Nga, Ukraine tố lẫn nhau dùng vũ khí hóa học
Theo Hãng tin Reuters ngày 8-5, cả Nga và Ukraine đều tố cáo trước Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) rằng đối phương sử dụng loại khí tài trên.
Cụ thể, ngày 7-5, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha khẳng định vừa trao đổi với giám đốc OPCW Fernando Arias về tình hình sử dụng đạn dược chứa chất hóa học của Nga trên chiến trường.
Ông Sybiha cho biết Quốc hội Ukraine đã thông qua văn bản thỏa thuận "mở ra cơ hội tổ chức các đoàn hỗ trợ kỹ thuật của OPCW đến Ukraine".
Trước đó ít ngày, Mỹ cũng tố Nga vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học quốc tế do OPCW giám sát khi sử dụng chất gây ngạt chloropicrin chống lại binh sĩ Ukraine và dùng các hóa chất chống bạo động trên chiến trường.
Ở chiều ngược lại, trong tài liệu đăng trên trang web của OPCW, Matxcơva cũng tố Kiev sử dụng "nhiều loại chất hóa học độc hại chống lại binh sĩ Nga và các cán bộ nhà nước". Các hóa chất Nga tố Ukraine dùng bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu và các loại chất độc bị cấm khác.
Phản hồi các cáo buộc trên, OPCW khẳng định tất cả đều "chưa có đủ bằng chứng". Tổ chức này nhấn mạnh: "Về khả năng chất độc hóa học một lần nữa được dùng làm vũ khí, tình hình vẫn đang rất biến động và cực kỳ đáng lo ngại".
OPCW cũng cho biết cả Nga và Ukraine đều chưa chính thức yêu cầu mở cuộc điều tra nhắm vào đối phương.
Romania sẵn sàng đàm phán gửi hệ thống Patriot cho Ukraine
Ngày 7-5, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết ông cởi mở với việc đàm phán gửi một hệ thống phòng không Patriot của nước này cho Ukraine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau nhiều tháng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu các nước đồng minh cung cấp vũ khí này. Trước đó không lâu, Đức đã đồng ý gửi thêm cho Ukraine một hệ thống Patriot nữa.
Ông Iohannis thông báo: "Trong vài tuần qua, chúng tôi đã thảo luận về việc những nước nào có thể gửi hệ thống Patriot cho Ukraine. Tổng thống [Mỹ] Joe Biden đã nhắc đến nó trong cuộc họp của chúng tôi và tôi khẳng định tôi sẵn sàng đàm phán.
Trước tiên, tôi phải trao đổi việc này với Hội đồng phòng thủ tối cao để xem chúng tôi có thể cho những gì và chúng tôi sẽ nhận lại gì. Việc để Romania rơi vào cảnh không có phòng không vẫn không thể chấp nhận".
Romania hiện sở hữu một hệ thống Patriot và một số đã đặt hàng sản xuất. Ông Iohannis khẳng định vũ khí sẽ được đem ra thảo luận là một trong những hệ thống sắp được bàn giao.
Israel bít đường tiếp tế Gaza
Ngày 7-5, quân đội Israel đã tiến vào phía bên Dải Gaza của cửa khẩu Rafah - tuyến đường bộ duy nhất ra khỏi dải đất này không dẫn ra lãnh thổ Israel.
Ngay sau khi tiến vào khu vực Rafah, quân đội Israel đã cho đóng cửa cửa khẩu quan trọng bậc nhất trong việc vận chuyển hàng hóa viện trợ vào Gaza này.
Ngoài Rafah, một cửa khẩu khác là Kerem Shalem cũng đã bị Israel đóng cửa, khiến hầu như mọi nguồn tiếp tế lương thực từ ngoài vào dải đất này bị cắt đứt.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết các chuyến hàng viện trợ từ Ai Cập vào Dải Gaza hiện đều đã bị tạm ngừng.
Đứng trước tình trạng này, ông Philippe Lazzarini, lãnh đạo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA), tuyên bố trên X: "Các cửa khẩu này là nguồn sống. Chúng cần được mở cửa lại ngay lập tức".
Cũng trong ngày 7-5, Jordan cho biết một nhóm người Israel đã tấn công một đoàn xe nhân đạo đang trên đường tiến đến một cửa khẩu ở phía bắc Gaza.
Nhà Trắng không nộp báo cáo vi phạm nhân quyền của Israel đúng hạn
Một số nguồn tin của Reuters tại Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo với quốc hội nước này rằng bản báo cáo về việc liệu Israel có vi phạm luật nhân đạo quốc tế tại Dải Gaza hay không sẽ không thể được nộp đúng hạn 8-5.
Trước đó, hồi tháng 2, ông Biden ra chỉ thị yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ tìm hiểu và soạn thảo bản báo cáo trên để trình ra quốc hội.
Trọng tâm của bản báo cáo này là phân tích mức độ xác thực của việc Israel khẳng định nước này không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để vi phạm pháp luật Mỹ và quốc tế.
Đây là bản báo cáo quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến quyết định cung cấp vũ khí của Washington cho Tel Aviv.
Phiên tòa xử ông Trump hoãn vô thời hạn
Ngày 7-5, phiên tòa xét xử vụ án ông Trump lưu giữ trái phép hồ sơ mật đã bị thẩm phán Aileen Cannon dời ngày bắt đầu. Đây là một trong hai vụ án hình sự cấp liên bang mà ông Trump đang đối mặt.
Ban đầu, vụ án này được lên lịch bắt đầu xử từ ngày 20-5. Tuy nhiên, đến nay cả bên công tố và phía bị cáo đều thừa nhận với tòa rằng ngày xét xử cần được dời.
Bà Cannon hiện chưa công bố ngày bắt đầu xét xử mới. Tuy nhiên, bà đã ra thời hạn cho việc hoàn tất quá trình điều trần tiền xét xử là ngày 22-7.
Việc dời phiên tòa trên giúp giảm đáng kể khả năng ông Trump phải ra tòa vì một vụ án cấp liên bang trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5-11 sắp tới.
TikTok đâm đơn kiện Washington
Ngày 7-5, mạng xã hội TikTok và công ty mẹ ByteDance đã chính thức nộp đơn kiện một đạo luật an ninh vừa được Tổng thống Joe Biden ký hồi tháng 4 lên tòa án liên bang nước này.
Đạo luật này buộc Công ty ByteDance (trụ sở tại Trung Quốc) thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng nếu không muốn mạng xã hội này bị cấm hoạt động ở Mỹ.
Đơn kiện của TikTok khẳng định đạo luật trên vi phạm nhiều điều khoản trong Hiến pháp Mỹ, bao gồm quy định bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.
Đơn kiện tuyến bố: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm toàn quốc vĩnh viễn một nền tảng phát ngôn bị chỉ mặt điểm tên".
TikTok cũng nhấn mạnh việc buộc ByteDance thoái vốn là bất khả thi "cả trên lĩnh vực thương mại, kỹ thuật và pháp lý".
Mạng xã hội này nhấn mạnh trong đơn kiện Công ty ByteDance có đến 58% cổ phần được sở hữu bởi các tổ chức đầu tư quốc tế như BlackRock, General Atlantic...; 21% cổ phần sở hữu bởi nhà sáng lập người Trung Quốc. Chủ nhân của 21% cổ phần còn lại là nhân viên công ty, trong đó có đến 7.000 người là công dân Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận