Dư âm từ cuộc tấn công của Iran vào Israel hôm 13, rạng sáng 14-4 vẫn chưa dứt khi những tranh cãi tiếp tục diễn ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 18-4. Cùng ngày, nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc của Palestine đã bị chặn đứng tại cơ quan này.
Iran cảnh báo sẽ khiến Israel hối hận
Trong cuộc họp ngày 18-4 tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh Israel "phải bị ngăn chặn bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào chống lại lợi ích của Iran".
"Trong trường hợp chính quyền Israel sử dụng vũ lực và xâm phạm chủ quyền của chúng tôi, Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không ngần ngại thực thi các quyền vốn có của mình, phản ứng một cách quyết đoán và thích hợp để khiến Tel Aviv phải hối hận về hành động của mình", ông Hossein Amirabdollahian tuyên bố.
Trước đó, cũng tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Trung Đông đang ở trong "giai đoạn nguy hiểm cực độ".
"Đã đến lúc chấm dứt vòng lặp trả đũa đẫm máu. Đã đến lúc phải dừng lại. Cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực chiến tranh, với tác động tàn khốc đối với dân thường", ông kêu gọi.
Cũng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 18-4, Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan đã chỉ trích sự hiện diện của ông Amirabdollahian tại cơ quan này.
Ông này cho rằng sự có mặt của ngoại trưởng Iran là một sự chế nhạo, bởi trước đó Tehran đã tấn công một thành viên của Liên Hiệp Quốc rồi lại đến tổ chức này để "rao giảng về nhân quyền và luật quốc tế".
Mỹ chặn đường vào Liên Hiệp Quốc của Palestine
Theo Hãng thông tấn AFP, Mỹ đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-4 tại Hội đồng Bảo an về việc kết nạp Palestine thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Anh và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 12 thành viên còn lại bỏ phiếu đồng ý.
Việc Mỹ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an đã ngăn chặn đường vào Liên Hiệp Quốc của Palestine.
Bởi theo quy định, bất kỳ nghị quyết nào cần phải được thông qua tại Hội đồng Bảo an mà không có phiếu chống của 1 trong 5 thành viên thường trực cơ quan này gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Lần cuối cùng một quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn một nước gia nhập Liên Hiệp Quốc là vào năm 1976.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án hành động của Mỹ là "không công bằng, phi đạo đức và không chính đáng", rằng nó thách thức "ý chí của cộng đồng quốc tế vốn ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Israel tạo ra "địa ngục nhân đạo" ở Dải Gaza
Tại Hội đồng Bảo an ngày 18-4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza đã tạo ra "địa ngục nhân đạo" cho thường dân bị mắc kẹt ở đó, đồng thời kêu gọi Israel cho phép thêm viện trợ vào lãnh thổ.
Để ngăn chặn nạn đói tại đây, theo ông, đã tới lúc cần có "một bước nhảy vọt về viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza. "Thực phẩm là điều cần thiết; nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cũng vậy", ông Guterres nói.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận các cam kết của Israel trong việc cải thiện tình hình nhưng nó lại không đủ để ngăn chặn nạn đói.
Ukraine so bì với Israel
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đang dự cuộc họp 3 ngày của các ngoại trưởng nhóm G7 tại Ý, đã thể hiện sự thất vọng trước những bế tắc trong viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nói chuyện với các phóng viên khi đến đảo Capri (Ý), ông Kuleba than thở về chuyện trong khi các lực lượng Mỹ, Anh và Pháp đã giúp ngăn chặn tên lửa của Iran tấn công Israel, thì đất nước của ông lại thiếu các hệ thống phòng thủ quan trọng.
Ngoại trưởng Ukraine kế đó kêu gọi các nước phải giúp Kiev ngăn chặn các đợt tấn công của Nga, giảm thiệt hại và thương vong giống như cách những nước này đã làm với Israel.
Kuleba cũng cho biết ông hy vọng sẽ nhận được những cam kết ngay lập tức từ các đối tác trong tuần này trong việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot và SAMP/T cho Ukraine, cũng như áp các lệnh trừng phạt mới nhằm vào việc sản xuất máy bay không người lái có vũ trang của Iran đang được xuất khẩu sang Nga.
Ông Trump thúc giục châu Âu chi tiền cho Ukraine ngang bằng Mỹ
Trên nền tảng mạng xã hội Truth Social ngày 18-4, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên thừa nhận sự sống còn của Ukraine có ý nghĩa quan trọng với Mỹ. Tuy nhiên, ông dành phần lớn bài viết để phàn nàn rằng các nước châu Âu đã không chi nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine như cách Mỹ làm.
"Tại sao châu Âu lại không thể bỏ ra số tiền bằng những gì Mỹ đã làm để giúp đỡ một quốc gia đang gặp khó khăn tuyệt vọng?". "Hành động đi, châu Âu!", ông Trump thúc giục.
FBI: Tin tặc Trung Quốc đang chờ tung đòn tàn khốc với Mỹ
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray tin rằng các tin tặc có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, chờ đợi "thời điểm thích hợp để giáng một đòn tàn khốc", theo Hãng tin Reuters.
Trong phát biểu tại Đại học Vanderbilt ngày 18-4, ông Wray cho biết chiến dịch tin tặc này vẫn đang diễn ra và có tên Volt Typhoon. Những kẻ tấn công đã giành được quyền truy cập thành công vào nhiều công ty Mỹ trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, nước và các lĩnh vực quan trọng khác.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ bác các cáo buộc của ông Wray trong cùng ngày, nhấn mạnh Volt Typhoon không liên quan Chính phủ Trung Quốc.
Tuyên bố của đại sứ quán cũng cáo buộc một số người ở Mỹ "đang sử dụng các cuộc tấn công mạng như một công cụ để công kích và đổ lỗi cho Trung Quốc", rắp tâm chính trị hóa các vấn đề an ninh mạng.
Nhức nhối vì rác
Một người đàn ông đang thu nhặt phế liệu trong đống rác thải bị sóng đánh dạt lên bờ tại bãi biển Kedonganan trên đảo Bali của Indonesia vào ngày 19-3-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận