
Ông Trump chính thức áp mức thuế 104% với hàng Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Mỹ chính thức áp thuế quan 104% với hàng Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, ngày 8-4 (giờ địa phương), một quan chức Nhà Trắng khẳng định Mỹ chính thức áp thuế quan 104% lên hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ 0h ngày 9-4 (giờ Washington).
Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh không từ bỏ việc áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ trước hạn chót trưa 8-4 được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump tin rằng Bắc Kinh nên tìm cách đạt thỏa thuận với Mỹ liên quan đến những khoản thuế sắp có hiệu lực.
Bà Leavitt nhấn mạnh: "Trung Quốc muốn thỏa thuận. Họ chỉ không biết cách. Ông (Trump) tin Trung Quốc phải làm thế. Nếu Trung Quốc chủ động đánh tiếng, ông Trump sẽ cực kỳ trân trọng và ông ấy sẽ làm điều tốt nhất cho người dân Mỹ".
Trong một sự kiện ngày 8-4, ông Trump tuyên bố Mỹ đang thu hơn 2 tỉ USD mỗi ngày từ thuế quan. Tuy nhiên ông không cung cấp chi tiết chứng minh con số này.
Chứng khoán Mỹ trải qua ngày điên rồ

Phố Wall tiếp tục đỏ rực ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Wall Street Journal, thị trường chứng khoán Mỹ đóng phiên giao dịch ngày 8-4 với sắc đỏ ngày thứ tư liên tiếp.
Đáng chú ý, các chỉ số đều đã tăng mạnh mẽ vào đầu phiên khi giới đầu tư tràn trề hy vọng rằng chính quyền ông Trump có thể sẽ nương tay với thuế quan. Tuy nhiên đà tăng này nhanh chóng đảo ngược và bị xóa trắng sau khi giới chức Nhà Trắng thể hiện rõ việc không có ý định nhượng bộ.
Đầu phiên 8-4, chỉ số Dow Jones tăng tận 1.461 điểm. Đến cuối phiên, Dow Jones giảm 0,8% so với ngày 7-4 (tương đương 320 điểm) và chạm mức thấp nhất trong 52 tuần.
Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,6% và Nasdaq mất 2,2%. Đáng chú ý, đã có thời điểm đầu phiên cả hai chỉ số này tăng tận hơn 4% trong phiên.
Đối với S&P 500, đây là lần đầu tiên kể từ ít nhất năm 1978 mà chỉ số này có phiên giao dịch dao động mạnh đến mức tăng hơn 4% trong ngày rồi quay đầu giảm hơn 1% khi đóng cửa.
Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ ít nhất năm 1982 nhưng rồi quay đầu giảm mạnh.
Sự lạc quan ban đầu xuất hiện khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết chính quyền Trump sẵn sàng đàm phán nhằm cắt giảm thuế quan, và rằng Mỹ có thể "kết thúc với một số thỏa thuận tốt đẹp".
Tuy nhiên, không khí hồ hởi không kéo dài hết buổi sáng. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết ông Trump sẽ không đưa ra bất kỳ miễn trừ nào đối với các mức thuế mới. Thị trường bắt đầu giảm từ giữa buổi sáng.
Ông Zelensky nói bắt hai người Trung Quốc chiến đấu cho Nga tại Ukraine

Ảnh chụp màn hình video được ông Zelensky công bố, khẳng định người trong video là công dân Trung Quốc chiến đấu cho Nga tại Ukraine
Tối 8-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo lực lượng vũ trang Ukraine vừa bắt giữ hai công dân Trung Quốc chiến đấu cho Nga ở miền đông Ukraine.
Trong bài đăng kèm video của một trong hai người bị bắt đăng trên mạng xã hội X, ông Zelensky nói Kiev "có thông tin cho thấy còn nhiều công dân Trung Quốc khác" đang tham chiến.
Ông Zelensky đăng video, nói bắt 2 người Trung Quốc chiến đấu cho Nga tại Ukraine - Nguồn: Volodymyr Zelensky
Tuy nhiên, ông không nói rõ Ukraine có cho rằng những người này hành động theo lệnh từ Bắc Kinh hay không.
Tổng thống Ukraine khẳng định: "Việc Nga lôi kéo Trung Quốc, cùng với các quốc gia khác, dù trực tiếp hay gián tiếp, tham gia cuộc chiến tại châu Âu là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề có ý định chấm dứt chiến tranh".
"Có sự khác biệt: lính Triều Tiên chiến đấu chống lại chúng tôi ở mặt trận Kursk (thuộc Nga). Còn người Trung Quốc thì đang chiến đấu ngay trên lãnh thổ Ukraine", ông Zelensky nhấn mạnh với báo chí.
Tổng thống Ukraine bày tỏ hy vọng vụ việc này sẽ khiến Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Nga trong tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt giao tranh.
"Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sau tình huống này, người Mỹ sẽ trao đổi nhiều hơn với Ukraine, rồi mới đến Nga", ông nói.
Trong một tuyên bố riêng, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết Kiev đã triệu tập đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Ukraine "để lên án sự việc này và yêu cầu lời giải thích".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết các báo cáo về việc công dân Trung Quốc bị bắt tại Ukraine là "đáng lo ngại", nhưng không nói liệu Washington đã xác minh được thông tin này hay chưa.
Hiện phía Trung Quốc và Nga đều chưa lên tiếng phản hồi vấn đề này.
Mỹ - Nga đàm phán ngày 10-4, không bàn vấn đề Ukraine

Bàn đàm phán Mỹ - Nga hồi tháng 2 tại Saudi Arabia - Ảnh: REUTERS
Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo phái đoàn quan chức Mỹ và Nga sẽ gặp nhau lần thứ hai tại Istanbul vào ngày 10-4 để "chỉ" thảo luận việc ổn định hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao song phương.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết các cuộc thảo luận sẽ không bao gồm bất kỳ vấn đề chính trị hay an ninh nào.
Bà Bruce nhấn mạnh: "Ukraine hoàn toàn không nằm trong chương trình nghị sự. Các cuộc trao đổi này chỉ tập trung vào hoạt động của đại sứ quán, không nhằm mục tiêu bình thường hóa quan hệ song phương. Như chúng tôi đã nói, việc bình thường hóa chỉ có thể diễn ra khi có hòa bình giữa Nga và Ukraine".
Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn Nga TASS cũng dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga đưa tin về thời gian và địa điểm đàm phán.
Theo TASS, phái đoàn Nga sẽ do ông Alexander Darchiev - tân đại sứ Nga tại Mỹ - dẫn đầu. Trưởng phái đoàn Mỹ sẽ là phó trợ lý ngoại trưởng Sonata Coulter.
Mỹ cảnh cáo Nga tại Liên hợp quốc
Ngày 8-4, quyền đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Dorothy Shea cảnh cáo Nga trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng Washington "không kiên nhẫn với việc đàm phán thiếu thiện chí hoặc vi phạm các cam kết".
"Cuối cùng, chúng tôi sẽ đánh giá cam kết của Tổng thống Putin đối với một lệnh ngừng bắn dựa trên hành động thực tế của Nga", bà Shea khẳng định trước hội đồng.
Hội đồng Bảo an nhóm họp sau khi một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào thành phố Kryvyi Rih - quê nhà ông Zelensky - hồi tuần trước khiến 11 người lớn và 9 trẻ em thiệt mạng. Nga khẳng định cuộc tấn công nhắm vào một địa điểm nơi có gần 100 binh sĩ Ukraine đang họp.
"Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga lưu ý rằng những cuộc không kích như tại Kryvyi Rih, cũng như việc hành quyết tù binh chiến tranh, có thể làm tổn hại đến các nỗ lực hòa bình và tất cả những cuộc đối thoại liên quan", bà Shea nói thêm.
Phản hồi những chỉ trích, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia khẳng định phía Ukraine phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân thường. Ông nhấn mạnh thiệt hại dân thường trong cuộc tấn công trên là hậu quả của nỗ lực đánh chặn tên lửa Nga.
Ông cũng nhắc lại trước Hội đồng Bảo an rằng một trong những mục tiêu lâu dài của Matxcơva là phi quân sự hóa Ukraine "bằng biện pháp quân sự hoặc đàm phán" để đảm bảo Kiev không còn là mối đe dọa đối với Nga.
"Chúng tôi sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc và thực chất, nhưng sẽ không để bất kỳ ai đánh lừa. Chúng tôi cũng sẽ không để ai lợi dụng tiến trình đàm phán này nhằm tăng cường tiềm lực quân sự cho chính quyền Kiev" - ông Nebenzia nhấn mạnh.
Triều Tiên nhấn mạnh không từ bỏ hạt nhân

Bà Kim Yo Jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA
Sáng 9-4, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vị thế là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bà Kim tuyên bố: "Vị thế quốc gia hạt nhân của Triều Tiên, cùng với 'năng lực răn đe hạt nhân mạnh mẽ và thực chất', là hậu quả của các mối đe dọa thù địch từ bên ngoài".
Bà nhấn mạnh vị thế ấy "sẽ không thay đổi dù có bị bất kỳ ai phủ nhận đến mức tuyệt vọng".
"Chúng tôi không quan tâm đến việc người khác có công nhận hay phủ nhận. Chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi lựa chọn của mình. Đây là quyết định kiên định mà không một sức mạnh vật lý hay mưu kế nào có thể đảo ngược", bà Kim khẳng định.
KCNA cho biết tuyên bố của bà Kim được đưa ra hôm 8-4. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng đây là phản ứng của Bình Nhưỡng trước tuyên bố chung của ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ bên lề cuộc họp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tuần trước.
Trong tuyên bố trên, ba ngoại trưởng tái khẳng định "cam kết đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên".
Sau cuộc không kích

Những đứa trẻ Palestine ngồi giữa đống đổ nát tại hiện trường cuộc không kích của Israel nhằm vào một ngôi nhà ở Deir Al-Balah, miền trung Dải Gaza, hôm 8-4. (Reuters/Ramadan Abed)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận