Ông Maziar Hashemi và vợ sau cuộc gặp với bác sĩ điều trị chứng ung thư máu của ông ngày 26-3 - Ảnh: REUTERS
Bà Mahsa Khanbabai, một luật sư ở Massachusetts (Mỹ), cho biết bà đã nhận được một cuộc điện thoại hôm thứ năm (29-3) từ Đại sứ quán Mỹ tại Yerevan, Armenia, nơi Kamiar Hashemi - một công dân Iran, đã nộp đơn xin thị thực vào tháng 2-2018.
Đơn xin thị thực của ông Kamiar bị đóng mộc đỏ từ chối trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó. Tuy nhiên, luật sư Khanbabai khẳng định Washington đã cân nhắc và quyết định áp dụng miễn trừ, cho phép ông Khanbabai đến Mỹ.
Kết quả này thật sự là một điều bất ngờ và vượt ngoài mong đợi với gia đình ông Hashemi cũng như người em trai Maziar Hashemi bị ung thư máu đang khắc khoải chờ anh trai ở Mỹ, chỉ 2 ngày sau khi báo chí vào cuộc.
Kamiar được "đặc cách" vì ông là người hiếm hoi có tỉ lệ khớp 100% cho một cuộc cấy ghép có thể cứu mạng em trai ông.
Maziar đến Mỹ năm 1975, theo học ngành kỹ sư xây dựng dân sự và trở thành một công dân Mỹ hợp pháp sau đó không lâu. Ông bơ vơ ở Mỹ vì tất cả anh chị em ruột thịt đều ở Iran.
Nghiệp kỹ sư đeo bám ông suốt hàng chục năm trời cho tới tháng 10 năm ngoái khi ông phát hiện mình bị ung thư máu và sức khỏe suy sụp nhanh chóng khiến ông phải nghỉ việc. Các bác sĩ nơi ông Maziar điều trị khẳng định chỉ có phẫu thuật ghép tủy xương mới có thể chấm dứt cơn ác mộng của ông.
Thông tin này nhanh chóng tới tai những người thân của ông ở Iran và ông Kamiar quyết định sẽ vì em mà liều một phen đến Mỹ. Ông nộp đơn xin phỏng vấn thị thực ở Armenia vào tháng 2 bất chấp khi đó lệnh cấm vào Mỹ đối với công dân Iran đã có hiệu lực gần 3 tháng.
Bất chấp sự thiết tha đợi chờ của ông Maziar, các bác sĩ nói ông nên tiến hành phẫu thuật ghép tủy càng sớm càng tốt, trễ nhất là vào ngày 27-4 tới. Lo lắng cho cha và không rõ tình trạng của ông bác, một người con của ông Maziar đã chuẩn bị sẵn tinh thần hiến tủy xương cho cha trong cuộc phẫu thuật, bất chấp mức độ tương thích chỉ 50%.
"Họ không chờ anh trai tôi nữa. Họ đã tiến hành thủ tục bởi cơ thể tôi không thể chịu đựng thêm được nữa", ông Maziar kể trên đài CNN ngày 28-3.
Bệnh tình khiến sức khỏe của ông Maziar Hashemi, một công dân Mỹ gốc Iran, suy sụp nhanh chóng - Ảnh: REUTERS
"Be the Match", một tổ chức hỗ trợ việc ghép tủy xương ở Mỹ và trên toàn thế giới, khi đó tuyên bố sẽ giúp đỡ trường hợp của ông Maziar.
Tổ chức này dự định sẽ đưa anh trai của ông Maziar tới một bênh viện ở Ấn Độ - nơi ông sẽ được tiến hành phẫu thuật lấy tủy xương. Các tế bào gốc này sẽ được Be the Match chuyển sang Mỹ sau đó để cấy ghép cho ông Maziar.
Hi vọng vừa nhen nhóm đã ngay lập tức bị dập tắt. Bộ phận pháp lý của Be the Match nhanh chóng nhận ra rằng các tế bào gốc trên bị xem là "hàng hóa xuất khẩu của Iran", chiếu theo các biện pháp trừng phạt hiện nay của Mỹ đối với Iran, đem các tế bào gốc của ông Kamiar đến Mỹ là bất hợp pháp.
Trong lúc nhiều tổ chức vẫn loay hoay tìm cách, gia đình Maziar đã gần như chấp nhận thực tế thì tin vui ập đến chỉ hai ngày sau khi câu chuyện xuất hiện trên đài CNN và hãng tin Reuters phản ánh vụ việc.
Chưa rõ ông Kamiar sẽ đến Mỹ khi nào. Nhưng trước hết, theo luật sư Khanbabai, ông nên thu xếp và đến đại sứ quán Mỹ ở Armenia ngay lập tức để nhận giấy miễn trừ và bay tới Mỹ.
Thật bất hạnh khi có quá nhiều nỗ lực, rõ ràng là đang trong trường hợp khẩn cấp, để có được một thị thực đơn giản. Vẫn còn hàng trường hợp khẩn cấp như vậy đang bị mắc kẹt và không biết nên làm gì tiếp theo.
Luật sư Mahsa Khanbabai
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về trường hợp của ông Kamiar.
Lệnh cấm nhập cảnh gần đây nhất được ông Trump ký vào tháng 9-2017 áp dụng với công dân các nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad, Triều Tiên và một số quan chức Venezuela.
Sau nhiều lần kiện tụng, tháng 12-2017, Tòa tối cao Mỹ chính thức cho phép nó được thực thi. Mặc dù lệnh cấm nhập cảnh có phần miễn trừ, các luật sư nói không có bất kỳ quy định rõ ràng nào về chuyện này cũng như lý do tại sao được và không được miễn trừ.
Hơn 375 sự miễn trừ đã được áp dụng kể từ khi lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump có hiệu lực. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết cụ thể công dân những quốc gia nào được miễn trừ và trong trường hợp như thế nào mới được hưởng quyền này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận