Trần Lâm và dự án tinh chiết vàng lỏng từ hạt mắc ca - Video: CÔNG TRIỆU - MAI HUYỀN - TRINH TRÀ
Con đường này không nhiều người chọn. Vì muốn góp phần nâng tầm nông sản Việt, anh "ôm đồm" luôn việc đồng hành với nông dân tạo ra vùng nông sản hữu cơ, phát triển bền vững.
Làm thuê, làm chủ rồi lại làm thuê
Trong một buổi livestream "Thương mại điện tử - nâng tầm OCOP" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 8-2021, Lâm là một trong bốn khách mời chia sẻ kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ số hóa hiệu quả cùng chị em phụ nữ. Anh đã có quá trình dài trước khi được người ta gọi ví von là "chàng trai vàng của sàn thương mại điện tử".
Lâm vừa tốt nghiệp ngành cơ khí năm 2005, tìm được công việc có thu nhập ổn định. Qua thời gian, từ một nhân viên bảo trì hệ thống máy, anh lên chức trưởng quản lý một xưởng tinh dầu rộng lớn, nắm gần như toàn bộ quy trình vận hành, sản xuất và quản lý cả trăm nhân viên.
"Tôi có dịp đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều người và nhận thấy ở các nước phát triển, sản phẩm thiên nhiên, ứng dụng từ tinh dầu rất phổ biến. Trong khi nông sản Việt thừa sức sản xuất ra các mặt hàng đó, nhưng thường chỉ được bán thô" - anh Lâm nhớ lại.
Mang theo nỗi trăn trở ấy sau mỗi chuyến công tác trở về, rồi một ngày anh quyết định nghỉ làm, "sang ngang" với công việc sản xuất và kinh doanh tinh dầu. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy sau cả chục năm đi làm thuê, Lâm đổ hết vào các vườn trồng nguyên liệu.
Thế mà ngay khi tung sản phẩm ra thị trường, mọi thứ ngược với dự định và kỳ vọng. Sóng gió thị trường dồn dập "vùi" luôn sản phẩm tinh dầu mới với bao tâm huyết, hoài bão của Lâm. Không trụ nổi, anh ngậm ngùi trở lại con đường làm thuê.
Hành trình tinh chế "vàng lỏng"
Không quá khó để Lâm kiếm lại công việc mới với kinh nghiệm hơn 10 năm quản lý, nghiên cứu sản xuất tinh dầu. Nhưng sau một thời gian, anh tiếp tục quay lại khởi nghiệp với dòng sản phẩm tinh dầu xịt phòng.
Lần thất bại xương máu đầu tiên giúp anh chuẩn bị bài bản hơn khi trở lại. Vừa làm vừa nghiên cứu, đến nay anh sở hữu khoảng 150 sản phẩm (nước lau sàn, tinh dầu thơm, tinh dầu đuổi muỗi...) gần như "phủ sóng" khắp các sàn thương mại điện tử.
Trên hành trình tìm kiếm nguyên liệu mới, Lâm nhận ra điểm mạnh của hạt mắc ca vốn là loại nông sản thế mạnh của Tây Nguyễn vẫn được ví von như "vàng lỏng". Anh bắt xe lên Lâm Hà (Lâm Đồng), tìm đến nông trại mắc ca hữu cơ. Đi sâu tìm hiểu, anh biết trước giờ người dân vẫn đau đầu tìm cách xử lý một lượng lớn hạt mắc ca lép, mẻ hoặc trả lại sau thời gian trưng bày đã oxy hóa.
Bài toán đó thôi thúc anh đi sâu nghiên cứu. Mãi đến cuối năm 2020, anh tìm ra công thức tốt nhất cho dòng sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Macaland.
Dù ra mắt chưa lâu thì dịch COVID-19 ập tới, song Lâm tự tin nói mỹ phẩm Macaland là sản phẩm tiên phong ứng dụng dầu mắc ca vào việc bảo vệ, tái tạo và phục hồi hư tổn cho làn da, mái tóc.
Chỉ riêng thương hiệu Macaland, hiện Lâm đang có bộ sưu tập tám dòng mỹ phẩm và đang hoàn thiện, tăng lên con số 12 trong ít tháng tới (dầu gội, dầu dưỡng tóc, tinh chất dưỡng mi...).
Đồng hành với nông dân
Mỗi ngày anh có khoảng 1.000 đơn hàng, cao điểm có ngày nhận gần 5.000 đơn hàng. Doanh thu Natural House ước tính năm sau luôn gấp rưỡi năm trước (năm 2022 đạt 60 tỉ đồng). Riêng thương hiệu Macaland, Lâm kỳ vọng có thể đạt mỗi tháng 10 tỉ đồng, giúp gia tăng 30% giá trị và góp phần tạo lối đi mới cho hạt mắc ca trong nước.
Thành lập Natural House, Lâm nghĩ ngay việc làm sao đồng hành với nông dân. Một danh sách những việc anh ghi chú lại: tạo ra nhiều vị trí việc làm, bao tiêu nông sản, xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, chuẩn organic...
"Tận dụng nguồn nông sản bị bỏ lại và cải thiện môi trường đất, Macaland luôn cố gắng giảm thiểu lượng rác thải trong quá trình sản xuất, cả nguồn nguyên vật liệu thiên nhiên đến bao bì thân thiện môi trường, có khả năng tái sử dụng" - anh Lâm nói.
Mời đặt câu hỏi và đăng ký dự sự kiện
Đã chọn được 22 start-up tiêu biểu cùng một giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023. Các dự án này nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Trong đó, dự án được trao giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Lễ vinh danh các start-up tiêu biểu sẽ diễn ra tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 26-4. Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là diễn giả chính tại sự kiện này.
Ngoài ra còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận