Cuộc đua vào ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ đang nóng dần dù chỉ mới một ngày sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm. Các nhà lập pháp Cộng hòa không có nhiều thời gian và Chính phủ Mỹ cũng vậy.
Lộ diện ứng viên cho ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ
Cuộc đua thay thế chủ tịch Hạ viện bị phế truất Kevin McCarthy đã thành hình vào những giờ cuối ngày 4-10 (giờ Mỹ).
Ông Steve Scalise, nhân vật số 2 của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và hạ nghị sĩ Jim Jordan đều tuyên bố sẽ cạnh tranh cho chiếc ghế còn bỏ trống.
Đảng Cộng hòa đã ấn định cuộc bỏ phiếu vào ngày 11-10 để chọn người kế nhiệm và dự kiến sẽ gặp nhau một ngày trước đó để lắng nghe ý kiến của các ứng cử viên.
Cuộc chiến giành ghế chủ tịch Hạ viện đang đốt cháy thời gian mà lẽ ra các nhà lập pháp phải dành cho việc đàm phán gia hạn ngân sách Chính phủ trước khi nó hết hạn vào ngày 18-11.
Ông Scalise, 57 tuổi, người đang điều trị bệnh ung thư, từ lâu đã được coi là người kế nhiệm rõ ràng của ông McCarthy nhưng bảo thủ hơn. Ông này đã gặp riêng với các đảng viên Cộng hòa để tìm kiếm sự ủng hộ.
Trong khi đó hạ nghị sĩ Jim Jordan nổi tiếng vì thái độ đối đầu với Tổng thống Joe Biden và ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump nhiệt thành.
Hạ nghị sĩ Kevin Hern, người lãnh đạo một nhóm các nhà lập pháp bảo thủ, cũng cho biết ông đang xem xét gia nhập cuộc đua. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries dự kiến sẽ đối đầu với bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào, giống như ông đã làm vào tháng 1 vừa qua.
Đa số dân Mỹ không tin các nghị sĩ vượt qua được khác biệt
Một cuộc thăm dò nhanh của Reuters/Ipsos cho thấy 2/3 người Mỹ tin rằng các chính trị gia ở Washington không thể gạt bỏ sự khác biệt đảng phái để thực hiện công việc của mình.
Khoảng 64% số người được hỏi không đồng ý với nhận định rằng các chính trị gia ở thủ đô có thể "gạt sự khác biệt đảng phái sang một bên vì lợi ích của quốc gia".
Khoảng 27% đồng ý với nhận định này và 9% không bày tỏ ý kiến.
Ngoài ra, 43% số người được hỏi cho biết họ đồng ý rằng Quốc hội có thể thực hiện chức năng cơ bản của mình là thông qua luật ngân sách để Chính phủ có thể hoạt động, so với 47% không đồng ý.
Tổng thống Mỹ lo không có tiền cho Ukraine
Cuộc nội chiến của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã làm phức tạp các cuộc đàm phán ngân sách cho Chính phủ. Điều đó khiến Tổng thống Joe Biden từ chỗ tin tưởng rằng sẽ đạt được một thỏa thuận về viện trợ cho Ukraine đã phải bày tỏ lo lắng ngày 4-10.
Khi được hỏi liệu có lo Mỹ sẽ không thể cung cấp viện trợ như đã hứa cho Ukraine vì tình trạng hỗn loạn ở Điện Capitol hay không, ông Biden thừa nhận: "Điều đó làm tôi lo lắng nhưng tôi biết phần lớn các thành viên Hạ viện và Thượng viện ở cả hai đảng đã nói rằng họ ủng hộ việc tài trợ cho Ukraine".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông sẽ sớm có bài phát biểu quan trọng để giải thích lý do tại sao cần phải giúp Ukraine đẩy lùi Nga. Ông cũng nêu ý tưởng tìm nguồn tiền khác nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Khoản viện trợ dành cho Ukraine đã bị loại khỏi ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ, vốn sẽ hết hạn vào ngày 18-11 tới. Điều này đã khiến các đồng minh lo lắng, buộc Tổng thống Biden phải gọi điện trấn an lãnh đạo một số nước.
"Tôi rất tin tưởng Quốc hội Mỹ sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định ngày 4-10. Trước đó ông đã nói chuyện với ông Biden về vấn đề này.
1,1 triệu viên đạn của Iran rơi vào tay Ukraine
Ngày 4-10, quân đội Mỹ thông báo đã gửi hơn 1,1 triệu viên đạn tịch thu từ các tàu Iran cho Ukraine. Số đạn cỡ 7,62mm này bị hải quân Mỹ chặn bắt khi đang trên đường từ Iran đến Yemen hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo Hãng tin Reuters, nếu không có Hải quân Mỹ, lô đạn này sẽ đến tay phiến quân Houthi, một lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Năm ngoái, Hải quân Hoàng gia Anh cũng cho biết một trong các tàu chiến của họ đã thu giữ vũ khí của Iran. Số vũ khí này bao gồm tên lửa đất đối không và động cơ tên lửa hành trình.
Mặc dù 1,1 triệu viên đạn nghe có vẻ lớn, song theo Reuters, nó khó có thể tạo biến chuyển trên chiến trường Ukraine. Số đạn này cũng khó có thể làm giảm bớt mối lo ngại về việc vũ khí phương Tây có tiếp tục được chuyển đến Kiev hay không.
Ukraine làm mọi cách để có thêm hệ thống phòng không trước mùa đông
Trong thông điệp cuối ngày 4-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesnky cho biết Kiev đang làm "mọi cách" để có thêm hệ thống phòng không trước mùa đông năm nay. "Chúng ta cũng đang chờ đợi một số quyết định từ các nước đối tác", nhà lãnh đạo Ukraine hé lộ thêm.
Ukraine đang lo sợ kịch bản Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này sẽ tái diễn vào mùa đông sắp tới. Năm ngoái, các đòn tấn công của Nga đã khiến hàng triệu người không có hệ thống sưởi và nước thời gian dài.
Trong diễn biến khác liên quan, tờ Bild của Đức tiết lộ Berlin không có kế hoạch chuyển tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Tờ này cũng cho biết các quan chức Chính phủ Anh trong những tuần gần đây đã tìm cách thuyết phục Đức gửi tên lửa Taurus tới Ukraine, thể theo nguyện vọng của Kiev.
Tuy nhiên Berlin đã lo ngại rằng các tên lửa này có thể được sử dụng để nhắm vào cầu Kerch nối Nga với Crimea và các mục tiêu khác sâu trong lãnh thổ Nga.
Cựu tổng thống Trump kháng cáo chuyện thổi phồng tài sản
Cựu tổng thống Donald Trump đã kháng cáo việc thẩm phán từ chối bác bỏ vụ kiện dân sự của Tổng chưởng lý New York Letitia James chống lại ông và doanh nghiệp của ông.
Đơn kháng cáo được gửi đến một tòa phúc thẩm cấp trung ngày 4-10. Quá trình kháng cáo có thể kéo dài đến tháng 12 năm nay.
Trong đơn kiện, bà James cáo buộc ông Trump, các con trai của ông, Trump Organization và những tổ chức khác đã thổi phồng giá trị tài sản của cựu tổng thống để hưởng các khoản ưu đãi khi vay ngân hàng và mua bảo hiểm.
Bữa ăn của chuồn chuồn
Con chuồn chuồn kim tận hưởng bữa ăn trên chiếc lá trong một khu vườn ở thị trấn Nagaon, phía đông bắc bang Assam (Ấn Độ) vào ngày 3-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận