Anh Pierre Michelon trao hiện vật về các tù nhân Việt ở Guyane cho con trai cựu tù Việt Nam tại Guyane Lương Duyên Hồi ở tỉnh Thái Bình tháng 6-2016 - Ảnh: Q.TR. |
Căm thay nước mất nhà tan Vì ai mình bỏ giang san xứ mình? Đầu cạo trọc áo xanh một lũ Tên không kêu, kêu số tù đề Nắng trời như đốt than lò... Nỗi bó buộc theo chân giục giã Trong xó rừng vất vả lầm than |
Trích bài thơ Biệt xứ tù ngâm của Bùi Hữu Diên |
Họ cùng tuổi, cùng hoạt động cách mạng, bị bắt và đi đày trên cùng một chuyến tàu, và rồi bị chia lìa bởi số phận, cho đến nhiều năm sau mới lại liên hệ được với nhau qua con cháu của mình.
Sự chào đón nồng nhiệt ở Thái Bình
Vào ngày 20-6-2016, Pierre Michelon cùng kỹ sư âm thanh, chị Diane Xuân Lan, và anh William Tran Tu Yen đến tỉnh Thái Bình để trao các hiện vật và tư liệu lịch sử liên quan đến các cựu tù Việt Nam ở Guyane, đồng thời để tìm hiểu thêm tư liệu về những người tù Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình Vũ Đức Thơm tổ chức hẳn một buổi tọa đàm với sự tham gia đầy đủ của các nhân viên bảo tàng. Khi Pierre đến, tất cả đã đợi sẵn trong phòng họp lớn được bày biện cẩn thận.
Ông Vũ Đức Thơm bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí của Pierre và cam kết sẽ lưu giữ và chia sẻ những hiện vật, tư liệu quý giá này cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bà Vũ Thị Hợi, phó giám đốc bảo tàng, cho biết những tài liệu và hình ảnh mà Pierre mang tới đã góp phần bổ sung cho những tư liệu mà bảo tàng đang muốn tìm kiếm về giai đoạn lịch sử này, đặc biệt là về đời sống hằng ngày, về sinh hoạt văn hóa và tâm tư tình cảm của tù nhân Việt Nam và khung cảnh, cuộc sống tù đày ở Guyane.
Bảo tàng cũng đã tận tình chia sẻ với đoàn danh mục những tài liệu, hình ảnh và hiện vật sưu tầm được về những người cựu tù Guyane ở Thái Bình và hướng dẫn đoàn đi tham quan bảo tàng.
Khi Pierre đến thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng - quê nhà của người cựu tù Lương Duyên Hồi, nhiều dân làng, phần lớn là từ dòng họ Lương Duyên và các vị cán bộ địa phương từ huyện và xã, đã có mặt đông đủ trong khuôn viên ngôi nhà thờ dòng họ mới xây xong.
Chiếc bàn phủ vải trang trọng là nơi sẽ đặt các tư liệu mà Pierre đem tới, bên cạnh là bục phát biểu, với chiếc micro và bộ loa công suất lớn phát ra âm thanh đủ để cả làng nghe thấy.
Sau đó đoàn được dẫn tới thăm nhà truyền thống xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - là một địa danh lịch sử nơi những nhà cách mạng tiền bối Lương Duyên Hồi, Bùi Hữu Diên và các đồng chí khác tổ chức khởi nguồn các hoạt động cách mạng của vùng.
Rời khỏi Thái Bình, trong chiếc ôtô lăn bánh thận trọng trên con đường làng nhỏ hẹp phủ đầy rơm khô vàng óng dưới ánh hoàng hôn, Pierre thật thà chia sẻ với nhóm phóng viên Tuổi Trẻ: “Tôi không ngờ được tiếp đón trang trọng như thế!”.
Ông Bùi Hữu Diên - Ảnh: Bảo tàng Thái Bình cung cấp |
Những chuyện chưa kể về hai người tù
Theo tư liệu do Bảo tàng Thái Bình cung cấp, Bùi Hữu Diên là con nhà nghèo. Nhờ thông minh và ý chí, ông học giỏi và quyết thi vượt cấp để được trở thành nhà giáo.
Từ nhỏ ông đã chú ý và bị ảnh hưởng bởi văn chương thơ ca Việt Nam thay vì bị ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp.
Sau này ông có nhiều tác phẩm thơ được lưu truyền và xuất bản, nổi tiếng nhất là bài Biệt xứ tù ngâm, viết trong khi bị đi đày tại Guyane và được ghi lại theo trí nhớ của người đồng chí Lương Duyên Hồi.
...
Trong khi đi học ở thị xã Thái Bình, ông là bạn trọ học cùng nhà với Lương Duyên Hồi. Hai người sinh cùng năm (1903).
Họ trở nên ý hợp tâm đầu, cùng nhau lập thư viện rồi tham gia, gây dựng và lãnh đạo những hoạt động cách mạng đầu tiên ở Thái Bình mà tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình của nông dân Tiên - Duyên - Hưng (1-5-1930) với sự tham gia của gần 1.000 người.
Từ vụ đó, họ bị bắt và kết tội “Âm mưu lật đổ chính phủ bảo hộ và Nam triều”, bị kết án 10 năm khổ sai, lần lượt bị giam tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, sau đó bị đày tới Guyane năm 1931.
Đến Guyane, Bùi Hữu Diên được bầu làm người đứng đầu ban lãnh đạo nhóm tù cộng sản của người Việt Nam.
Bùi Hữu Diên nổi tiếng không chỉ ở khu vực trại nơi giam giữ mà còn lan ra khắp Guyane. Người cựu tù Việt Nam Trần Tử Yến đã nhắc tới Bùi Hữu Diên trong một đoạn trả lời phỏng vấn về cuộc sống tù đày với nhà làm phim Geneviève:
“... Có một người cộng sản. Ông ấy bị giam ở trại Forestière... Ông ấy dấy lên một cuộc bãi công ở trại! Chúng tôi biết các tin tức này vì thỉnh thoảng có các đồng chí từ trại Forestière xuống chỗ chúng tôi vì đi bệnh viện... Ông ấy rất cực đoan, ông ấy từ chối ăn, từ chối lao động...”.
Do tinh thần đấu tranh cứng rắn, Bùi Hữu Diên bị tra tấn nhiều lần. Ông yếu sức, mắc bệnh lao và mất ngày 25-1-1935 tại Guyane khi mới 32 tuổi. Ông đã không bao giờ được trở về quê hương để gặp lại người thân của mình.
Theo lời kể của anh Lương Duyên Hiệp, con trai của ông Lương Duyên Hồi: “Khi Bùi Hữu Diên mất, bố tôi trực tiếp tổ chức chôn cất”.
Còn Lương Duyên Hồi được phóng thích và trở về quê hương vào năm 1938 nhân sự kiện Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng thế và trả tự do cho một số tù chính trị ở Đông Dương. Hai người bạn, hai số phận thật khác nhau.
Những ngọn gió thì thầm thổi mãi
Sau chuyến đi Thái Bình, nhà nghiên cứu Pierre Michelon lại tiếp tục đi tìm tư liệu và gặp những người có thể chia sẻ thông tin... để đuổi theo những ký ức và câu chuyện về những người tù.
Anh sẽ làm một bộ phim và xuất bản một cuốn sách về câu chuyện người tù Việt Nam. Anh nói rằng ở Ninh Bình trong một đêm mưa, anh đã đưa tay ra hứng những giọt mưa nhỏ xuống mái tranh - mường tượng lại những cảm xúc mà cựu tù Trần Tử Yến đã trải qua.
Và, với tâm hồn nghệ sĩ, Pierre cũng không bỏ qua các chi tiết mà anh tìm thấy từ những văn bản lưu lại bút tích của các tù nhân như hình vẽ con chim, lá cờ, nhành hoa mà anh đã scan lại cẩn thận và đưa vào bản thảo cuốn sách của mình.
Sẽ không lâu nữa ”những ngọn gió thì thầm” về những người tù Việt Nam, qua dự án của Pierre, sẽ được chia sẻ với nhiều người ở cả nước Pháp và Việt Nam.
Còn chúng tôi, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ, sẽ luôn biết ơn và ghi nhận câu chuyện về những người tù Việt Nam ở Guyane những năm 1930, những người có tên và cả những người không có danh tính trong loạt bài lần này. Tất cả họ không bị quên lãng. Chúng tôi nhớ đến họ.
Duyên ngộ tình cờ Lương Duyên Hồi về nước, tiếp tục tham gia hoạt động đảng một cách tích cực, và mãi đến nhiều năm sau mới bắt liên lạc được với gia đình của Bùi Hữu Diên. Anh Lương Duyên Hiệp kể rằng khi Bùi Hữu Diên bị đi đày, ông không biết là mình có con trai. Con trai Bùi Hữu Diên được đặt tên là Lý Tự Nhiên (vì lý do bí mật nên không mang họ Bùi). Người con trai ấy học giỏi, sau này trở thành giáo viên dạy văn. Một cách tình cờ, một trong những người con của ông Lương Duyên Hồi, anh trai của Lương Duyên Hiệp, chính là học trò của thầy Lý Tự Nhiên. Trong một lần mời thầy về thăm nhà, qua trò chuyện, ông Lương Duyên Hồi nhận ra Lý Tự Nhiên chính là con trai người đồng chí thân thiết Bùi Hữu Diên. “Thầy Lý Tự Nhiên đã nhận bố tôi là bố nuôi. Hai bên liên lạc thăm hỏi. Sau này thầy Lý Tự Nhiên tham gia kháng chiến chống Mỹ và về hưu với cấp trung tá” - anh Lương Duyên Hiệp kể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận