16/02/2016 16:56 GMT+7

Tin vui khi thử nghiệm dùng tế bào miễn dịch chống ung thư

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Các kết quả thử nghiệm đầu tiên liệu pháp sử dụng tế bào bạch cầu được chỉnh sửa tiêu diệt tế bào ung thư đã cho kết quả hết sức tích cực.

Điều trị bằng tế bào bạch cầu được chỉnh sửa đã giúp 94% 94% bệnh nhân bị bạch cầu nguyên bào cấp tính hết các triệu chứng của bệnh - Ảnh: Iwradio
Điều trị bằng tế bào bạch cầu được chỉnh sửa đã giúp 94% 94% bệnh nhân bị bạch cầu nguyên bào cấp tính hết các triệu chứng của bệnh - Ảnh: Iwradio

Theo Foxnews, công bố đưa ra ngày 15-2 do các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle cho biết, 94% bệnh nhân bị bạch cầu nguyên bào cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemia - ALL) - một dạng ung thư máu - đã hoàn toàn thoát khỏi các triệu chứng bệnh tật sau khi được điều trị bằng các tế bào bạch cầu đã được chỉnh sửa gọi là các tế bào T (T-cells).

Ở một nghiên cứu khác, 80% bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin (non-Hodgkin's lymphoma) cũng cho kết quả điều trị rất tích cực khi hơn một nửa số họ đã hồi phục sức khỏe.

Kết quả này theo Sky được mô tả như “một sự thay đổi tiềm năng mang tính mô hình” trong công cuộc điều trị ung thư.

Chủ trì nghiên cứu, giáo sư Stanley Riddell, cho biết: “Điều này thật đặc biệt. Thành thực mà nói, chưa từng có tiền lệ trong y học về một tỉ lệ phản ứng tích cực như vậy sau điều trị với các bệnh nhân ung thư đã trong giai đoạn cuối”.

Liệu pháp điều trị được tiến hành theo cách tách cách tế bào T khỏi cơ thể người bệnh, gắn thêm vào chúng các phân tử thụ thể (receptor) có khả năng tìm diệt ung thư, sau đó truyền trở lại cơ thể người bệnh. Các phân tử được gắn thêm đó (gọi là Cars) được lấy từ loài chuột đã được biến đổi gene.

Sau khi được gắn với các tế bào T, những phân tử Cars sẽ giảm khả năng lẩn trốn của tế bào ung thư trước cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể con người, theo đó cơ thể người sẽ tự tìm diệt chúng.

Liệu pháp can thiệp vào hệ thống miễn dịch cơ thể thường được xem như lựa chọn cuối cùng do những tác dụng phụ nguy hiểm của nó. Các nhà nghiên cứu cho biết, đã có 7 bệnh nhân bị bạch cầu nguyên bào cấp tính cần được chăm sóc tích cực do bị phản ứng miễn dịch, hai người trong đó đã chết.

Giáo sư Riddell cho rằng, mặc dù kết quả điều trị rất khả quan, nhưng vẫn cần phải làm thêm nhiều nghiên cứu khác, và hiện chưa thể biết những người bệnh đã được chữa khỏi liệu có còn tái phát nữa không và nếu có thì bao lâu sẽ tái phát.

Giáo sư Riddell cũng hy vọng, ngoài điều trị ung thư máu, có thể ứng dụng liệu pháp này với những bệnh nhân bị các khối u ác tính, tuy nhiên ông thừa nhận việc này sẽ đặt ra nhiều thách thức.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên