Lễ hội Việt - Nhật khai mạc sáng 9-3
Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 9 do Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM tổ chức, sẽ diễn ra ngày 9 và 10-3 tại công viên 23-9, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM.
Lễ hội có nhiều hoạt động diễn ra tại sân khấu chính như: trình diễn áo dài học đường, hòa tấu nhạc dân tộc Việt Nam - Nhật Bản, biểu diễn múa Yosakoi.
Đặc biệt du khách tham dự có thể trải nghiệm các hoạt động tại những gian hàng như: làm thơ haiku Việt và thơ lục bát, thưởng thức trà đạo Nhật, gấp giấy Origami, trò chơi dân gian Nhật Bản, làm hoa vải Tsumami, tham quan triển lãm áo dài tranh khắc gỗ Nhật Bản, áo dài mặt nạ tuồng Việt Nam, các phụ kiện từ sen...
Góp mặt trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật có các nghệ sĩ Nhật Bản, ca sĩ Tăng Duy Tân…
Dự kiến Lễ hội Việt - Nhật khai mạc lúc 9h30 ngày 9-3.
Việc tử tế: Hoa dưới mặt trời
Chương trình Việc tử tế tháng 3 là câu chuyện về ba phụ nữ giàu lòng nhân ái, như ba đóa hoa hướng dương rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Đó là cô gái mê vẽ Phan Anh Thư - thủ khoa đầu vào khoa thiết kế nội thất Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Cô thường lên các bản vùng cao để dạy vẽ và giao lưu với trẻ em nghèo.
Thư thực hiện hành trình Tour art, tổ chức triển lãm tranh thiện nguyện, giúp các em nhỏ tại Gia Lai có nhà nội trú mới.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (Hà Nội) không may bị tai nạn khiến cho chân trái bị liệt. Chị lập nhóm "Trái tim hồng" tập hợp người khuyết tật đã ra trường trên địa bàn có thể tự làm việc để kiếm sống.
Hai chị Đoàn Trúc Linh và Đoàn Thị Nguyệt mở cửa hàng áo dài 0 đồng ở TP.HCM. Trong một năm cửa hàng đã nhận và trao 6.000 chiếc áo dài đến những người muốn nhận.
Việc tử tế với chủ đề "Hoa dưới mặt trời" phát sóng lúc 20h10 ngày 9-3 trên VTV1.
Những nhớ thương trong Khi người ta trẻ
Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất với mỗi người. Và đây là thông điệp Thay lời muốn nói tháng 3 muốn gửi gắm đến khán giả.
Đó là câu chuyện cô gái 23 tuổi, tạm gác lại việc làm trong ngành luật, xách ba lô lên và đi xuyên Việt một mình bằng xe máy 35 ngày.
Một bạn gái xuất gia năm 16 tuổi, nhưng chí nguyện không thành, hoàn tục khiến cả nhà bị điều tiếng, áp lực của xóm giềng.
Bằng tình yêu thương và sự hy sinh của ba mẹ đã giúp bạn vượt qua những mặc cảm. Và chương trình cũng kể câu chuyện của những nỗi nhớ về thời tuổi trẻ nơi nông trường thanh niên xung phong cùng đồng đội.
Ca sĩ Cẩm Vân, Nguyễn Hải Yến, Giang Hồng Ngọc, Kyo York, Hứa Kim Tuyền, Cece Trương, Bảo Kun… tham gia Thay lời muốn nói phát lúc 21h ngày 10-3, trên HTV9.
Con trai nghệ sĩ Kim Xuân tham gia Dấu ấn Việt
Dấu ấn Việt - chương trình mới lên sóng lúc 21h trên THVL1 từ 9-3. Đây là cuộc thi ca hát với mục đích tôn vinh dòng nhạc cách mạng, trữ tình, dân ca, quê hương.
Điểm đặc biệt của mùa giải đầu tiên có sự góp mặt những ca sĩ nổi bật trong dòng nhạc này làm giám khảo. Đó là ca sĩ Cao Minh, Đông Đào và đạo diễn Vũ Thành Vinh.
Các thí sinh tham gia gồm có Hồng Mơ, Trúc Lai, Yên Nhiên, MiHa, Dương Quốc Hưng, Huy Luân, Đoàn Đại Hòa, Triệu Long.
Chậm rãi, lắng đọng trong Tiếng yêu không lời
Tiếng yêu không lời là câu chuyện xoay quanh mối tình của chàng trai trẻ Aoi (Ryosuke Yamada) - người có khao khát trở thành nghệ sĩ piano và Mika (Minami Hamabe).
Vì một tai nạn bất đắc dĩ, Mika mất đi thị lực. Tuy nhiên, Aoi vẫn luôn quan tâm và ở bên cạnh cô, bảo vệ cô bằng sự dịu dàng và chân thành của mình.
Nhưng liệu tình cảm đó có thể kéo dài mãi mãi? Hay số phận sẽ đưa cặp đôi tới những ngã rẽ không ngờ trong đời?
Tiếng yêu không lời là tác phẩm điện ảnh sâu lắng, chạm đến trái tim người xem bằng sự dung dị, nhẹ nhàng.
Đạo diễn Eiji Uchida đã dùng nhịp phim chậm rãi để dẫn dắt khán giả qua từng cung bậc cảm xúc.
Đây vốn là phong cách thường thấy trong nhiều bộ phim từ Nhật Bản. Phim ra rạp Việt từ ngày 8-3.
Đêm diễn tái ngộ Tú Sương - Võ Minh Lâm cháy vé
Tối 9-3, tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ diễn ra vở cải lương tuồng cổ Đường về San hậu thành (tác giả: Nguyễn Quang Nhã, đạo diễn: NSƯT Ngọc Dung).
Có thể nói, vài tháng rồi đôi bạn diễn ăn ý Tú Sương, Võ Minh Lâm mới tái hợp và đóng cặp trọn vở cải lương trên sân khấu.
Người hâm mộ của cặp đôi này không thể bỏ lỡ nên cả tuần trước đêm diễn, vở đã rơi vào tình trạng "cháy vé".
Trong Đường về San hậu thành, Tú Sương vào vai Phàn Phụng Cơ, còn Võ Minh Lâm là nhân vật Đổng Kim Lân.
Vở còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Vân Hà, Chí Bảo, Hoàng Hải, Lê Thanh Thảo, Tâm Tâm, Chí Cường, Lâm Minh Nghiêm, Hùng Vương…
Giao lưu ra mắt bộ truyện tranh Tàn lửa
Lúc 9h ngày 10-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ diễn ra buổi giao lưu ra mắt bộ truyện tranh Tàn lửa mang tên Để giữ lửa cháy mãi…
Bộ truyện tranh Tàn lửa của tác giả Lilywiu. Cô tên thật là Lê Lợi Thư Đình, đang học Trường đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (HAW Hamburg).
Cô đã tham dự nhiều triển lãm nghệ thuật và truyện tranh, trong đó truyện ngắn Innocent rabbit của cô mới nhận được giải Standard Award của Vietnam Manga Festival do Indent tổ chức.
Tàn lửa dự kiến sẽ có 7 tập sách, xoay quanh bốn anh em nhà họ Chu trên một hòn đảo hư cấu. Ở đó bất ngờ xảy ra những sự cố và bộc lộ dần những vấn đề trong cuộc chiến gia tộc.
Tập đầu tiên đã phát hành vào ngày 8-3.
Sân khấu kịch dịp 8-3
Dịp 8-3 năm nay nhiều sân khấu diễn suốt ba ngày 8, 9 và 10-3 phục vụ phái nữ.
Ngày 8-3, sân khấu Thế Giới Trẻ diễn vở Nghiệp quật, ngày 9-3 diễn vở Tâm ma, Ở đây ai tỉnh?, còn 10-3 là vở Bóng đàn ông, Mỹ vị nam vương.
Ngày 10-3, sân khấu Trương Hùng Minh diễn Truy lùng thái tử.
Nhà hát kịch Idecaf diễn Tấm Cám đại chiến ngày 8-3, 9-3 là vở Một ngày làm vua và 10-3 diễn vở Thuốc đắng giã tật.
Ngày 9-3, nhà hát Thanh Niên diễn vở Đại hội yêu quái - 7 yêu nhền nhện và Lạc lối ở Bangkok.
Ngày 9-3, sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn Lạc ở đáy sông và Lồng sắt, 10-3 là vở Bàn tay của trời.
Sân khấu Hồng Vân diễn Bông cánh cò ngày 8-3, Kỳ án 292 ngày 9-3 và Ngôi nhà hoang ngày 10-3.
Ngày 8-3, sân khấu kịch Thiên Đăng diễn Duyên thệ, 9-3 là vở Giáng Hương và 10-3 vở Ngôi nhà trong mây.
Nhà hát kịch 5B diễn vở Ái tình ngoài hôn nhân ngày 9-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận