Tổng thống Israel xin lỗi vụ nhân viên cứu trợ thiệt mạng
Sau vụ 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Dải Gaza, Tổng thống Isaac Herzog của Israel đã lên tiếng xin lỗi ngày 2-4. Ông Herzog cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen để bày tỏ "sự đau buồn và lời xin lỗi chân thành".
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói sẽ điều tra đến cùng "vụ án bi thảm" này nhưng cho rằng đây là điều vẫn xảy ra trong chiến tranh.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để điều này không xảy ra nữa", ông nói thêm. Quân đội Israel cũng thừa nhận đây là "sai lầm nghiêm trọng".
Ngày 2-4, World Central Kitchen thông báo tạm dừng ngay lập tức các hoạt động tại Dải Gaza sau khi một vụ không kích của Israel nhằm vào đoàn xe của tổ chức này tại miền Trung Gaza khiến 6 nhân viên cứu trợ cùng lái xe người Palestine thiệt mạng.
Các nhân viên cứu trợ thiệt mạng thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có Úc, Anh, Ba Lan và một người mang 2 quốc tịch Canada và Mỹ.
Các nước phản ứng, đòi Israel bồi thường
Ngay lập tức, nhiều nước đã lên án vụ tấn công làm các nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Gaza. Theo Hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông "đau lòng" và sẽ nhấn mạnh với Israel việc cần phải bảo vệ các nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết cuộc tấn công cho thấy "sự coi thường luật nhân đạo quốc tế và coi thường việc bảo vệ những nhân viên nhân đạo".
"Nhiều sự kiện như vậy xảy ra là kết quả tất yếu bởi cách mà cuộc chiến này đang được tiến hành", người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói.
Mỹ, Đức và Anh kêu gọi nhanh chóng điều tra vụ việc trong khi Pháp, Úc cho rằng không gì có thể biện hộ cho vụ tấn công "hoàn toàn không thể chấp nhận" này.
Vương quốc Anh đã triệu tập đại sứ Israel sau khi Thủ tướng Rishi Sunak cho biết ông "sốc và đau buồn" khi biết có công dân Anh nằm trong số những người thiệt mạng.
Không dừng lại ở việc đòi giải thích, Ba Lan yêu cầu Israel bồi thường cho gia đình các nhân viên cứu trợ thiệt mạng. "Chính quyền Israel nên suy nghĩ xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã nhấn nút tấn công và làm thế nào để bồi thường cho gia đình các nạn nhân, ngay cả khi không thể làm được điều đó bằng tiền", Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna nói.
Iran thề trừng phạt Israel
Sau khi tố Israel không kích tòa nhà lãnh sự Iran ở Syria, Tehran khẳng định sẽ trả đũa. "Chúng ta sẽ khiến chúng phải hối hận về tội ác này và những tội ác khác", lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố.
Trước đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lên án vụ tấn công là "vi phạm rõ ràng các quy định quốc tế". Phái đoàn Iran tại LHQ cảnh báo rằng cuộc tấn công có thể "có khả năng gây ra nhiều xung đột hơn liên quan đến các quốc gia khác" và kêu gọi Hội đồng Bảo an "lên án hành động tội ác phi lý này".
Mỹ đã lên tiếng phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công ở Syria và không được báo trước về vụ việc. Washington cảnh báo Iran không trả đũa nhắm vào các mục tiêu của nước này.
Palestine thử lại nỗ lực gia nhập LHQ
Trong thư gửi lãnh đạo LHQ ngày 2-4, đặc phái viên Riyad Mansour của Palestine tại LHQ cho biết chính quyền Palestine muốn Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu trong tháng này về đơn xin gia nhập của Palestine từ năm 2011. Mặc dù vậy, đề xuất này có thể bị Mỹ, một đồng minh của Israel, ngăn chặn.
Palestine giữ tư cách quan sát viên tại LHQ kể từ năm 2012 và vận động hành lang trong nhiều năm để trở thành thành viên chính thức, điều đồng nghĩa với việc công nhận một nhà nước Palestine. Sau khi nổ ra chiến tranh ở Dải Gaza với việc Israel tấn công khắp khu vực và mở rộng sang khu định cư Bờ Tây, Palestine đã đặt ưu tiên gia nhập LHQ.
Bất kỳ đơn xin gia nhập LHQ nào cũng cần được Hội đồng Bảo an đề xuất, sau đó được đa số 2/3 trong Đại hội đồng tán thành. Đơn của Palestine đến nay vẫn đang chờ xử lý vì Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên chưa bao giờ đưa ra quyết định chính thức.
Triều Tiên lại thử tên lửa siêu vượt âm
Ngày 3-4, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử thành công một tên lửa siêu vượt âm sử dụng nhiên liệu rắn tầm trung đến xa mới.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc phát hiện Bình Nhưỡng phóng một tên lửa nghi là tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển ngày 2-4. Đây có thể là một cuộc thử nghiệm một tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa bay khoảng 600km trước khi rơi xuống biển.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nhanh chóng lên án vụ phóng. "Những vụ phóng như vậy gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Triều Tiên và làm suy yếu an ninh khu vực", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Truyền thông Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng tên lửa được ca ngợi là vũ khí chiến lược thể hiện "sự vượt trội tuyệt đối" về công nghệ phòng thủ của Triều Tiên. Theo tờ Rodong Sinmun, Triều Tiên đã "chuyển hoàn toàn tất cả các tên lửa chiến thuật, tác chiến và chiến lược ở các phạm vi khác nhau thành nhiên liệu rắn, có khả năng kiểm soát đầu đạn và có khả năng hạt nhân hóa".
Ấn Độ muốn mở hành lang hậu cần mới
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này đang nghiên cứu mở ra các hành lang hậu cần thay thế, nối quốc gia tỉ dân này với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
"Các tuyến hàng hải đi qua kênh đào Suez đang gặp nguy hiểm vì các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, cũng như các vụ tấn công của cướp biển Somalia. Chúng tôi đã cử 21 tàu hải quân đến khu vực. Đối với một nền kinh tế lớn như chúng tôi, chỉ có một hoặc hai hành lang kết nối là chưa đủ", tờ The Hindu Business Line dẫn lời ông Jaishankar.
Theo ông Jaishankar, Ấn Độ năm ngoái đã quyết định tạo một hành lang kết nối thay thế bắt đầu từ bờ biển Gujarat và Maharashtra và đi qua Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia, biển Địa Trung Hải và châu Âu. Điều này sẽ đảm bảo Ấn Độ không quá phụ thuộc vào kênh đào Suez.
Hiện tại, Ấn Độ đang nghiên cứu một hành lang khác nối cảng Chabahar (ở Iran) với Nga, đồng thời đang xem xét một hành lang mới sẽ xuất hiện do băng tan chảy ở Bắc Cực sẽ kết nối Vladivostok của Nga với châu Âu.
Về phía Đông, Ấn Độ đang tìm cách xây dựng đường cao tốc nối bang Manipur của Ấn Độ với Việt Nam. "Nếu chúng tôi thành công trong việc này, Ấn Độ sẽ là trung tâm của hành lang kéo dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương", ông Jaishankar nói.
Thi viết thư pháp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận