Tầm quan trọng của bình đẳng giới trong nông thôn mới
Tịnh Biên là một thị xã miền núi biên giới, là khu vực có đông dân cư nông thôn, nơi phụ nữ thường đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa lao động sản xuất vừa chăm sóc con cái, gia đình. Tình trạng bất bình đẳng giới và nạn bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra trong cộng đồng.
Vì vậy, hàng năm UBND thị xã chỉ đạo sát sao việc thực hiện công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới nhằm để từng bước thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các hoạt động nâng cao quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này không chỉ nhằm đẩy lùi bất bình đẳng giới, mà còn góp phần quan trọng trong phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng nông thôn mới.
Các cấp, các ngành địa phương nhận thấy bình đẳng giới là yếu tố then chốt để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới thì việc trao quyền cho phụ nữ cũng là giúp họ có cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và nâng cao vai trò trong gia đình.
Khi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận bình đẳng về giáo dục, việc làm và quyền quyết định, họ sẽ trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển toàn diện của địa phương.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Thông qua hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2024, địa phương chú trọng thực hiện bình đẳng giới cũng như phát huy vai trò của nữ giới trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, phụ nữ trên địa bàn thị xã Tịnh Biên được tạo điều kiện tham gia vào các lĩnh vực như chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Kết quả thực hiện cụ thể như: tổ chức 16 buổi tuyên truyền kiến thức bình đẳng giới và phòng chống bạo lực học đường cho các em học sinh tại các trường THCS và THPT trên địa bàn thị xã với gần 9.000 học sinh tham dự; tổ chức 28 lượt truyền thông trực tiếp và phối hợp với đài truyền thanh 14 xã, phường tuyên truyền nhóm kiến thức bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Toàn thị xã có 10 mô hình "Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới", 5 "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng" do Phòng Lao động - Thương binh và xã hội quản lý và 34 địa chỉ tin cậy do Phòng Văn hóa và Thông tin quản lý.
Cả nam và nữ đều được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, được hỗ trợ học nghề nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Nữ giới được tạo điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm, số lượng trẻ em gái, phụ nữ mù chữ được giảm dần.
Đối với các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì cả nam và nữ đều được tiếp cận như nhau.
Những kết quả trên có được là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương vì một xã hội bình đẳng, văn minh và phát triển bền vững. Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tại thị xã Tịnh Biên không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, phụ nữ và trẻ em gái khi được tạo điều kiện và được trao cơ hội sẽ có thể giúp tự bảo vệ được quyền lợi của mình, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Để làm được điều đó cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ động học hỏi trau dồi kiến thức kỹ năng đóng góp sức tài trí cho nước nhà cũng như song hành cùng nam giới hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận