Nhà Trắng trở thành mục tiêu theo dõi của tình báo Đức trong gần 10 năm - Ảnh: AFP |
Thông tin trên được tạp chí Spiegel (Tấm gương) của Đức tiết lộ ngày 22-6. Theo đó, Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) đã tiến hành theo dõi trong thời gian dài đối với một loạt quan chức và doanh nhân tại Mỹ trong giai đoạn 1998 - 2006.
Khoảng 4.000 nhân vật đã bị BND theo dõi trong giai đoạn từ năm 1998-2006. Danh sách của "những người được lựa chọn" của BND bao gồm số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử của các quan chức làm việc tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Không quân, Hải quân Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các tổ chức dân sự như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không nằm ngoài danh sách bị BND theo dõi. Theo đài RT, số lượng này lên tới khoảng 100 trường hợp.
Năm 2013, Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), tiết lộ Cơ quan tình báo Mỹ đã tiến hành theo dõi quy mô rộng khắp trên toàn thế giới trong đó bao gồm số điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Chính phủ Đức khi đó đã phản ứng rất gay gắt trước thông tin trên. Thủ tướng Merkel tuyên bố thẳng việc Mỹ bí mật do thám điện thoại di động của bà là điều "không thể chấp nhận được".
Hai năm sau đó (2015), trang Wikileaks tiết lộ NSA đã nghe lén các cuộc điện thoại của bà Merkel trong suốt nhiều năm trời và theo dõi các quan chức trong chính quyền tiền nhiệm. Danh sách 125 quan chức cấp cao hàng đầu của Đức bị theo dõi cũng được công bố.
Tuy nhiên, theo Spiegel, Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất. Kể từ năm 2000, BND đã tiến hành theo dõi trụ sở tổ chức hình sự quốc tế (Interpol) ở Pháp cùng một loạt các chi nhánh, văn phòng của các tổ chức quốc tế ở Áo, Đan Mạch, Bỉ, Hi Lạp.
Hiện BND, Nhà Trắng và chính phủ Đức chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận