* Vệ tinh Starlink của SpaceX hoạt động tại Dải Gaza, Israel tức giận vì sợ Hamas lợi dụng
* "Ngoại trưởng" EU bị nhắc nhở vì nói sai quan điểm về xung đột Israel - Hamas
* Biểu tình nhiều nơi ủng hộ quyền được sống của dân thường Palestine
Xung đột Israel - Hamas
* Biểu tình ở các thành phố châu Âu, Trung Đông và châu Á để ủng hộ người Palestine. Con số biểu tình ủng hộ người Palestine ở nhiều thành phố lớn lên tới hàng trăm ngàn người.
Tại London, Vương quốc Anh, đám đông diễu hành qua trung tâm thủ đô để yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak kêu gọi ngừng bắn.
"Chuyện này không liên quan Hamas. Đây là việc bảo vệ mạng sống người Palestine", người biểu tình Camille Revuelta nói với Hãng tin Reuters.
Anh đồng tình với lập trường của Mỹ, ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau vụ tấn công của Hamas ngày 7-10.
Theo số liệu cơ quan y tế Palestine công bố ngày 28-10, số người chết ở Dải Gaza đã tăng lên 7.650 người, chủ yếu là dân thường.
Các chính phủ phương Tây ủng hộ Israel, nhưng phản ứng của Israel gây ra sự tức giận ở các nước Ả Rập và theo Hồi giáo.
Tại Malaysia, một đám đông người biểu tình hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Palestine bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur.
Người Iraq tham gia biểu tình ở Baghdad và ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, kêu gọi tẩy chay toàn cầu các sản phẩm của Israel.
Tại những nơi khác ở châu Âu, người dân đã xuống đường ở Copenhagen (Đan Mạch), Rome (Ý) và Stockholm (Thụy Điển)…
* Vệ tinh Starlink của SpaceX hoạt động tại Dải Gaza. Tỉ phú Elon Musk cho biết vệ tinh Starlink sẽ hỗ trợ liên lạc cho "các tổ chức viện trợ được quốc tế công nhận".
Theo Hãng tin Reuters, việc mất sóng điện thoại và Internet đã cô lập người dân Dải Gaza khỏi thế giới và với nhau trong ngày 28-10. Họ không thể gọi người thân, xe cứu thương hay đồng nghiệp ở nơi khác.
Các tổ chức nhân đạo quốc tế cho biết tình trạng mất điện bắt đầu vào cuối ngày 27-10, cản trở các hoạt động cứu người.
Trả lời thông báo của ông Musk trên mạng xã hội X (Twitter), Bộ trưởng Truyền thông Israel Shlomo Karhi cho biết nước này sẽ "sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại".
"Hamas sẽ sử dụng nó cho các hoạt động khủng bố", ông Karhi khẳng định.
Trước đó, sau khi chiến sự Ukraine nổ ra từ tháng 2-2022, vệ tinh Starlink được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối Internet tại một số khu vực ở Ukraine, bất chấp nỗ lực ngăn cản của Nga.
* Ai Cập nói Israel cản trở việc chuyển hàng viện trợ. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết những trở ngại từ phía Israel như thủ tục kiểm tra xe tải đang gây khó khăn cho việc chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.
"Các xe tải phải được kiểm tra tại cửa khẩu Nitzana của Israel trước khi hướng tới cửa khẩu Rafah trên hành trình dài 100km, làm chậm đáng kể việc chuyển hàng viện trợ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập cho hay.
Rafah do Ai Cập kiểm soát và không giáp biên với Israel. Cửa khẩu này là nơi đưa viện trợ vào Gaza kể từ khi Israel bao vây dải đất.
Trước xung đột, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải đi vào Dải Gaza, nhưng những ngày gần đây trung bình chỉ có 12 xe.
* Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell kêu gọi "tạm dừng chiến sự" để cho phép viện trợ nhân đạo và Gaza.
"Gaza hoàn toàn mất điện và bị cô lập trong khi pháo kích dữ dội vẫn tiếp tục", ông Borrell viết trên mạng xã hội. "Có quá nhiều thường dân, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng. Điều này trái với Luật Nhân đạo quốc tế".
Cuối ngày 28-10, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã "tuýt còi" ông Borrell vì đã đi xa hơn quan điểm mà các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí hồi đầu tuần.
Trong tuyên bố chung đầu tuần này, các nhà lãnh đạo EU đã tránh đề cập đến lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Theo Hãng tin AFP, các quan điểm chính thức của EU bao gồm: lên án "cuộc tấn công khủng bố" của Hamas, Israel có "quyền tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế" và kêu gọi thả tất cả con tin.
Tin tức thế giới khác
* Cựu phó tướng của ông Trump ngừng tranh cử. Ngày 28-10, cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024 do thiếu tiền.
Ông Mike Pence đã có nhiều tháng thuyết phục cử tri Đảng Cộng hòa rằng ông là sự thay thế tốt nhất cho người mà ông từng phò tá, nhưng không thành công.
Theo Hãng tin Reuters, ông Pence là ứng cử viên tên tuổi đầu tiên bỏ cuộc, trong khi ông Trump vẫn là người dẫn đầu trong cuộc đua.
"Đây không phải là thời điểm của tôi. Sau nhiều lời cầu nguyện và cân nhắc, tôi đã quyết định kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống", ông Pence nói tại Las Vegas.
Cựu phó tổng thống không ủng hộ ai trong bài phát biểu nhưng lại có ý đả kích sếp cũ, bằng cách kêu gọi mọi người hãy ủng hộ cho một nhà lãnh đạo "lịch thiệp".
Ông Pence đã công khai "dứt tình" với ông Trump sau khi chỉ trích cựu tổng thống về vai trò trong vụ nổi loạn ở Điện Capitol ngày 6-1-2021. Ông tuyên bố tranh cử vào tháng 6-2023 nhưng đã không vượt qua nổi thế lực chính trị của ông Trump.
Tính tới ngày 15-10, chiến dịch tranh cử của ông Pence đang nợ 620.000 USD, chỉ có 1,2 triệu USD tiền mặt trong tay. Con số quá ít so với một số đối thủ Đảng Cộng hòa và không đủ cho một cuộc đua vào Nhà Trắng.
* Nghi phạm xả súng ở bang Maine của Mỹ có vấn đề tâm thần. Theo cảnh sát, nghi phạm Robert Card mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, nhưng lại có thể mua vũ khí hợp pháp vì chưa bao giờ bị buộc phải điều trị.
Nghi phạm đã bắn chết 18 người tại một quán bar và sân chơi bowling ở thành phố Lewiston ngày 26-10. Tới ngày 28-10, cơ quan chức năng xác nhận nghi phạm Robert Card đã tự sát.
Cảnh sát cho biết Card nghe thấy giọng nói và mắc chứng hoang tưởng. Cảnh sát đã tìm thấy thư tuyệt mệnh của Card gửi người thân, trong đó có mật khẩu điện thoại và thông tin tài khoản ngân hàng.
Card sở hữu 3 khẩu súng, một trong số đó là súng trường. Tất cả đều được mua hợp pháp vì Card chưa từng bị cưỡng bức vào trại tâm thần.
Việc phát hiện thi thể của Card đã khép lại cuộc truy lùng quy mô lớn kéo dài 2 ngày, khiến thành phố Lewiston bị phong tỏa, trường học đóng cửa và người dân thì sợ hãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận