Chưa có thông tin về thiệt hại từ trận động đất mới
* Động đất 5,2 độ rung chuyển miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Trung tâm địa chấn châu Âu Địa Trung Hải (EMSC), tâm chấn động đất nằm ở độ sâu 10km. Hiện chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại.
Tính đến cuối ngày 18-2, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 6-2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã lên tới hơn 46.000 người, trong đó có 40.642 người tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đài TRT World, con số này dự kiến sẽ còn tăng do có tới 345.000 căn hộ trong 90.609 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy hoàn toàn, hư hỏng nặng hoặc cần phá dỡ khẩn cấp.
* Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ngày 19-2, Triều Tiên xác nhận họ đã thử tên lửa ICBM trước đó một ngày, nhằm xác nhận độ tin cậy của vũ khí.
"Cuộc tập trận phóng ICBM bất ngờ... là bằng chứng thực tế về những nỗ lực nhất quán của lực lượng hạt nhân chiến lược Triều Tiên", Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết.
KCNA gọi vụ phóng nhằm "đảm bảo và là bằng chứng rõ ràng về độ tin cậy chắc chắn của khả năng răn đe hạt nhân vật lý mạnh mẽ của chúng ta".
Ngày 18-2, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa ra vùng biển phía đông nước này. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa tầm xa này đã được phóng từ khu vực Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng lúc 17h22 chiều 18-2 (giờ địa phương).
Sunan là địa điểm có sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, nơi Triều Tiên đã tiến hành hầu hết các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gần đây.
Vụ phóng diễn ra sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ có phản ứng "mạnh mẽ, bền bỉ chưa từng có" khi Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị tổ chức tập trận quân sự.
* Mỹ tố Trung Quốc không xin lỗi vụ khinh khí cầu. Ngày 18-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị rằng việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ sẽ không bao giờ xảy ra nữa, nhưng ông Vương Nghị đã không xin lỗi về vụ việc trong cuộc gặp của họ ở Munich.
Ông Blinken nói thêm rằng Mỹ đã không phản ứng thái quá trong việc bắn hạ khinh khí cầu và họ đang chủ động giám sát vụ việc.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết mối quan tâm chính của Washington là khả năng Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Washington nói chuyện với Elon Musk hỗ trợ Ukraine
* Mỹ bàn về vệ tinh Internet Starlink ở Ukraine với Elon Musk. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Chính phủ Mỹ đã có cuộc trò chuyện với tỉ phú Elon Musk về việc sử dụng Internet vệ tinh Starlink ở Ukraine.
Trong tháng này, SpaceX cho biết họ đã ngăn quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ Starlink của công ty để điều khiển máy bay không người lái trong khu vực trong cuộc chiến với Nga.
Khi được hỏi liệu Mỹ có yêu cầu Elon Musk không hạn chế việc sử dụng Starlink của quân đội Ukraine hay không, ông Blinken nói: "Tôi không thể chia sẻ bất kỳ cuộc trò chuyện nào mà chúng tôi đã có, ngoài việc nói rằng chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện".
SpaceX đã vận chuyển các xe tải chở thiết bị đầu cuối Starlink đến Ukraine, cho phép quân đội nước này liên lạc bằng cách kết nối với gần 4.000 vệ tinh mà SpaceX đã phóng lên quỹ đạo Trái đất cho đến nay.
Tỉ phú Elon Musk cho biết Nga đã cố gắng gây nhiễu tín hiệu Starlink trong khu vực.
* Pháp muốn Nga thất bại chứ không bị phá hủy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tờ Le Journal du Dimanche rằng Pháp muốn Nga bị đánh bại ở Ukraine nhưng không muốn "nghiền nát" nước này.
"Tôi không nghĩ, như một số người nghĩ, rằng chúng ta phải hướng tới mục tiêu đánh bại Nga hoàn toàn, tấn công Nga trên chính đất của mình. Những nhà quan sát đó muốn, trên hết, đè bẹp Nga.
Đó chưa bao giờ là lập trường của Pháp và đó sẽ không bao giờ là mong muốn của chúng tôi", ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng ngày 18-2.
Ông Macron đã bị một số đồng minh NATO chỉ trích vì đưa ra những thông điệp trái chiều liên quan đến chính sách của ông đối với cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.
Thậm chí một số người coi Paris là một mắt xích yếu trong liên minh phương Tây. Ngày 17-2, ông Macron kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
* Nga tuyên bố chiếm được làng Hrianykivka ở Kharkov. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã chiếm được Hrianykivka, một ngôi làng ở khu vực Kharkov phía đông Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine thông báo ngôi làng bị pháo kích ngày 18-2 nhưng không đề cập gì thêm.
Theo Hãng tin Reuters, Hrianykivka cách Bakhmut khoảng 180km về phía bắc. Bakhmut là một thành phố ở vùng Donetsk phía đông đã nổ ra giao tranh ác liệt trong những tuần gần đây.
Cũng trong ngày 18-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn các lực lượng trong khu vực Kharkov.
* Phần lớn Ukraine đã có điện. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết phần lớn Ukraine đã có điện, bất chấp một loạt cuộc tấn công lớn của Nga vào hệ thống phát điện.
Theo Hãng tin Reuters, Nga đã thực hiện nhiều đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine trong những tháng gần đây, có lúc khiến hàng triệu người không có ánh sáng, sưởi ấm hoặc nước.
"Hầu hết lãnh thổ Ukraine đều có điện. Hầu hết người dân của chúng tôi đều có điện", ông Zelensky nói trong một bài phát biểu qua video.
Một ngoại lệ chính là thành phố cảng Odessa ở phía nam, nơi vẫn còn cắt điện để bảo vệ các cơ sở sản xuất bị tổn hại bởi các cuộc tấn công trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận