Tàu lặn gặp phải 'vụ nổ thảm khốc'
Ngày 22-6, giờ Mỹ, Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định toàn bộ 5 người trên tàu lặn Titan ngắm xác tàu Titanic đều đã thiệt mạng.
Tuyên bố này cũng kết thúc chiến dịch cứu hộ quốc tế quy mô lớn kể từ khi con tàu mất tích vào ngày 18-6.
Theo Chuẩn đô đốc John Mauger - tư lệnh Vùng 1 của USCG, những mảnh vỡ từ tàu Titan được phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy buồng áp suất của tàu lặn đã phát nổ.
"Các mảnh vỡ phù hợp với khả năng xảy ra một vụ nổ thảm khốc", ông Mauger phát biểu trước báo giới tại Boston.
Trước đó, robot không người lái triển khai từ tàu Canada đã phát hiện các mảnh vỡ của tàu lặn mất tích tại khu vực cách xác tàu Titanic khoảng 500m, nằm ở độ sâu 4km dưới mặt biển.
Ocean Gate, công ty tổ chức chuyến lặn ngắm xác tàu Titanic, cũng xác nhận toàn bộ người trên tàu đã thiệt mạng.
Bao gồm Giám đốc điều hành Stockton Rush của công ty này (cũng là người cầm lái tàu Titan), doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai, tỉ phú Anh Hamish Harding, chuyên gia Paul-Henri Nargeolet.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly, chính quyền Pakistan đã chia buồn với các nạn nhân.
Ông Mauger cho biết hiện chưa chắc chắn vì sao tàu lặn Titan phát nổ và liệu có tìm thấy thi thể các nạn nhân hay không.
Trước mắt, các nhân lực cùng phương tiện cứu hộ sẽ sớm rời khỏi hiện trường và chỉ còn các robot tiếp tục tìm kiếm dưới đáy biển.
* Ông Biden phủ nhận quan hệ với Trung Quốc đang sụp đổ. Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng ông sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất chấp phát biểu chọc giận Bắc Kinh mới đây của ông.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông sẽ không tránh né khi nói về Trung Quốc trong tương lai. "Tôi nghĩ sẽ không có hậu quả nào", Đài CNN dẫn lời ông Biden phát biểu ngày 22-6, sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo "hậu quả" từ phát ngôn của ông.
Trước đó, ngày 20-6, ông Biden cho biết ông Tập đã "tức giận" khi Mỹ bắn hạ chiếc khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc vào đầu năm nay vì nhà lãnh đạo Trung Quốc không biết chuyện gì đã xảy ra.
Ukraine tố Nga sắp tấn công nhà máy hạt nhân
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói các thông tin tình báo của nước này cho thấy Nga đang tính tấn công "khủng bố" Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia mà Matxcơva đang kiểm soát.
Nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo việc tấn công nhà máy sẽ làm rò rỉ hạt nhân và cho biết đã thảo luận vấn đề này với các đồng minh phương Tây, Mỹ cũng như các nước Trung Quốc, Ấn Độ. Ông Zelensky kêu gọi gây áp lực để chấm dứt sự kiểm soát của Nga tại đây.
Đáp lại, Điện Kremlin chỉ trích ông Zelensky nói dối và các thanh tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã đến Nhà máy Zaporizhzhia và đánh giá tốt tình hình tại đây.
Matxcơva cũng cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Anh cung cấp để tấn công cầu Chonhar nối vùng Kherson với bán đảo Crimea, sáp nhập vào Nga năm 2014. Cây cầu nằm trong tuyến tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga ở phía nam Ukraine.
* Mỹ - Ấn Độ xích lại gần hơn. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đạt nhiều thỏa thuận lớn từ đầu tư vào chất bán dẫn, động cơ cho máy bay chiến đấu, hợp tác về không gian và dàn xếp các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố chung gồm 58 điểm, trong đó đề cập đến quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Tuyên bố nhấn mạnh hợp tác Mỹ - Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích toàn cầu khi "phối hợp thông qua một loạt nhóm đa phương và khu vực - đặc biệt là Nhóm Bộ tứ (QUAD) - để góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và mạnh mẽ".
"Tôi từ lâu đã tin rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ… sẽ là một trong những mối quan hệ định hình thế kỷ 21", Đài CNN dẫn lời ông Biden trong một buổi lễ chào mừng long trọng dành cho ông Modi.
Trong khi đó, ông Modi nói quan hệ với Mỹ "mạnh mẽ và gần gũi hơn" bất cứ lúc nào.
* Các công ty dầu mỏ, công nghiệp bị kiện đòi 51 triệu USD vì đợt nắng nóng 2021. Trong đơn kiện nộp ngày 22-5, hạt Multnomah ở bang Oregan của Mỹ nói rằng sản phẩm của các công ty năng lượng gây ô nhiễm và góp phần gây ra nắng nóng.
"Đây là một vấn đề được quy trực tiếp cho những tác động mà chúng ta đang thấy đối với khí hậu từ hành động của các công ty nhiên liệu hóa thạch", lãnh đạo của hạt Multnomah, bà Jessica Vega Pederson, nói với Hãng tin AFP.
Theo đó, hạt này đòi bồi thường 50 triệu USD cho thiệt hại của đợt nắng nóng, 1,5 tỉ USD cho những thiệt hại trong tương lai do nhiệt độ cao, hạn hán, cháy rừng và ô nhiễm khói trên bầu trời trở nên phổ biến hơn.
Ngoài ra, đơn kiện cũng yêu cầu lập một "quỹ giảm thiểu" 50 tỉ USD để giúp nghiên cứu và triển khai các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận