Tổng thống Ukraine thăm Anh và Pháp
Hôm 8-2, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tới thủ đô Paris của Pháp. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kể từ tháng 2-2022, thời điểm Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Chuyến đi Pháp được cho có ý nghĩa quan trọng đối với toan tính của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Châu Âu đã thể hiện sự ủng hộ nhất quán dành cho Ukraine trong cuộc xung đột này. Tuy nhiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người có quan điểm thận trọng khi xử lý các vấn đề liên quan tới viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Macron cũng từng gây tranh cãi khi thể hiện lập trường khác biệt về cách cuộc giao tranh này chấm dứt.
Trả lời phỏng vấn trước chuyến đi này, ông Zelensky nói ông tin rằng tổng thống Pháp "đã thay đổi".
"Tôi nghĩ ông ấy đã thay đổi, lần này thực sự thay đổi. Sau tất cả, ông ấy đã mở cánh cửa để xe tăng được cung cấp cho Ukraine. Ông ấy cũng ủng hộ đơn xin gia nhập EU của Ukraine. Tôi cho đây là một tín hiệu thực sự", lãnh đạo Ukraine nói.
* Ấn định thời gian xe tăng Challenger 2 của Anh bắt đầu làm nhiệm vụ ở Ukraine. Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 8-2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo xe tăng Challenger 2 của Anh gửi Ukraine sẽ được triển khai tại Ukraine vào "tháng sau".
"Các lính lái xe tăng Ukraine đã tới (Anh) tuần trước sẽ sử dụng xe tăng Challenger 2 để bảo vệ lãnh thổ Ukraine vào tháng tới", Hãng tin AFP dẫn lời ông Sunak.
Trước đó, Vương quốc Anh đã cam kết gửi xe tăng Challenger 2 cho Ukraine nhằm giúp nước này đối phó với quân đội Nga. Phía Ukraine đã từng liệt kê Challenger 2 vào danh sách những đợt chuyển giao xe tăng đầu tiên, giữa bối cảnh hoài nghi về việc giao xe tăng và huấn luyện sẽ mất nhiều thời gian. Vừa qua, ông Zelensky và ông Sunak đã tới thị sát cuộc huấn luyện sử dụng xe tăng tại vùng tây nam nước Anh.
Sau khi tới thăm Anh, ông Zelensky tiếp tục chuyến đi châu Âu và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Ngày 9-2, ông Zelensky sẽ đến Brussels (Bỉ) và dự kiến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).
* Nga tăng cường tấn công khi Ukraine chờ nhận vũ khí viện trợ mới. Các lực lượng Nga đã và đang tăng cường tấn công ở miền Đông Ukraine, triển khai hàng chục nghìn binh sĩ mới được huy động đến chiến trường, trong khi Kiev dự đoán Matxcơva sẽ mở rộng chiến dịch quân sự khi các thị trấn ở Đông Bắc và Nam bị oanh kích.
Giám đốc An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 7-2 rằng Điện Kremlin dự kiến sẽ nhắm mục tiêu vào các khu vực phía Đông Bắc Kharkiv hoặc phía Nam Zaporizhzhia trong một cuộc tấn công mới.
"Những nỗ lực tấn công theo hướng Kharkiv hoặc Zaporizhzhia tất nhiên sẽ được thực hiện. Thành công của họ như thế nào sẽ phụ thuộc vào chúng tôi", ông Danilov nói với Reuters. Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết vào tối cùng ngày rằng hơn 30 thị trấn và làng mạc ở Kharkiv và 20 cộng đồng ở Zaporizhzhia đã bị tấn công.
* Mỹ cảnh báo "đội" khinh khí cầu Trung Quốc, NATO lo ngại. Hôm 8-2, Mỹ khẳng định loại khinh khí cầu nghi của Trung Quốc dùng để do thám mà Washington bắn hạ mới đây là một phần trong "đội khinh khí cầu" hiện diện ở khắp các châu lục.
Mỹ đã chia sẻ thông tin khinh khí cầu Trung Quốc với các đồng minh, và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã nêu lo ngại về công cụ do thám này.
Đến thăm Washington, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khinh khí cầu Trung Quốc ở Mỹ vừa qua cho thấy nhu cầu tự vệ của các nước thành viên NATO. Ông nói: "Khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Mỹ xác nhận một kiểu hành vi của Trung Quốc, nơi chúng ta thấy rằng trong nhiều năm gần đây Trung Quốc đã đầu tư kỹ lưỡng vào những khả năng quân sự mới".
Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Syria sau vụ động đất
* Nối lại viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho Syria. Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới khu vực tây bắc Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nối lại trong ngày 9-2. Các đợt chuyển hàng này đã tạm gián đoạn do thảm họa động đất mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong nhiều năm qua, Liên Hiệp Quốc xem việc tiếp cận được khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria có ý nghĩa sống còn với khoảng 4 triệu người Syria, những người phải lệ thuộc nhiều vào viện trợ nhân đạo. Syria đang gặp thảm họa kép với hàng ngàn người thiệt mạng và nhà cửa bị phá hủy sau trận động đất ngày 6-2, trong khi đất nước này vốn dĩ đã gặp khó vì chiến tranh triền miên.
* WHO cử chuyên gia và vật tư y tế hỗ trợ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ngày 8-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tại hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong trận động đất mạnh hồi đầu tuần này.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO cũng sẽ cử ba máy bay chở vật tư y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá, trong đó một chuyến bay đang trên đường đến thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện của WHO tại Syria, tiến sĩ Iman Shankiti cho biết "nhu cầu về y tế là rất lớn".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 8-2 cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có lều bạt và chăn màn để giúp những người sống sót trong điều kiện thời tiết giá lạnh ở các quốc gia này. Theo Chính phủ Anh, hàng cứu trợ sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 15.000 người.
Tổng số người thiệt mạng vì động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 11.000 người, trong đó ở Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 8.500 người. Con số này được cho là sẽ còn tăng vì động đất khiến hàng trăm tòa nhà đổ sập tại nhiều thành phố, vùi lấp những người dân còn đang ngủ. Thời tiết giá lạnh khắc nghiệt tại nhiều vùng chịu ảnh hưởng của động đất càng gây khó khăn cho công tác tìm kiếm và cứu những người còn mắc kẹt bên trong các đống đổ nát. Tính đến nay, đây là trận động đất gây thiệt hại nghiêm trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1999.
Nàng Carmen bằng chanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận