Pháp đưa quyền phá thai vào hiến pháp
Theo Hãng tin AFP, ngày 5-3, Quốc hội Pháp đã thông qua việc đưa quyền phá thai của phụ nữ vào hiến pháp. Điều này biến Pháp trở thành quốc gia đầu tiên bảo vệ quyền chấm dứt thai kỳ với tư cách là quyền hiến định.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp lưỡng viện của Quốc hội. Tại đây, đề xuất đưa quyền phá thai vào hiến pháp đã được thông qua dễ dàng với 780 phiếu thuận và chỉ 72 phiếu chống.
Việc Quốc hội Pháp họp chung cả Thượng viện và Hạ viện là điều tương đối hiếm. Sự kiện này chỉ xảy ra vào những dịp quan trọng như thay đổi hiến pháp. Lần cuối Hiến pháp Pháp được sửa đổi là từ năm 2008.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả quyết định vừa rồi là dịp "niềm kiêu hãnh của người Pháp" đưa ra một "thông điệp luôn đúng".
"Đây là một bước đi nền tảng. Một bước đi sẽ được ghi vào sử sách", Thủ tướng Pháp Gabriel Attal phát biểu trước các nghị sĩ sau khi kêu gọi họ thông qua quyết định trên.
Ông Attal cũng nhấn mạnh chính quyền nợ "khoản nợ đạo đức" với tất cả những người phụ nữ từng chịu thiệt thòi trước khi việc nạo phá thai được hợp pháp hóa.
Ukraine nhận trách nhiệm vụ nổ đường tàu Nga
Theo Hãng tin AFP, ngày 4-3, lực lượng tình báo thuộc quân đội Ukraine tuyên bố nhận trách nhiệm với vụ nổ đường tàu trước đó cùng ngày tại vùng Samara ở tây nam Nga.
"Một cầu đường sắt bắc qua sông Chapayevka ở vùng Samara của Nga đã bị đánh nổ. Vào ngày 4-3, vào khoảng 6h sáng, cây cầu trên đã bị hư hại bằng cách làm nổ các cấu trúc nâng đỡ", lực lượng này khẳng định.
Quân đội Ukraine cho biết tuyến đường sắt bị tấn công được Nga sử dụng để vận chuyển đạn dược từ một nhà máy thuộc thành phố Chapayevsk. Vụ tấn công kể trên sẽ vô hiệu hóa đường tàu này "trong thời gian dài".
Cuộc tấn công trên là sự kiện mới nhất trong một loạt cuộc tấn công vào mạng lưới đường sắt Nga của Kiev. Ukraine cho rằng Matxcơva sử dụng các tuyến đường bị tấn công để vận chuyển binh lính và trang thiết bị phục vụ chiến sự ở Ukraine.
Ukraine nói chưa nhận 17 tỉ USD tiền ủng hộ
Ngày 4-3, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal thông báo Kiev chưa nhận hơn 17 tỉ USD tiền ủng hộ được gây quỹ bởi hai sự kiện kêu gọi nhà tài trợ ở Ba Lan hồi đầu năm 2022.
Ông Shmygal cho biết: "Ukraine chưa nhận được đồng nào. Khoản tiền nêu trên được gây quỹ bởi Ba Lan cùng Ủy ban châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine. Về việc chúng đã đổ về đâu, giúp đỡ ai..., Ukraine không nhận được gì cả".
Tháng 4-2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố một sự kiện gây quỹ quốc tế cho những người tị nạn Ukraine ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) đã gây quỹ được 10,1 tỉ euro (10,9 tỉ USD).
Đến tháng 5-2022, một sự kiện cũng được Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn khác ở Warsaw đã kêu gọi được 6,3 tỉ euro (6,8 tỉ USD).
Tuyên bố trên của ông Shmygal được đưa ra trong bối cảnh Ukraine và láng giềng Ba Lan "cơm không lành, canh không ngọt" trong nhiều tháng do tranh cãi trong vấn đề nhập khẩu ngũ cốc và yêu cầu ngăn nông sản Ukraine tràn vào Ba Lan của các nông dân nước này.
NATO tập trận lớn "Phản ứng lạnh"
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-3 thông báo cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ Bắc Âu của liên minh này đã bắt đầu cùng ngày để đối phó tình hình căng thẳng leo thang ở châu Âu, khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3.
Theo thông báo trên, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ, tới từ 13 quốc gia. Cuộc tập trận do Na Uy dẫn đầu mang tên "Phản ứng của Bắc Âu 2024" đánh dấu sự tham gia lớn nhất từ trước đến nay của Phần Lan trong một cuộc tập trận quân sự ở nước ngoài, với hơn 4.000 binh sĩ Phần Lan tham gia. Động thái này diễn ra sau quyết định lịch sử của Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm ngoái.
Từng được biết tới với tên gọi "Phản ứng lạnh", cuộc tập trận 2 năm một lần này mở rộng sang lãnh thổ Phần Lan và tiếp đó là Thụy Điển.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho hay Matxcơva đang theo dõi cuộc tập trận mà Matxcơva coi là mang tính khiêu khích này.
Cựu quân nhân phát tán tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ nhận tội
Ngày 4-3, trước tòa án liên bang Mỹ, cựu quân nhân từng phục vụ trong Lực lượng Phòng không quốc gia bang Massachusetts Jack Teixeira (23 tuổi) đã nhận có tội đối với 6 cáo buộc cố tình phát tán thông tin quốc phòng.
Với việc này, Teixeira sẽ đối diện án tù lên đến 16 năm 8 tháng, đồng thời phải trả khoản tiền phạt 50.000 USD và hợp tác với cán bộ tình báo nhằm xác định mức độ tác động của các thông tin bị lộ.
Việc Teixeira nhận tội là một phần thỏa thuận giữa đội ngũ luật sư của cựu quân nhân này với phía công tố. Bằng cách nhận tội cố tình phát tán thông tin quốc phòng, Teixeira sẽ không phải đối diện cáo buộc gián điệp, vốn có thể khiến ngồi tù chung thân.
Teixeira bị bắt hồi tháng 4-2023 sau khi phát tán một loạt tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ lên nền tảng mạng xã hội Discord. Các thông tin này sau đó được phát tán rộng rãi trên mạng và trở thành một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật tai hại nhất lịch sử xứ cờ hoa.
Ông Elon Musk bị cựu lãnh đạo Twitter kiện vì quỵt tiền chấm dứt hợp đồng
Ngày 4-3, một nhóm cựu lãnh đạo mạng xã hội Twitter, hiện đã được đổi tên thành X, kiện tỉ phú Elon Musk vì đã không trả họ 130 triệu USD tiền chấm dứt hợp đồng.
Tháng 10-2022, ông Musk hoàn tất thương vụ mua lại Twitter. Từ đó đến nay, ông đã sa thải một loạt nhân viên cấp cao của công ty này, bao gồm cựu giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal và cựu giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal.
Cả hai người này đều tham gia vào nhóm cựu lãnh đạo kiện ông chủ X kể trên. Hồ sơ khởi kiện khẳng định ông Musk nợ ông Agrawal 57,4 triệu USD và ông Segal 44,5 triệu USD.
"Ông Musk không trả tiền mình nợ và tin rằng luật lệ không áp dụng lên ông ấy. Ông ấy dùng tài sản và quyền lực để hành xử thô lỗ với bất kỳ ai bất đồng với ông ta", đơn kiện nêu rõ.
Hiện ông Musk chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận