Tổng thống Ukraine kêu gọi khôi phục "thế giới pháp quyền"
Theo Hãng tin Reuters, ngày 20-3 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục lãnh đạo các nước đưa trật tự thế giới vận hành dựa theo luật pháp "hoạt động trở lại" bằng cách đứng lên chống lại Nga.
Phát biểu trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ năm 2024 tổ chức tại Hàn Quốc. Trong bài phát biểu qua video tại hội nghị, ông Zelensky khẳng định nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới sẽ hưởng lợi từ việc phục hồi quy định luật pháp quốc tế.
"Cùng nhau, chúng ta có thể biến thế lực tách rời các quy định quay lại với chúng ta, và giúp các quy định có hiệu quả trở lại", ông Zelensky tuyên bố.
Tổng thống Ukraine không quên nhắc nhở Quốc hội Mỹ cần tham gia cùng thế giới với tư cách "đồng tác giả cho sự đáng tin cậy vững chắc" bằng cách thông qua đề xuất ngân sách viện trợ cho Kiev.
Hà Lan viện trợ đạn máy bay F-16, drone cho Ukraine
Phát biểu tại Kiev ngày 20-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết nước này sẽ chi 350 triệu USD để viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trong đó, 150 triệu USD được dành cho việc cung cấp tên lửa dẫn đường không đối đất có thể lắp trên số tiêm kích F-16 mà Ukraine sắp nhận. 200 triệu USD còn lại dùng để mua máy bay không người lái (drone) tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Tính đến nay, Hà Lan đã cam kết viện trợ 2 tỉ euro (2,18 tỉ USD) cho Ukraine trong năm 2024. Phần lớn sẽ được dùng cho đạn dược và drone, hai mặt hàng Kiev đang rất cần để có thể đảo ngược cục diện chiến trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cũng cập nhật tình hình viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine: "Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ bàn giao lô F-16 cho Ukraine trong mùa hè này. Lô F-16 của Đan Mạch sẽ đến trước, và chúng tôi cũng đã lên lịch bàn giao. Như vậy, trong nửa sau năm 2024, máy bay F-16 từ Hà Lan sẽ lên đường (sang Ukraine)".
Hà Lan, Đan Mạch và Mỹ được kỳ vọng sẽ gửi hàng chục tiêm kích F-16 cho Ukraine vào giữa năm nay, đáp ứng lời kêu gọi tài trợ loại máy bay chiến đấu này của giới lãnh đạo Kiev nhằm chiến đấu sòng phẳng hơn với Nga trên không.
Tổng thống Mỹ công bố 20 tỉ USD hỗ trợ kinh tế cho hãng Intel
Ngày 20-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ cho Tập đoàn Intel nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền công nghiệp chip bán dẫn nội địa Mỹ.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ cho Intel 8,5 tỉ USD và cho chi nhánh Intel ở bang Arizona vay lên đến 11 tỉ USD. Tập đoàn bán dẫn này dự kiến sẽ xây mới hai nhà máy và hiện đại hóa một nhà máy đang hoạt động tại bang này.
"Sau 40 năm, chúng ta sẽ đưa việc sản xuất chất bán dẫn hiện đại quay lại Mỹ. Nếu chúng ta đầu tư vào chúng ở Mỹ, chúng phải được sản xuất tại Mỹ. Khoản đầu tư này sẽ biến đổi đất nước theo cái cách mà bạn không thể hiểu được", ông Biden tuyên bố.
Chính quyền do ông Biden lãnh đạo dành sự quan tâm lớn với nền công nghiệp bán dẫn. Lo ngại trước tình hình eo biển Đài Loan, hồi năm 2022 ông Biden đã ký thông qua Đạo luật chip và khoa học nhằm kích thích sự phát triển của nền công nghiệp bán dẫn trong nước.
Bằng cách đầu tư lên đến hơn 50 tỉ USD vào lĩnh vực này, Washington mong sẽ cắt giảm được sự phụ thuộc vào chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất trong tương lai.
Mỹ di tản công dân khỏi Haiti bằng trực thăng
Ngày 20-3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuyến trực thăng đầu tiên chở các công dân Mỹ rời khỏi thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã được tiến hành. Chuyến bay này di tản thành công hơn 15 người từ Haiti đến thủ đô Santo Domingo của Cộng hòa Dominica.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết trung bình mỗi ngày, hơn 30 công dân nước này sẽ được di tản ra khỏi Haiti bằng đường trực thăng.
Đây là động thái bảo hộ công dân của Washington trong bối cảnh thủ đô của Haiti vẫn chìm trong bạo lực băng đảng.
Hầu hết thành phố này đã bị các băng nhóm được vũ trang đầy đủ kiểm soát, và các tổ chức hoạt động vì quyền con người bắt đầu ghi nhận các trường hợp giết người, bắt cóc và xâm hại tình dục hàng loạt.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết đến nay, số công dân Mỹ điền đơn trực tuyến yêu cầu được đưa khỏi Haiti đã lên đến gần 1.600 người.
Indonesia công bố kết quả chính thức bầu cử tổng thống
Ngày 20-3, cơ quan bầu cử Indonesia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra hồi giữa tháng 2 tại nước này. Theo đó, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto giành chiến thắng vang dội với tỉ lệ ủng hộ lên đến 60%.
Phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, ông Prabowo tuyên bố sẽ trở thành vị tổng thống của toàn thể người dân nước này. Ông gửi lời cảm ơn các cử tri và các tình nguyện viên đã có mặt tại nơi ở của mình ở phía nam thủ đô Jakarta, đồng thời khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra thuận lợi.
"Chúng tôi mời toàn thể người dân Indonesia hướng về phía trước với tinh thần đoàn kết vì các thử thách của chúng ta rất lớn", ông Prabowo tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ đói nghèo và bất công.
Bên cạnh đó, ông cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Widodo mà ông Prabowo đã có thể dễ dàng đắc cử tổng thống.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo giới thiệu bản thân với các cử tri và nhà đầu tư là "ứng viên tiếp nối" những di sản của ông Widodo. Ngày 20-3, ông Prabowo một lần nữa khẳng định sẽ xem các chính sách kinh tế tiến bộ của ông Widodo là chỉ dẫn cho bản thân.
"Chúng tôi sẽ dùng nền móng vững chắc đã được ông Widodo xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, để có thể làm việc nhanh hơn, chăm chỉ hơn, nhằm mang lại kết quả cho người dân Indonesia càng nhanh càng tốt", ứng viên tổng thống vừa đắc cử khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận