14/01/2021 14:25 GMT+7

Tin vui: Bệnh nhân COVID-19 sắp có thuốc điều trị và có thể miễn dịch tới 8 tháng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tập đoàn Celltrion chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn cuối đối với thuốc điều trị CT-P59. Trong khi đó, nghiên cứu mới khẳng định bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ được miễn dịch đến 8 tháng.

Tin vui: Bệnh nhân COVID-19 sắp có thuốc điều trị và có thể miễn dịch tới 8 tháng - Ảnh 1.

Với thuốc CT-P59, bệnh nhân sẽ tránh được bệnh nặng. Trong ảnh là trạm dã chiến xét nghiệm COVID-19 ở Seoul - Ảnh: BLOOMBERG

Tập đoàn dược phẩm Hàn Quốc Celltrion đang xúc tiến kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại hơn 10 quốc gia để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của CT-P59, thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng (còn gọi là Regdanvimab).

Giảm bệnh nặng, tránh nằm viện dài ngày

Celltrion đã nộp đơn cho Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đề nghị cấp phép lưu hành có điều kiện cho thuốc CT-P59.

Trong vài tháng tới, Celltrion cũng dự kiến đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp CT-P59, đồng thời đề nghị Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép kinh doanh có điều kiện đối với thuốc CT-P59.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của thuốc CT-P59 đã được công bố hôm 13-1.

Tin vui: Bệnh nhân COVID-19 sắp có thuốc điều trị và có thể miễn dịch tới 8 tháng - Ảnh 2.

Thuốc CT-P59 điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng - Ảnh: CELLTRION

Theo trang web Pipeline Review, thử nghiệm được tiến hành trên thế giới theo phương pháp ngẫu nhiên, mù đôi và có kiểm soát giả dược.

327 bệnh nhân tham gia thử nghiệm mắc các triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, trong đó khoảng 60% có triệu chứng trung bình mắc bệnh viêm phổi.

Họ được chia làm ba nhóm điều trị (40mg/kg, 80mg/kg và giả dược). CT-P59 được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch trong 90 phút.

Đến ngày thứ 28, các bệnh nhân được điều trị bằng CT-P59 đã giảm đáng kể thời gian nằm viện và thở oxy.

So với nhóm giả dược, nhóm được điều trị bằng CT-P59 (40mg/kg) đã giảm tỉ lệ phát triển bệnh 54% đối với người mắc triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và 68% đối với người mắc triệu chứng trung bình từ 50 tuổi trở lên

Các nhóm điều trị bằng CT-P59 còn rút ngắn thời gian nằm viện từ 3,4-6,4 ngày so với nhóm giả dược. Riêng đối với các bệnh nhân mắc triệu chứng trung bình từ 50 tuổi trở lên, thời gian điều trị giảm đến 6,4 ngày.

Ngoài ra, tải lượng virus đã giảm đáng kể vào ngày thứ 7 đối với các bệnh nhân được điều trị bằng CT-P59. Kết quả thử nghiệm ghi nhận CT-P59 đạt mức an toàn tích cực và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

GS Joong-Sik Eom ở khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Gil, Đại học Gachon kết luận: "Dữ liệu chứng minh CT-P59 có thể góp phần giảm thời gian hồi phục lâm sàng cũng như giảm tỉ lệ bệnh nhân tiến triển thành ca nặng. Tính an toàn của phương pháp điều trị này ngang ngửa với giả dược và nói chung thuốc được dung nạp tốt. Do đó, có thể dự đoán CT-P59 sẽ góp phần tích cực vào việc quản lý và kiểm soát đại dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới".

Trước đó, dữ liệu thử nghiệm tiền lâm sàng của CT-P59 (thử nghiệm trên động vật) cho thấy tải lượng virus SARS-CoV-2 giảm đến 100 lần và cải thiện tốt thời gian hồi phục. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications

Tập đoàn Celltrion đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu dự kiến lên đến 2 triệu liều CT-P59 trên thế giới.

95% bệnh nhân cũ được miễn dịch tới 8 tháng

celltrion ảnh 3

Kháng thể (hình chữ Y) chống lại virus SARS-CoV-2 - Ảnh: SPL/BSIP

Vào tháng 11-2020, các nhà khoa học ghi nhận kháng thể chống virus SARS-CoV-2 có tác dụng trong tối thiểu 6 tháng. Mới đây, một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science đã chứng minh thời gian miễn dịch còn có thể kéo dài tới 8 tháng.

Các nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở California (Mỹ) đã theo dõi phản ứng miễn dịch của 188 bệnh nhân đã nhiễm COVID-19, trong đó có 43 người nhiễm từ hơn 6 tháng trước.

Các bệnh nhân nhiễm ở mức trung bình (phổ biến nhất) và nặng. Thời gian theo dõi kéo dài 8 tháng.

Theo trang web khoa học Futura (Pháp), các nhà khoa học chú trọng phân tích ba thành phần tế bào liên quan đến trí nhớ miễn dịch gồm tế bào lympho B, tế bào TCD8 và tế bào TCD4.

Trí nhớ miễn dịch được hình thành sau lần tiếp xúc đầu tiên với mầm bệnh. Nếu tiếp tục bị nhiễm bệnh tương tự, các tế bào trí nhớ miễn dịch sẽ sẵn sàng tấn công nhanh hơn và mạnh hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy từ 5-8 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng nhiễm, các tế bào hình thành trí nhớ miễn dịch đã được quan sát thấy đối với 95% bệnh nhân.

Cụ thể 6 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng nhiễm, 90% bệnh nhân vẫn còn kháng thể chống virus, 90% có kháng thể trung hòa, 70% có tế bào TCD8, 92% có tế bào TCD4, đặc biệt sự hiện diện của tế bào lympho B kéo dài thấy rõ.

Các nhà khoa học giải thích đối với số bệnh nhân còn lại, do phản ứng miễn dịch của họ yếu hơn nên họ có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 nhanh hơn bởi lẽ trí nhớ miễn dịch của họ kém, không ghi nhớ lần nhiễm bệnh đầu tiên.

TS Shane Crotty phụ trách êkíp nghiên cứu kết luận: "Như vậy các bệnh nhân cũ may mắn có được khả năng miễn dịch bảo vệ ít nhất chống lại dạng bệnh nặng trong thời gian 8 tháng và có thể còn lâu hơn thế nữa".

Argentina sử dụng huyết thanh ngựa trong điều trị bệnh nhân COVID-19 Argentina sử dụng huyết thanh ngựa trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Công ty Inmunova của Argentina bắt đầu phân phối loại thuốc bào chế từ huyết thanh ngựa để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trên khắp các bệnh viện của nước này.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên