* Nga tuyên bố chiếm thêm làng của Ukraine
* Mỹ sắp tung hàng trăm lệnh trừng phạt nhắm vào Nga
* G20 ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine
Quan hệ Mỹ - Nga được dự báo sẽ bước vào một đợt căng thẳng mới, sau vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny tại Nga chết trong tù và cột mốc 2 năm chiến sự tại Ukraine.
Tại Trung Đông, Houthi mở rộng tấn công vào đất của Israel, ngay cả khi Tel Aviv bắn tín hiệu sẽ trở lại bàn đàm phán ở Paris (Pháp).
Ông Biden cam kết trừng phạt ông Putin
Theo Hãng tin Reuters, lời hứa được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra sau khi gặp vợ và con của nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny tại Mỹ ngày 22-2. Washington đang lên kế hoạch áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cái chết của ông Navalny.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng ngợi khen ông Navalny, người mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chết, và vợ con của ông này. Nhà Trắng sau đó cho biết ông Biden đã gửi lời chia buồn đến gia đình ông Navalny trong cuộc gặp.
Mỹ sắp tung hàng trăm lệnh trừng phạt nhắm vào Nga
Cũng trên Reuters ngày 22-2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tiết lộ Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn "500 mục tiêu", khi cuộc chiến tại Ukraine sắp cán cột mốc 2 năm vào ngày 24-2.
Các lệnh trừng phạt sẽ được công bố vào ngày 23-2 (giờ Mỹ) và theo ông Adeyemo, sẽ không chỉ có Mỹ mà còn các đồng minh khác tham gia động thái này, nhằm đảm bảo Nga không thể tiếp cận được hàng hóa cần thiết để chế tạo vũ khí và gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn tiền.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết một số lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào những người bị cáo buộc có liên quan cái chết của ông Navalny. Tuy nhiên phần lớn sẽ nhắm vào "cỗ máy chiến tranh của ông Putin".
Mỹ cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt mà nước này hiện đang phải đối mặt và các ngân hàng giúp Nga lách lệnh.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) ngày 22-2, bà Nuland thừa nhận các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng trước đây không ngăn được ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, những biện pháp sắp sửa công bố sẽ bịt được các lỗ hổng này.
Nga tuyên bố chiếm thêm làng của Ukraine
Ngay trước cột mốc 2 năm chiến sự bùng nổ ở Ukraine, ngày 22-2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã chiếm ngôi làng Pobieda ở vùng Donetsk của Ukraine. Pobieda là một ngôi làng ở phía nam Maryinka, một thị trấn đã bị san bằng sau nhiều tháng xung đột.
Một blog quân sự Ukraine được nhiều người đọc tên DeepState cũng đưa tin rằng lực lượng Nga đã chiếm Pobieda và đang tiến vào hai ngôi làng khác.
Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine bác bỏ đã mất đất và nhấn mạnh quân đội Ukraine vẫn đang "tiếp tục ngăn chặn kẻ thù" ở Pobieda và một ngôi làng gần đó.
"Kẻ thù, với sự hỗ trợ trên không, đã cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của quân đội chúng ta tới 31 lần", tuyên bố trên Facebook viết.
Trong bối cảnh hiện tại, cả Nga lẫn Ukraine đều cần chiến thắng tại một địa điểm để phục vụ cho việc tuyên truyền. Bất kỳ sự cố nào, dù mang tính cục bộ, cũng đều có thể được hai phía nâng tầm trở thành biểu tượng khi thời gian dần trôi về mốc 2 năm xung đột bùng nổ.
Israel trở lại hòa đàm Paris
Ngày 22-2, Đài truyền hình Channel 12 của Israel đưa tin chính quyền nước này đã chấp thuận cử các nhà đàm phán tới Paris để tiếp tục các cuộc thương thảo với lực lượng Hamas. Dẫn đầu là người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ trao thêm quyền hạn cho các nhà đàm phán, nhằm tìm cách giải thoát cho những con tin còn trong tay Hamas.
Mặc dù trở lại hòa đàm, điều đó không đồng nghĩa chiến sự đã giảm thang căng thẳng. Theo Reuters, người dân Gaza đang rất hy vọng vào một lệnh ngừng bắn có thể ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Rafah, sau khi nơi này hứng chịu một trong những trận oanh tạc tồi tệ nhất trong cuộc xung đột.
G20 ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine
Ngày 22-2, ngoại trưởng nhóm các quốc gia G20 đã họp ở Brazil và nhất trí ủng hộ giải pháp hai nhà nước, xem đây là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình trong cuộc xung đột tại Trung Đông.
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cho biết tất cả các thành viên G20 đều nêu bật mối lo ngại về cuộc chiến ở Gaza và nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Ông này cũng nói đã có những lời kêu gọi ngừng bắn và tiếp cận Gaza để viện trợ nhân đạo, trong khi "nhiều" quốc gia chỉ trích cuộc tấn công quân sự của Israel ở Rafah.
Tại cuộc họp báo sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh chấm dứt xung đột là mục tiêu chung và cách để đạt được mục tiêu đó là thông qua một thỏa thuận mà Mỹ đang giúp làm trung gian giữa Israel và Hamas về việc thả con tin.
Ông Blinken cũng giãi bày, cho rằng có "sự khác biệt về chiến thuật" sau khi nhiều bên thất vọng vì Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc xung đột trong tuần này.
Houthi tấn công đến cảng của Israel
Trong tuyên bố ngày 22-2, lực lượng Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm tấn công vào một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Anh và một tàu khu trục Mỹ cùng ngày.
Nhóm này cũng đồng thời tuyên bố nhắm mục tiêu vào cảng và thành phố nghỉ mát Eilat của Israel bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.
Thông báo được đưa ra ngay sau khi thủ lĩnh lực lượng này cho biết đang tăng cường tấn công các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác - bao gồm cả "vũ khí tàu ngầm" mới - để phản đối các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Quân đội Israel trước đó xác nhận đã đánh chặn một mục tiêu trên khu vực Biển Đỏ, sau khi còi báo động cảnh báo tên lửa vang lên ở thành phố Eilat.
Nụ cười của rùa
Ở góc ảnh này, con rùa như đang há miệng cười thật lớn với con chuồn chuồn đang đậu lên nó. Tay máy Tzahi Finkelstein đã chớp được khoảnh khắc kỳ thú của tự nhiên ở thung lũng Jezreel của Israel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận