Ông Trump ra "tối hậu thư" về thả con tin ở Gaza
Ngày 2-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo các chiến binh ở Dải Gaza về hậu quả to lớn nếu các con tin không được trả tự do trước ngày ông nhậm chức 20-1-2025, theo Hãng tin AFP.
Trong xung đột Israel - Hamas, các chiến binh Hamas đã bắt hơn 250 người, gồm cả những người mang hai quốc tịch Israel - Mỹ sang Dải Gaza vào năm 2023, sau đó Israel đã phát động các cuộc tấn công mà đến nay đã khiến hơn 44.000 người chết ở dải đất này. Có 97 con tin được cho là vẫn đang bị Hamas giữ ở Gaza.
"Nếu các con tin không được thả trước ngày 20-1-2025, ngày mà tôi tự hào nhậm chức tổng thống Mỹ, thì sẽ có chuyện không hay xảy ra ở Trung Đông, cũng như đối với những kẻ chịu trách nhiệm đã gây ra những hành động tàn bạo này chống lại nhân loại" - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ông nhấn mạnh: "Những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải chịu đòn nặng nề hơn bất kỳ ai từng phải chịu trong lịch sử lâu đời của Mỹ. Hãy thả các con tin ngay bây giờ!".
Đài Al Jazeera bình luận đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Trump đến nay kể từ khi thắng cử, khi nói về những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel - Hamas. Tuy nhiên, chưa rõ hậu quả mà ông cảnh báo là gì.
Trước đó, phong trào Hồi giáo Hamas đã kêu gọi chấm dứt xung đột và yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza trong bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giải cứu những con tin còn lại. Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố cuộc chiến sẽ tiếp diễn cho đến khi Hamas bị xóa sổ và không còn gây ra mối đe dọa cho Israel.
Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine
Ngày 2-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine gói vũ khí trị giá 725 triệu USD để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga, theo Hãng tin Reuters.
Ông Blinken cho biết gói viện trợ này sẽ bao gồm tên lửa Stinger, đạn dược dùng cho hệ thống pháo phản lực HIMARS, máy bay không người lái, mìn...
Israel và Hezbollah lại tấn công nhau bất chấp lệnh ngừng bắn
Israel cho biết họ đã tấn công hàng chục mục tiêu liên quan nhóm vũ trang Hezbollah trong các cuộc tấn công vào Lebanon trong ngày 2-12, sau khi Israel tuyên bố sẽ trả đũa một cuộc tấn công do Hezbollah thực hiện, bất chấp lệnh ngừng bắn mong manh giữa hai bên đã có hiệu lực.
Cả Israel và Hezbollah đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Chia sẻ với Hãng tin Reuters, người dân ở thủ đô Beirut nói họ nghe thấy máy bay không người lái hoạt động trên bầu trời vào tối muộn, trong khi truyền thông Lebanon tường thuật Israel tiếp tục các cuộc tấn công ở miền nam Lebanon. Ngày 2-12, chính quyền Lebanon thông tin các cuộc tấn công của Israel vào miền nam Lebanon đã khiến ít nhất 2 người chết.
Trước đó, Hezbollah đã phát động cái gọi là "cuộc tấn công cảnh báo mang tính chất phòng thủ" - cuộc tấn công đầu tiên mà nhóm này tuyên bố thực hiện kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 27-11. Quân đội Israel không ghi nhận trường hợp thương vong nào do vụ tấn công tên lửa của Hezbollah, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ có phản ứng mạnh.
Mỹ muốn các nước giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Syria
Theo Hãng tin AFP, ngày 2-12, Mỹ kêu gọi xuống thang căng thẳng ở Syria trong bối cảnh lực lượng phiến quân do nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đánh chiếm một số phần lãnh thổ như thành phố Aleppo từ tay chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc tấn công chớp nhoáng.
"Chúng tôi muốn thấy tất cả các quốc gia sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy xuống thang, bảo vệ dân thường và cuối cùng là thúc đẩy một tiến trình chính trị phía trước" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trước báo giới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi "tất cả các bên xuống thang", trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực và kêu gọi các bên ngừng giao tranh ngay lập tức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu công du Angola
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chiều 2-12, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống Angola, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này.
Chuyến thăm 3 ngày tới Angola của ông Joe Biden diễn ra sau khi bị trì hoãn từ tháng 10-2024. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Joe Biden cùng người đồng cấp Joao Lourenco sẽ thảo luận về tương lại quan hệ hợp tác song phương.
Trong bối cảnh Angola và Mỹ hiện là đối tác chiến lược, có quan hệ chính trị - ngoại giao và hợp tác được củng cố đáng kể trong 30 năm qua, chuyến thăm của ông Joe Biden được đánh giá là cơ hội mới cho Angola thu hút các nhà đầu tư Mỹ, cải thiện và đa dạng hóa nền kinh tế. Chuyến thăm của ông Biden diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Tổng thống Mỹ gần đây nhất đến thăm châu Phi là ông Barack Obama vào năm 2015. Ông Biden cũng từng tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Ai Cập năm 2022.
WHO lạc quan về thỏa thuận toàn cầu ứng phó với các đại dịch tương lai
Ngày 2-12, các quốc gia đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận toàn cầu về việc xử lý các đại dịch trong tương lai đã bắt đầu một tuần họp mới trong vòng đàm phán thứ 12.
Phiên họp tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva diễn ra 3 năm sau quyết định soạn thảo thỏa thuận trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ở giai đoạn căng thẳng.
Các cuộc đàm phán ngày 2-12 tập trung vào nghiên cứu và phát triển, tài trợ bền vững, chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất các sinh phẩm, sản phẩm y tế liên quan đến phòng ngừa và giám sát dịch bệnh, cũng như hướng tới trọng tâm của thỏa thuận là hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích được đề xuất.
Phát biểu trước các nhà đàm phán của 194 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khích lệ tất cả các nước về những tiến bộ đã đạt được trong 3 năm qua, đồng thời cho rằng họ nên tin tưởng mục tiêu phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với các đại dịch tương lai đang gần ngay trước mắt và các nước có thể hoàn tất những vấn đề còn tồn đọng trước khi kết thúc năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận