TTCT - "CIA và FBI giờ đang run sợ", tờ Komsomolskaya Pravda bình luận khi viết bài chân dung về bà Tulsi Gabbard, người được ông Trump đề cử cho vị trí giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (DNI). Ảnh: The Daily BeastTờ báo Nga nói Ukraine từng coi bà là "điệp viên của Nga", trong khi kênh Rossiya-1 gọi bà là "đồng chí" của Matxcơva trong nội các mới của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Báo chí Nga nhấn mạnh mong muốn của bà Gabbard về cải thiện quan hệ với Kremlin. Các bình luận trong quá khứ khiến bà từng nhiều lần bị chỉ trích từ quan chức của cả hai đảng, vốn cho rằng bà lặp lại tuyên truyền chống Mỹ từ các đối thủ. Trong khi các phát ngôn đó lại khiến bà được báo chí thân Kremlin ca ngợi."Đồng chí" của MatxcơvaBà Gabbard 43 tuổi, từng là người của phe Dân chủ rồi chuyển sang phe Cộng hòa. Bà có quan điểm quá "cởi mở" tới mức từng gặp lãnh đạo Bashar al-Assad của Syria và tuyên bố ông này không phải "kẻ thù của Mỹ". Giới quan sát đánh giá người hay theo đuổi thuyết âm mưu như bà không đủ năng lực cho vị trí quản lý 18 cơ quan tình báo Mỹ.DNI có vai trò điều phối toàn bộ hệ thống tình báo quốc gia của Mỹ, là đầu mối chia sẻ thông tin tình báo với các nước, định hình cách công chúng và Nhà Trắng hiểu về các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt.Văn phòng này đóng vai trò chính trong tổng hợp báo cáo hằng ngày cho tổng thống để Nhà Trắng hiểu đối thủ nào đang chống lại mình.Gabbard từng là cựu binh tại Iraq và là trung tá trong lực lượng dự bị của quân đội. Bà có kinh nghiệm quân sự, nhưng không có kinh nghiệm sâu về tình báo. Một cựu quan chức tình báo nói với Defense One rằng kinh nghiệm này cần để có thể hiểu rất nhiều thông tin tình báo khác nhau trong bức tranh lớn về các mối đe dọa."Điều mọi người không hiểu về tình báo là, nếu mọi thứ đã rõ ràng thì không còn là tình báo. Tình báo là đánh giá. Nó có thể không chắc chắn và nghệ thuật ở đây là hiểu những không chắc chắn này là do quan điểm chứ không phải là niềm tin, sự liêm chính hay nghi ngờ về vấn đề độc lập", quan chức này nói.Bà Tulsi Gabbard. Ảnh: ReutersLo ngại những hỗn loạnLực lượng tình báo Mỹ có nhẹ nhõm hơn đôi chút khi hôm 19-11, ông Trump thông báo sẽ chọn John Ratcliffe, cựu giám đốc DNI, làm giám đốc CIA. Một số quan chức tình báo lâu năm lạc quan thận trọng về cách hành xử của Ratcliffe ở DNI thời cuối nhiệm kỳ đầu của Trump, mà họ cho là chuyên nghiệp và ít gây xáo trộn hơn so với một số lo ngại.Các quan chức tình báo đương chức và đã nghỉ cũng chỉ ra rằng không nên đánh giá hết rằng cộng đồng tình báo đều chống Trump. Trong 18 cơ quan tình báo của Mỹ, có hàng nghìn chuyên viên phân tích và điệp viên, và có rất nhiều người ủng hộ Trump và chào mừng sự trở lại của ông."Cộng đồng tình báo không phải một màu", một cựu quan chức cấp cao nói. Dù vậy, vẫn có lo lắng chung là ông Trump sẽ mạnh tay với các quy định hành chính và truyền thống của ngành. Nhiều quan chức thừa nhận tình hình sẽ xấu hơn nhiều khi ông Trump nhậm chức. Ông Trump khi tranh cử đã tuyên bố sẽ "làm sạch" cộng đồng tình báo và nhiều người lo sợ sẽ bị sa thải hàng loạt. Một số e ngại ông Trump sẽ làm tổn hại tới an ninh khi thường bất cẩn với các thông tin tuyệt mật - như việc ông giữ hàng chục hộp hồ sơ mật tại dinh thự ở Mar-a-Lago sau khi hết nhiệm kỳ đầu.Ngoài ra còn có áp lực từ chuyện làm việc cho ông: các cơ quan liên bang, dù là tình báo, vẫn đòi hỏi quy trình rất chặt, thậm chí đôi khi chậm chạp lề mề trong quyết sách. Thói quen của ông Trump đưa lên mạng xã hội các quyết định an ninh quốc gia quan trọng trong nhiệm kỳ đầu sẽ khiến môi trường làm việc hỗn loạn và khó dự đoán. Nhiều quan chức tình báo cũng nói họ gặp khó khăn khi muốn ông Trump tập trung trong các buổi báo cáo. Các cuộc họp này rất "mệt mỏi", theo một quan chức làm trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Một quan chức nay đã nghỉ nói "có rất nhiều" nhân viên ngành tình báo "muốn báo cáo cho một tổng thống khác".Một số quan chức lâu năm từng lo ngại ông Trump sẽ đề cử Kash Patel, cựu trợ lý nghị sĩ phe Cộng hòa trước khi lên làm chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, và từng đóng vai trò quan trọng trong giải mật thông tin tình báo liên quan tới Nga mà ông Trump hy vọng sẽ vạch rõ những sai phạm trong cộng đồng tình báo. Ông Patel tới giờ vẫn thường xuyên chỉ trích tính liêm chính của cộng đồng tình báo và nằm trong nhóm thân cận với ông Trump.Tuy nhiên, theo các nguồn tin có hiểu biết, ngay cả việc chỉ định Ratcliffe cũng cho thấy ông Trump vẫn còn ghim nhiều điều khó chịu với cộng đồng tình báo, đặc biệt là kết luận về việc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 để giúp ông thắng cử. Ông Ratcliffe thường xuyên yêu cầu phải công bố thông tin tình báo liên quan tới Nga và FBI. Nỗ lực này khiến nhiều viên chức tình báo lo ngại sẽ làm lộ các "nguồn tin và cách thức" của cộng đồng tình báo trong thu thập thông tin. Ngay cả một số người được Trump chỉ định như cựu giám đốc CIA Gina Haspel cũng chống lại việc này.Nhưng những người ủng hộ ông Trump lại nhìn nhận ngành tình báo Mỹ là những cơ quan bảo thủ thâm căn cố đế, với quá nhiều người làm cả đời ở một cơ quan, và trở nên quá nhiều quyền lực.Họ thường phàn nàn rằng giới chức tình báo thường xuyên trì hoãn hay chống lại chỉ thị từ Trump chỉ vì họ không thích. "Nhiều người (trong ngành tình báo) cố tình không làm theo chỉ thị của tổng thống vì họ có quan điểm ngược lại", một quan chức từng làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump nói.Ông John Ratcliffe. Ảnh: AFPXoay con tàu TitanicÔng Trump cũng thường xuyên bác bỏ các quan điểm không giống ông, ví dụ như không chấp nhận đánh giá được thống nhất cao trong cộng đồng tình báo là Nga can thiệp vào bầu cử 2016. Kết quả là các quan chức tình báo thường báo cáo ít các nội dung mà họ biết ông không muốn nghe. Các quan chức hiện tại và đã nghỉ đều nói họ e ngại điều đó có thể khiến các nước đồng minh chia sẻ ít thông tin hơn với Mỹ.Một số thì lo ngại ông Ratcliffe còn thiếu kinh nghiệm với cộng đồng tình báo. Ông là luật sư và thành viên Hạ viện cho tới năm 2020, trước khi có gần một năm là giám đốc DNI. Ông thay thế Bill Burns, nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều thập kỷ làm việc thường xuyên với giới tình báo về các vấn đề nhạy cảm như Nga và thỏa thuận hạt nhân Iran.Nhưng với hầu hết cộng đồng tình báo, cụ thể là một loạt viên chức từ cấp trung cho tới cấp cao, mối lo lớn nhất lúc này là... thất nghiệp. Ông Trump đã đe dọa sẽ "quét sạch những thành phần xấu xa trong lực lượng an ninh quốc gia và tình báo". Ông dự kiến sẽ phân loại phần lớn lực lượng nhân viên công vụ liên bang để có thể dễ sa thải hơn - chương trình có tên "Lịch trình F" mà ông từng dự kiến ở cuối nhiệm kỳ đầu.Mối lo là do sợ bị sa thải, các lực lượng chuyên môn thuần túy trong ngành tình báo, như phân tích thông tin tình báo, bắt đầu "tự kiểm duyệt" vì sợ làm phật lòng tổng thống, dẫn tới báo cáo yếu kém, bỏ sót các tín hiệu nguy hiểm hay sai lầm kéo theo "thất bại tình báo". "Nếu ông ta thực hiện trả đũa và dọn dẹp, điều đó sẽ ảnh hưởng tới CIA. Chúng ta sẽ mất người và những người đang làm sẽ lo chính trị làm họ mất việc" - Douglas London, cựu binh có 34 năm làm với CIA hiện là tác giả về lực lượng tình báo và giảng dạy tại Đại học Georgetown, phân tích.Ảnh: AFPTheo ông London, truyền thống ngành tình báo Mỹ là cố gắng tránh tạo hình ảnh thân thiết hơn với một phe phái chính trị cụ thể và đặt sự trung thành với hiến pháp lên trên chính trị. "Các cơ quan tình báo nói chung không thể giúp ích gì nhiều cho các phe phái chính trị", London nói. Ông Trump trong khi đó thường xuyên thể hiện sự thù địch với các cơ quan tình báo và đã được so sánh với Richard Nixon do luôn nghi ngờ rằng CIA và các cơ quan tình báo tìm cách hạ bệ mình.Theo Elbridge Colby, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu của Trump, cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, cùng vấn đề Trung Quốc, khiến tổng thống đắc cử không còn thời gian để nhẹ nhàng với các cơ quan tình báo. "Nếu bạn xoay con tàu Titanic 90 độ, mọi người sẽ rớt khỏi boong tàu, đèn treo trần và những bộ bát đĩa đẹp sẽ vỡ tan - ông Colby nói - Nhưng đó là hoàn cảnh lúc này của chúng ta… Tổng thống Trump đang đối đầu với cả hệ thống". ■ Từ góc nhìn của giới lãnh đạo tình báo Mỹ cố cựu, họ tự cho rằng mình là chốt chặn tối quan trọng để bắt một tổng thống cũng phải tuân thủ quy trình hay luật lệ. Trong vài trường hợp, ông Trump từng khiến giới chức tình báo phát hoảng vì cách hành xử không giống ai của ông, ngoài chuyện giữ lại tài liệu mật ở dinh thự ở Florida sau khi đã rời Nhà Trắng. Năm 2017, ông bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo bí mật đặc biệt nhạy cảm của Israel cho các quan chức hàng đầu của Nga trong một buổi gặp ở phòng Bầu dục. Năm 2019, ông tweet hình ảnh mật một điểm phóng tên lửa của Iran được chụp hình bởi vệ tinh đặc biệt mạnh của Mỹ - năng lực mà cộng đồng tình báo Mỹ vẫn luôn nỗ lực che giấu. Tags: Ông TrumpCơ quan tình báoCộng đồng tình báo Mỹ NgaCIA
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Phương án hợp nhất để giảm 5 bộ, 4 cơ quan của Chính phủ NGỌC THÀNH 04/12/2024 Theo định hướng của Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 sau khi sắp xếp, hợp nhất, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cận cảnh hỗn loạn trong nhà Quốc hội Hàn Quốc sau thiết quân luật HÀ ĐÀO 04/12/2024 Dù chỉ tồn tại sáu tiếng, lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành khuya 3-12 cũng đủ khiến Seoul có một đêm không ngủ.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Sốc: Nữ văn sĩ Quỳnh Dao từ bỏ cuộc đời ở tuổi 86 LAN HƯƠNG 04/12/2024 Cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao khiến truyền thông Trung Quốc rúng động, nhiều khán giả bật khóc trước sự ra đi của bà.