Chiến sự Ukraine
* Ukraine bắt đầu huấn luyện sử dụng tiêm kích F-16. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksiy Reznikov, cho biết đã bắt đầu huấn luyện phi công sử dụng tiêm kích F-16, nhưng việc này có thể mất tới 6 tháng hoặc hơn.
Theo ông Reznikov, 6 tháng đào tạo là thời gian tối thiểu cho phi công, nhưng vẫn chưa biết sẽ mất bao lâu để đào tạo kỹ sư và thợ máy.
Ukraine muốn có tiêm kích F-16 để chiếm ưu thế trên không so với Nga. Mỹ sẽ chuyển giao F-16 khi nào Ukraine hoàn tất huấn luyện.
Trong bản tin hôm 17-8, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay số tiêm kích F-16 này sẽ được chuyển tới Ukraine từ Hà Lan và Đan Mạch.
Ông Reznikov không cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm và thời gian diễn ra khóa huấn luyện, vốn bao gồm đào tạo ngôn ngữ chuyên ngành kỹ thuật, vì vốn tiếng Anh cơ bản là không đủ.
* Liên Hiệp Quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Chernihiv, Ukraine. Bà Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, cho biết bà lên án kiểu tấn công lặp đi lặp lại của Nga vào các khu vực đông dân cư của Ukraine.
Theo đó, các cuộc tấn công nhằm vào thường dân hoặc các đối tượng dân sự đều bị nghiêm cấm theo luật nhân đạo quốc tế.
Ngày 19-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đã tập kích nhiều cơ sở dân sự ở thành phố Chernihiv, khiến ít nhất 7 người chết và 144 người bị thương.
Trong khi đó, Bộ Văn hóa Ukraine cho biết trung tâm Chernihiv, thành phố có lịch sử hàng ngàn năm, là một ứng cử viên để được đề cử vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Ông Putin đến nơi Wagner từng nổi loạn
Trước khi vụ tấn công diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thành phố Rostov-on-Don ở miền Nam để gặp các tướng lĩnh hàng đầu.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã họp giao ban với Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov và các sĩ quan cấp cao khác.
Rostov-on-Don cũng là nơi diễn ra cuộc binh biến của Wagner vào tháng 6. Ông Gerasimov, người mà Wagner muốn phế truất, hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ đó.
Trong một diễn biến khác, Ukraine cho biết họ đã bắn hạ hơn chục máy bay không người lái (UAV) của Nga trong đêm.
Còn quân đội Nga nói họ đã ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, cũng như nỗ lực tấn công bằng UAV vào sân bay quân sự ở khu vực Tây Bắc Novgorod.
Mỹ lên tiếng vì Đài Loan
* Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng gây áp lực với Đài Loan. Ngày 19-8, Trung Quốc thông báo tổ chức cuộc tập trận trên không và trên biển quanh Đài Loan để gửi "cảnh báo nghiêm khắc" tới hòn đảo này, sau khi phó lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức quá cảnh ở Mỹ.
"Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó hãy tham gia đối thoại", Hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mỹ cho biết sẽ tiếp tục giám sát các cuộc tập trận của Trung Quốc.
Đài Loan nói rằng họ phát hiện 42 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà hòn đảo này tuyên bố, kể từ 9h sáng ngày 19-8. Có 8 tàu Trung Quốc phối hợp trong cuộc tập trận.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết có 26 máy bay chiến đấu đã vượt qua đường phân cách không chính thức trên eo biển Đài Loan.
Thiên tai ở khu vực Bắc Mỹ
* Bão Hilary mang mưa lớn tới Tây Nam nước Mỹ. Các quan chức cảnh báo cơn bão có khả năng gây ra "lũ lụt thảm khốc và đe dọa tính mạng" người dân.
Trong ngày 19-8, cơn bão đã suy yếu từ cấp 4 xuống cấp 2 trên thang Saffir-Simpson 5 cấp, nhưng Hilary vẫn được xem là có khả năng gây "thiệt hại trên diện rộng". Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết Hilary có sức gió lên đến 175km/h.
Cơn bão sẽ tiếp tục càn quét dọc theo bờ biển bán đảo Baja California của Mexico trong sáng 20-8. Sau đó, Hilary sẽ di chuyển qua miền Nam California nước Mỹ vào chiều và đêm cùng ngày.
Cơn bão dự kiến sẽ suy yếu trước khi đến miền Nam California và miền Nam Nevada.
* 30.000 người sơ tán vì cháy rừng ở Canada. Trận cháy rừng dữ dội hoành hành ở thành phố Kelowna, tỉnh British Columbia của Canada đã khiến khoảng 30.000 người phải sơ tán trong ngày 19-8.
"Tình hình biến đổi liên tục nhưng hiện tại có khoảng 30.000 người được lệnh sơ tán và 36.000 người khác trong tình trạng báo động sơ tán", Hãng tin AFP dẫn thông báo của chính quyền British Columbia.
Kelowna là thành phố có 150.000 dân, lúc này đang chìm trong làn khói dày đặc. Theo Hãng tin AFP, vào mùa hè Canada thường có cháy rừng.
Chính quyền tỉnh cũng công bố lệnh ngăn người dân nơi khác tới khu vực này nếu không cần thiết.
Diễn biến tại châu Phi
* Phái đoàn ECOWAS đã gặp tổng thống bị lật đổ của Niger. Theo Hãng tin AFP, ngày 19-8, một phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tới Niger để đàm phán với các sĩ quan quân đội nắm quyền ở nước này sau đảo chính.
Phái đoàn ECOWAS đã gặp tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trong cùng ngày. Một nguồn tin thân cận với ECOWAS nói với AFP rằng ông Bazoum có "tinh thần tốt".
Ông Bazoum vẫn bị giam giữ cùng gia đình tại dinh tổng thống kể từ cuộc đảo chính. Hình ảnh trên truyền hình Niger cho thấy ông Bazoum tươi cười bắt tay các thành viên phái đoàn ECOWAS do cựu lãnh đạo Nigeria Abdulsalami Abubakar dẫn đầu.
Trong tuần này, các chỉ huy quốc phòng của ECOWAS đã gặp nhau 2 ngày tại thủ đô Accra của Ghana để điều chỉnh chi tiết kế hoạch can thiệp quân sự có thể áp dụng nhằm khôi phục quyền lực của Tổng thống Bazoum nếu các cuộc đàm phán với chính quyền quân sự ở Niger thất bại.
* Khai mạc Diễn đàn truyền thông khối BRICS lần thứ 6 tại Nam Phi. Ngày 19-8, Diễn đàn truyền thông khối BRICS lần thứ 6 đã khai mạc tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức từ ngày 22 đến 24-8.
Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày với chủ đề "BRICS và châu Phi: Tăng cường đối thoại truyền thông vì một tương lai chung và không thiên vị". Diễn đàn năm nay bao gồm các cuộc thảo luận về một loạt chủ đề quan trọng, như "Bảo vệ công lý để định hình trật tự quốc tế mới", "Tăng cường trao đổi để thúc đẩy tăng trưởng của châu Phi" và "Thúc đẩy đổi mới để thúc đẩy phát triển xanh".
Khách mời danh dự tại diễn đàn bao gồm 200 đại biểu từ 100 cơ quan truyền thông hàng đầu từ các quốc gia BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đại diện các tổ chức truyền thông lớn từ các nước đang phát triển và thị trường mới nổi khác, đặc biệt là các nước châu Phi, các doanh nhân và chuyên gia.
Diễn đàn truyền thông khối BRICS được thành lập năm 2015 theo sáng kiến của Tân Hoa xã (Trung Quốc) và cùng khởi xướng với các cơ quan truyền thông chính thống từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.
Dự kiến một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa các phương tiện truyền thông hàng đầu của BRICS sẽ được thống nhất vào cuối diễn đàn lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận