TTCT - Công nghệ tối tân đang làm thay đổi bộ mặt của hoạt động tình báo và gián điệp các nước, nhưng khó có thể thay thế hoàn toàn yếu tố con người. Ảnh: Getty ImagesPhilo xứ Byzantium - một nhà phát minh sống ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên - từng mô tả cách chế tạo mực viết vô hình bằng cách nghiền nát một loại hạt rồi hòa tan với nước, giúp truyền tin mật không bị kẻ thù phát hiện.Trải qua hàng nghìn năm, công nghệ phục vụ mục đích gián điệp và tình báo đã phát triển vượt xa những phản ứng hóa học thường thức. Ngày nay, Internet và vệ tinh cho phép các cơ quan tình báo quốc gia hoạt động bí mật trên quy mô lớn, và mỗi chiếc điện thoại thông minh mà ta mang bên người đều có thể được vũ khí hóa để trở thành công cụ giám sát hữu hiệu.Ngành tình báo thường đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ tân tiến nhất mà thế giới có thể phát minh ra tại một thời điểm. Colossus - chiếc máy tính có thể được lập trình đầu tiên trên thế giới - được tình báo Anh chế tạo để giải mật mã của quân Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tất nhiên, thế giới không được biết đến về sự tồn tại của những công nghệ tối tân này cho đến khi chúng được giải mật nhiều thập kỷ sau và khiến mọi người trầm trồ về mức độ đi trước thời đại của chúng.Năm 2023, Trung tâm truyền thông chính phủ (HMGCC) của Vương quốc Anh - cơ quan nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các thiết bị công nghệ cho tình báo Anh - lần đầu tiên trong 85 năm lịch sử mở cửa cho phép Đài BBC vào tham quan trụ sở chính ở Hanslope Park. Trong bài viết sau chuyến đi, nhà báo Gordon Corera miêu tả những sản phẩm tại đây thoạt nhìn "trông có vẻ như đồ vật hằng ngày", nhưng lại là những đồ chơi công nghệ đóng vai trò là trợ thủ đắc lực cho các điệp viên Anh trong công việc của họ.Để vào được bên trong nhà máy, phóng viên BBC phải đi qua 5 lớp hàng rào kẽm gai và gửi điện thoại bên ngoài, đồng thời có nhân viên an ninh hộ tống trong suốt chuyến tham quan. Ở một số khu vực, khách cũng như nhân viên phải mặc đồ bảo hộ chống tĩnh điện, trong khi một số gian phòng khiến người tham quan choáng ngợp bởi đủ loại thiết bị hiện đại như máy sản xuất bảng mạch điện tử, máy cắt laser và máy in 3D. Nhưng các máy móc này dùng để chế tạo thứ gì là… bí mật quốc gia mà ngay cả Đài BBC cũng không được biết dù đã gặng hỏi.Trong một căn phòng khác dùng để kiểm thử sản phẩm, các thiết bị được đặt ở trong môi trường có nhiệt độ cực lạnh và cực nóng để đảm bảo chúng vẫn có thể truyền nhận tín hiệu trong điều kiện hoạt động khắc nghiệt. Một căn phòng khác có lót mút xung quanh như phòng thu âm là nơi các nhân viên kiểm tra xem tín hiệu mà thiết bị tình báo phát đi có đặc điểm như thế nào. Thông tin này vừa dùng để giúp tìm ra cách ngụy trang chúng, vừa để cải thiện khả năng phát hiện các thiết bị gián điệp của nước khác trong lãnh thổ Anh.Trụ sở HMGCC. Ảnh: AlamyMột trong những lý do khiến HMGCC quyết định mở cửa với truyền thông là vì cơ quan này biết các công nghệ mới mang tính sống còn đối với nhiệm vụ của họ rất có thể đang được phát triển ở những công ty khởi nghiệp nhỏ hoặc trong giới học thuật. Bằng cách cho thế giới biết về mình, HMGCC hy vọng có thể mở ra cơ hội hợp tác với các bên để tận dụng những công nghệ mà ngay cả người phát minh ra chúng có thể cũng chưa hình dung được lợi ích đối với an ninh quốc gia."Ý tưởng là chúng tôi có thể đặt các kỹ sư của mình cùng những ý tưởng tuyệt vời của họ vào cùng một căn phòng với những chuyên gia trong ngành hoặc giới học thuật - BBC dẫn lời ông George Williamson, CEO của HMGCC - Trong khoảnh khắc kỳ diệu đó khi bạn có những ý tưởng khác nhau kết hợp lại với nhau, một điều thật sự đặc biệt sẽ xuất hiện".Với sự tiến bộ của công nghệ tình báo, một số người cho rằng các điệp viên cổ điển kiểu thay danh đổi phận, ẩn náu trong lòng địch để thu thập thông tin đã lỗi thời và sẽ sớm bị thay thế. Tại sao phải xông vào nơi nguy hiểm trong khi các hình ảnh vệ tinh và dữ liệu điện thoại có thể vạch trần mọi thứ? Ai cần những điệp viên bằng da bằng thịt trong khi rất khó để bảo vệ danh tính của họ trong thời đại sinh trắc học, lại còn có nguy cơ dính đòn phản gián hoặc rủi ro ngoại giao nếu chẳng may bại lộ thân phận?Trong thực tế, nghề tình báo cần cả công nghệ hiện đại lẫn nghiệp vụ cổ điển để có thể hoạt động hiệu quả chứ không phải bài toán loại trừ. "Tình báo con người ngày càng khó khăn, tốn kém và rủi ro hơn. Mặc dù vậy, nó vẫn là yếu tố cần thiết… Có những thứ chỉ có điệp viên mới làm được, chẳng hạn như đọc vị bầu không khí trong những dãy hành lang của Điện Kremlin" - The Economist nhận định.Con người và công nghệ vốn dĩ không thể tách rời: khi có thế lực tìm cách cài cắm "cửa sau" vào một phần mềm máy tính phổ biến mang tên XZ Utils vào tháng 3 năm nay, họ đã làm việc đó bằng cách dành nhiều năm trời sắm vai một tình nguyện viên đầy nhiệt huyết đóng góp cho dự án mã nguồn mở - điều mà không AI nào có thể làm tròn vai.Trong báo công nghệ quý về công nghệ gián điệp hồi tháng 7, The Economist cho rằng mọi thứ đã thay đổi - công cụ phục vụ điệp viên, và thế giới của gián điệp và phản gián. Các nguồn tài nguyên thương mại và công cộng ngày càng có giá trị hơn với ngành tình báo, khác xa khi trước. Chẳng hạn, khoảng 90% nguồn tin tình báo của NATO về các mối đe dọa trên không gian mạng là do các công ty tư nhân cung cấp. "Nhưng giá trị thực sự chỉ đến từ việc hòa trộn các nguồn tin mật và công khai, và điều này nói dễ hơn làm" - tờ tạp chí Anh bình luận.Một thay đổi khác: ngành tình báo từng đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ so với lĩnh vực tư nhân, giờ thì ngược lại. "Các cơ quan gián điệp sẽ phải làm việc với các công ty tiên tiến và tuyển dụng nhân tài, những người có thể không muốn làm việc trong một căn phòng không có cửa sổ, không có điện thoại hoặc Internet" - The Economist viết. Đó là một thực tế, và việc HMGCC mở cửa với truyền thông là minh chứng. "Hết đường trốn" với điệp viên AICác nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một công nghệ gián điệp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng khiến quân địch "không có nơi nào để ẩn náu" trên chiến trường, The Defense Post đưa tin tháng 2-2024. Được thiết kế cho quân đội Trung Quốc, thiết bị tác chiến điện tử này được cho là cung cấp khả năng giám sát "liên tục, băng thông rộng và thời gian thật" đối với quân địch, có thể phát hiện tín hiệu của kẻ thù "với tốc độ vô song", giải mã các đặc điểm vật lý của các tín hiệu này và vô hiệu hóa chúng một cách hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn cho các lực lượng đồng minh. Nhóm phát triển thiết bị này cho biết nó có thể phát hiện và theo dõi cả những tần số trong dải gigahertz, bao gồm tín hiệu từ hệ thống vệ tinh Starlink của tỉ phú công nghệ Elon Musk. AI được ứng dụng để cải thiện hiệu suất của thiết bị, đặc biệt là trong các nhiệm vụ liên quan đến việc phân biệt giữa tín hiệu dân sự và quân sự cũng như phân loại các tập dữ liệu lớn. Tags: An ninh quốc giaThiết bị công nghệCông nghệ mớiCông nghệ hiện đạiTình báo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Hạ Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á ĐỨC KHUÊ 21/11/2024 Tối 21-11, tuyển futsal nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan trong trận chung kết Giải futsal nữ Đông Nam Á để giành chức vô địch.
TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng THẢO LÊ 21/11/2024 TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.