổng kinh phí tinh giản biên chế từ 2014-2020 là 8.000 tỉ đồng. Sau bốn năm thực hiện nghị định 132 về tinh giản biên chế (từ năm 2007-2011), tính đến năm 2012 tổng số biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm viên chức và biên chế Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận